Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Thơ Sergei Esenin. Phần XIII. NHỮNG MÔ-TÍP BA TƯ

Sergei Esenin. 203 bài Thơ và Trường ca



NHỮNG MÔ-TÍP BA TƯ 


CÔ HÀNG NƯỚC 

Vết thương xưa đã dịu bớt trong hồn
Con tim giờ đang quên cơn mê sảng
Giữa màu xanh hoa cỏ Tê-hê-ran
Trong quán nước tôi đi tìm quên lãng**.

Cô hàng nước khoe bờ vai tròn lẳn
Như để làm duyên trước chàng trai Nga
Cô mời tôi uống nước chè đỏ thắm
Thay cho rượu vang và rượu vốt-ca.

Xin mời em, cô chủ quán, xin mời
Trong vườn em hoa hồng đang đua nở
Chẳng vô tình em chớp mắt cùng tôi
Tấm khăn choàng màu đen như hé mở.

Ở nước Nga những thiếu nữ thanh tân
Chúng tôi không giữ bằng xích như chó
Chúng tôi hôn nhau không phải trả tiền
Không đánh nhau và chẳng cần dao rựa.

Em bước đi những bước thật rộn ràng
Gương mặt em như vầng đông buổi sáng
Tôi tặng em chiếc khăn Khorasan***
Từ Shiraz tôi đem về tấm thảm.

Tôi thật tình, không nói dối bao giờ
Em hãy rót cho tôi chè đặc nữa
Hôm nay đây tôi chỉ biết mình thôi
Chịu trách nhiệm về em tôi không thể.

Bởi trong vườn rào giậu đã có rồi
Nên đôi mắt chẳng cần nhìn ra cửa
Chẳng vô tình em chớp mắt cùng tôi
Tấm khăn choàng màu đen như hé mở.
1924.


BẰNG TIẾNG BA TƯ

Ngày hôm nay tôi hỏi người đổi tiền
Thường đổi một rúp lấy nửa tooman
Biết nói sao cùng Laly yêu quí
Bằng tiếng Ba Tư lời “anh yêu em”?

Có điều gì như thế muốn hỏi xem
Nhẹ hơn gió, êm hơn nước hồ Van*
Biết nói sao cùng Laly yêu quí
Lời ngọt ngào và âu yếm “nụ hôn”?

Và hỏi thêm có điều gì như thế
Khi rụt rè trong sâu thẳm con tim
Biết nói sao cùng Laly yêu quí
Lời thân thương, trìu mến “em của anh”?

Người đổi tiền trả lời tôi ngắn gọn:
Ô, tình yêu không ai nói bằng lời
Yêu là khi ta thở dài thầm kín
Đôi mắt nhìn như châu ngọc đầy vơi.

Tên gọi nụ hôn cũng không hề có
Nụ hôn không như dòng chữ chết rồi
Mà nụ hôn thoảng mùi hoa hồng đỏ
Những cánh hoa tan chảy ở trên môi.

Và tình yêu chẳng cần ai bảo vệ
Với tình yêu ta biết mọi vui buồn
“Em của anh”- chỉ bàn tay có thể
Gỡ tấm khăn choàng che mặt màu đen**.
1924.
_________________ 

*Van – hồ nước mặn không có dòng chảy nằm trên độ cao 1720m ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ (xưa là vương quốc Ba Tư).
**Khăn che mạng của phụ nữ Hồi giáo.
 




SAGANÊ

Saganê của anh, Saganê!
Bởi vì anh người đến từ phương bắc
Anh kể em nghe cánh đồng lúa mạch
Dưới ánh trăng từng đợt sóng dội về
Saganê của anh, Saganê.

Bởi vì anh người đến từ phương bắc
Nơi mặt trăng to sáng gấp trăm lần
Và Shiraz của em dù có đẹp
Cũng không hơn đồng ruộng Riazan*
Bởi vì anh người đến từ phương bắc.

Anh kể cho em về những cánh đồng
Mái tóc này anh mượn từ lúa mạch
Em hãy lấy ngón tay xe sợi tóc
Anh sẽ không đau, một chút cũng không
Anh kể cho em về những cánh đồng.

Dưới ánh trăng từng đợt sóng dội về
Nhìn mái tóc của anh em hãy đoán
Em thân yêu cười vui với anh đi
Chỉ xin em đừng gợi lên hoài niệm
Dưới ánh trăng từng đợt sóng dội về.

Saganê của anh, Saganê
Người con gái nơi phương xa cũng vậy
Sao mà người ta giống với em ghê
Và có lẽ đang nhớ về anh đấy...
Saganê của anh, Saganê.
1924

_______

*Riazan là quê hương của Esenin. 




HÔN GIỐNG NHÀ THƠ

Em nói rằng Sadi*
Xưa chỉ hôn vào ngực
Em ơi chớ vội gì
Khi nào anh sẽ học.

Em hát: “ở bên sông**
Hoa đẹp hơn thiếu nữ”.
Giá mà anh chẳng nghèo
Bài hát này xin sửa.

Anh bẻ cánh hoa tươi
Bởi niềm vui chỉ một
Để cho trên cõi đời
Saganê đẹp nhất.

Đừng đem điều di chỉ
Anh không hiểu bao giờ
Sinh ra làm thi sĩ
Nên hôn giống nhà thơ.
19-12-1924.
--------------
*Saadi (1213-1293) – nhà tư tưởng, nhà thơ Ba Tư, tác giả của tập thơ “Vườn Hồng” nổi tiếng.
**Sông Euphrates. 





MẮT EM BỪNG NGỌN LỬA

Chưa bao giờ anh đến biển Bôxpho
Xin em đừng hỏi anh về nơi đó
Trong mắt em anh vẫn thấy biển bờ
Trong mắt em vẫn cháy bừng ngọn lửa.

Anh chưa đến thành Bát-đa đêm hội
Chưa mang tơ và thuốc nhuộm hoàng điều.
Hãy ngồi xuống bên anh, lên đầu gối
Hãy nghiêng thân hình xinh đẹp, đáng yêu.*

Và xin em đừng hỏi nữa bao giờ
Về một điều em chẳng cần biết đến
Rằng trong cái tên xa thẳm – nước Nga
Người ta gọi anh nhà thơ nổi tiếng.

Trong lòng anh vẳng tiếng ta-lian-ka**
Dưới ánh trăng lòng vẫn nghe tiếng chó.
Chẳng lẽ sao em cô gái Ba Tư
Không muốn một lần đến thăm nơi đó?

Anh đến nơi đây chẳng phải vì buồn
Em gọi anh một điều gì thầm kín.
Và đôi bàn tay xinh đẹp của em
Quàng lấy anh tựa hồ như đôi cánh.

Anh từ lâu đi tìm chốn lặng yên
Dẫu cuộc đời ngày xưa không trách cứ
Hãy kể cho anh nghe một điều gì
Về đất nước, quê hương em đi chứ.

Dìm trong anh nỗi nhớ ta-lian-ka
Bằng hơi thở ngập tràn hương quyến rũ
Để lòng anh về cô gái phương xa
Không thổn thức, không buồn, không suy nghĩ.

Cho dù anh chưa đến biển Bôxpho
Anh nghĩ ra cho em về nơi đó
Vì đôi mắt em vẫn giống biển bờ
Đôi mắt em đang cháy bừng ngọn lửa.
21-12-1924.
-------------------------
*Trong thơ cổ Ba Tư thân hình của người con gái đẹp là một hình tượng rất phổ biến và, - khác với thơ cổ VN - bao giờ cũng được ví với cây thông, cây bách (cypress).

**Ta-lian-ka – đàn phong cầm nhỏ.
 


video

EM NHỚ THUỘC ĐIỀU NÀY

Dưới ánh chiều của miền quê vàng rực
Những bông hồng trôi lặng lẽ trên đồng
Em yêu ơi, hát anh nghe bài hát
Bài hát ngày xưa từng hát Khayyam*
Những bông hồng trôi lặng lẽ trên đồng.

Dưới trăng vàng Shiraz đẹp nên thơ
Sao nhấp nháy lượn vòng như đàn bướm
Tôi không thích một điều: người Ba Tư
Giữ thiếu nữ dưới tấm khăn che mạng
Dưới trăng vàng Shiraz đẹp nên thơ.

Có phải vì xứ sở nắng nhiều hơn
Để che đi nước da màu bánh mật?
Hay để cho đàn ông sẽ yêu hơn
Họ không muốn nắng phơi lên gương mặt
Để che đi nước da màu bánh mật?

Em yêu ơi, đừng vấn khăn che mạng
Vắn tắt thôi, em nhớ thuộc điều này
Rằng cuộc đời của ta là rất ngắn**
Hạnh phúc ta được ngắm ít lắm thay
Vắn tắt thôi, em nhớ thuộc điều này.

Cả những gì không đẹp ở trong đời
Vẫn ánh lên vẻ đáng yêu quá đỗi
Bởi thế nên những đôi má tuyệt vời
Trước thiên hạ che đi là tội lỗi
Mẹ thiên nhiên sinh ra thế mà thôi.

Những bông hồng trôi lặng lẽ trên đồng
Giờ con tim đang mơ về xứ khác
Em yêu ơi, giờ anh hát cho em
Những bài hát Khayyam chưa từng hát
Những bông hồng trôi lặng lẽ trên đồng
1924.
----------------------
*Omar Khayyam (1048-1131) - nhà toán học, thiên văn học, nhà tư tưởng, nhà thơ, danh y Ba Tư, tác giả của thơ rubaiyat nổi tiếng khắp thế giới. Omar Khayyam là một thiên tài đa dạng tầm cỡ như Leonardo da Vinci (1452-1519) nhưng từ nửa cuối thế kỷ 19 trở về trước chỉ được một số rất ít các nhà khoa học ở châu Âu biết đến qua một vài công trình toán học (trong phương pháp của Khayyam có cốt lõi của công thức mà sau này nổi tiếng với tên gọi Nhị thức Newton) và lịch (lịch do Khayyam lập ra có độ chính xác cao hơn lịch Gregorian ở châu Âu thế kỉ 16 nhưng đã không được áp dụng). Kể từ năm 1859 (sau hơn 700 năm) khi bản dịch “The Rubaiyat of Omar Khayyam” của Edward Fitzgerald (1809-1883) ra đời cho đến nay, Omar Khayyam là nhà thơ có số bản in nhiều nhất trong khối các nước nói tiếng Anh. Đây cũng là một thực tế ở cả châu Âu và rất nhiều nước khác. Thơ rubaiyat của Omar Khayyam được dịch ra hầu hết các thứ tiếng của thế giới. 


** “Nghệ thuật thì dài lâu mà cuộc đời thì ngắn ngủi” (Ars longa, vita brevis). Điều này đã từng được bác sĩ Hippocrates (460-370 tr. CN), Seneca (65-4 tr. CN) hay Goethe (1749-1832) trong “Faust” nói đến nhưng ở đây Esenin dựa theo một trong những mô-típ rất quen thuộc của Khayyam. 






MÀU THANH THIÊN ĐÃ MẤT

Bầu không khí rất trong và rất xanh
Tôi bước ra giữa cánh rừng hoa lá
Màu thanh thiên níu bước kẻ du hành
Ngươi chẳng bao giờ đến sa mạc cả
Bầu không khí rất trong và rất xanh.

Ngươi đi qua đồng cỏ như vườn hoa
Trong vườn hoa nở đầy bông hoa dại
Ngươi không giữ nổi ánh mắt tò mò
Để không áp vào bông hoa đỏ chói
Ngươi đi qua đồng cỏ như vườn hoa.

Tiếng rung động đâu đây nghe xào xạc
Mượt mà như những bài hát Sadi*
Chỉ phút chốc đã bừng trong ánh mắt
Dưới trăng vàng trời đất cũng say mê
Mượt mà như những bài hát Sadi.

Giọng nói của em ngọt ngào như mật
Êm đềm như tiếng sáo của Hasan
Khi trong vòng tay riết chặt của em
Chẳng còn chút gì khổ đau mất mát
Chỉ còn nghe tiếng sáo của Hasan.

Đó mới chính là vận may ao ước
Cho những ai mỏi mệt chặng đường dài
Và ngọn gió thổi lên niềm khao khát
Để cho anh uống những cặp môi say.
Để quên đi mỏi mệt chặng đường dài.
1925.
---------------
*Thơ Saadi:
Sau khi chết nếu được lên thiên đàng nhưng chẳng có em
Thì anh sẽ nhắm mắt vào cho khỏi thấy thiên đàng hạnh phúc.
Bởi không có em, với anh, thiên đàng có khác gì địa ngục
Không, con đâu có tội gì mà Người trừng phạt, Thánh Ala


***
Tôi hỏi em: “Anh có tội gì đâu mà em nhìn đi nơi khác
Tình đắm say của những ngày xưa và âu yếm ở đâu rồi?”
Em trả lời: “Hãy nhìn vào gương mà xem mái đầu anh đã bạc
Chẳng phải là màu áo cưới tân hôn mà là màu chết đấy thôi”.





SỐNG Ở ĐỜI NHƯ THẾ

Ánh trăng vàng dưới bầu trời se lạnh
Mùi hương hoa đinh tử, rặng trúc đào.
Ta dạo bước giữa lặng yên thanh vắng
Giữa màu xanh âu yếm đẹp làm sao.

Chốn xa xôi kia là thành Bát-đa
Nơi ngày xưa đã sống nàng Sêhêradát
Nhưng giờ đây tất cả đã mờ xa
Tiếng ngân vang trong vườn xưa đã tắt.

Những bóng ma xa xôi trên mặt đất
Những mầm cây quanh mộ chí lô nhô
Khách viễn du đừng nghe người đã khuất
Đừng lặng yên cúi xuống những nấm mồ.

Hãy nhìn xem quanh ta đẹp như mơ
Những bờ môi như hoa hồng mời gọi
Nếu bỏ qua trong tim những hận thù
Thì cuộc đời sẽ đáng yêu biết mấy.

Sống ra sống và yêu hãy ra yêu**
Dưới trăng vàng hãy hôn và dan díu
Người đã chết nếu như muốn cúi chào
Người đang sống xin nhớ đừng quấy nhiễu.

Đấy là điều đã từng ca nàng Sêhêradát
Giờ lại nhắc những chiếc lá sắc đồng
Với những kẻ chẳng còn chi khao khát
Sống ở đời như thế có thương không.
1925




NHỮNG CÁNH CỬA Ở KHORASAN*

Những cánh cửa ở Khorasan như thế
Nơi người ta rắc lên những bông hồng
Nơi người đẹp Ba Tư trầm ngâm, lặng lẽ
Những cánh cửa ở Khorasan như thế
Nhưng tôi không thể mở được bao giờ.

Dù trong tay tôi sức lực có thừa
Có cả đồng, cả vàng trong mái tóc
Giọng nói của em như mộng, như mơ
Dù trong tay tôi sức lực có thừa
Nhưng cánh cửa kia tôi không thể mở.

Trong tình yêu can đảm để làm gì
Để làm gì? Còn hát cho ai nữa
Saganê chẳng thèm giận hờn chi
Vì cánh cửa kia tôi không thể mở
Trong tình yêu can đảm để làm gì.

Đã đến lúc tôi về lại nước Nga
Ôi Ba Tư! Với người xin từ giã
Đến muôn năm tôi với người chia xa
Vì tình yêu muôn đời cho quê mẹ
Đã đến lúc tôi về lại nước Nga.

Thôi, người đẹp Ba Tư, thôi xin chào
Dù cánh cửa mở ra tôi không thể
Em cho tôi nỗi đau khổ ngọt ngào
Trên quê hương tôi hát về em nhé
Thôi, người đẹp Ba Tư thôi xin chào.
3-1925.
--------------------
*Khorasan là quê hương của Omar Khayyam cũng là quê hương của “Ali Baba và bốn mươi tên cướp”.




EM ĐẸP LẮM BA TƯ

Quê hương của Firdawsi* màu xanh
Nhưng kỷ niệm xưa trong lòng vẫn ấm
Anh chẳng thể quên xứ sở của mình
Trong những đôi mắt trầm tư mặc tưởng.
Quê hương của Firdawsi màu xanh.

Anh biết rằng em đẹp lắm Ba Tư
Những bông hoa như ngọn đèn cháy đỏ
Và bây giờ anh lại nhớ phương xa
Hơi mát mẻ thì thầm nhắc anh đó
Anh biết rằng em đẹp lắm Ba Tư.

Anh đang uống hôm nay đây lần cuối
Những mùi hương say đắm tựa hơi men
Trong giờ phút chia ly nghe giọng nói
Của Saganê yêu dấu vang lên
Anh đang nghe hôm nay đây lần cuối.

Nhưng có lẽ nào anh lại quên em?
Trong cuộc đời kẻ bôn ba đây đó
Với tất cả người quen biết xa gần
Anh sẽ luôn đi kể về em nhé
Đến muôn đời anh sẽ chẳng quên em.

Điều bất hạnh của em anh chẳng sợ
Nhưng dù sao anh vẫn kẻ du hành
Anh sẽ viết về nước Nga bài hát
Khi hát lên em hãy nhớ về anh
Trong bài ca em sẽ nghe lời đáp.
3-1925.
-----------------------
* Firdawsi (Phi-đô-xi) (934-1024) – nhà thơ Ba Tư, tác giả của trường ca Shahnameh (Sách Vua) nổi tiếng kể về lịch sử Iran từ buổi sơ khai cho đến cuộc chinh phục vương quốc Ba Tư của người Arập vào giữa thế kỷ thứ 7. Có thể gọi Shahnameh là một Iliát của phương Đông.





LÀM THI SĨ 

Làm thi sĩ – thì cũng có nghĩa là
Nếu sự thật cuộc đời không vi phạm
Giữ vết thương thành sẹo ở trên da
Căm người khác vẫn nhẹ nhàng, tình cảm

Làm thi sĩ – nghĩa là hát tự do
Để thiên hạ muôn người ai cũng biết.
Chim hoạ mi chỉ có một bài ca
Nên hoạ mi chẳng hề đau khi hót.

Chim hoàng yến ca giọng ca người khác
Thì sẽ buồn cười, nhỏ nhặt, đáng thương
Cuộc đời cần ở nhà thơ giọng hát
Của riêng anh, dù là giọng ễnh ương.

Mahômét xưa viết kinh Koran
Đã khôn ngoan cấm ta dùng rượu mạnh*
Nên nhà thơ thời nay đã không ngừng
Uống rượu vang khi nhà thơ đau đớn.

Khi nhà thơ đi đến với người tình
Nhưng người tình trên giường cùng kẻ khác
Thì nhà thơ giữ nước mắt long lanh
Không thả vào tim người tình dao sắc.

Dù đau khổ nhưng nhà thơ can đảm
Vẫn huýt gió vang khi trở về nhà:
“Có gì đâu, ta chết đời du lãm
Cuộc đời này điều chẳng lạ với ta”.
8-1925.
----------------------
*Kinh Koran cấm rượu bất kể mạnh hay nhẹ nhưng theo cách hiểu của Esenin (người Nga) thì chỉ cấm rượu mạnh. Mặt khác Esenin dựa theo mô típ của Khayyam. Trong thơ rubaiyat của Khayyam thì rượu là chủ đề chính. Thời Khayyam sống chưa có Vodka, Cognac, Whisky… mà rượu ở đây là Wine, Vino… nghĩa là rượu vang.




ĐÔI BÀN TAY EM 

Đôi bàn tay em như cặp thiên nga
Trong mái tóc vàng của tôi lặn ngụp
Cuộc đời này mãi đẹp bởi người ta
Bài hát tình yêu hát rồi lại hát.

Có một thuở xa xôi tôi đã hát
Và bây giờ hát lại bài hát này
Bởi giờ đây đang hít vào trong ngực
Những lời yêu thật âu yếm mê say.

Nếu con tim biết yêu đến tận cùng
Thì con tim sẽ trở thành vàng tấm
Chỉ một điều ánh trăng Tê-hê-ran
Những bài hát tình yêu không sưởi ấm.

Tôi chẳng biết làm sao tôi sống nổi
Trong vòng tay âu yếm của Sa-ga
Hay vẻ yêu kiều của em đắm đuối
Làm cho tôi rầu rĩ suốt đến già?

Mọi thứ ở đời đều có vẻ của mình
Thứ đẹp cho tai, thứ bùi cho mắt
Người Ba Tư bài hát viết không nên
Thì nghĩa là không phải người Shiraz.*

Những bài hát tôi viết ra cũng vậy
Tôi nghe lời đồn đại của người ta:
Giá hắn ta hát ngọt ngào, êm ái
Thì đã bắt về được cặp thiên nga.
8-1925.
---------------------
*Thơ ca là niềm tự hào dân tộc của người Ba Tư. Thơ ca Ba Tư có một vị trí đáng kể trong nền thơ ca nhân loại với nhiều tên tuổi lớn. Shiraz được coi là cái nôi của thơ ca Ba Tư, là quê hương của Sadi, Hafiz… Người Ba Tư thường nói: “Nếu không biết hát thì không phải người Shusu, nếu không biết làm thơ thì không phải người Shiraz”.




TẠI VÌ ĐÂU

“Tại vì đâu ánh trăng chiếu lu mờ
Lên thành quách, lâu đài, lên vườn tược
Cứ ngỡ như đi giữa cánh đồng Nga
Dưới màn sương mù kêu lên sột soạt”.

Anh đã hỏi, Laly yêu dấu ạ
Những cây tùng yên lặng đứng trong đêm
Nhưng hàng cây không một lời thủ thỉ
Mà ngọn cây cứ kiêu hãnh vút lên.

“Tại vì đâu ánh trăng soi buồn vậy?”
Trong rừng yên anh hỏi những cành hoa
Hoa nói rằng: “Nhà ngươi đâu cảm thấy
Những bông hồng xào xạc bởi xót xa”.

Những cánh hoa hồng rã rời, tan tác
Những cánh hoa như thủ thỉ bên tai:
“Saganê giờ đã yêu người khác
Saganê hôn người khác mất rồi.

Hoa nói rằng: “Người Nga không để ý..
Bài hát cho tim nhưng hát phải có đời… ”
Nên vì thế trăng vàng soi uỷ mị
Nên trăng mờ, trăng buồn bã khôn nguôi.

Đã từng gặp quá nhiều điều gian dối*
Nước mắt, khổ đau ai muốn ai không
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nhưng dù sao muôn đời ta vẫn đợi
Vẫn mang ơn trần thế những đêm hồng.
8-1925.
-----------------------
* “Người đẹp dễ đổi thay” (La donna è mobile). Câu này trong vở Opera “Rigoletto” của Verdi (1831-1901) đã trở thành những lời có cánh nhưng ở đây lại là mô típ của Khayyam.


TIM ƠI ĐỪNG ĐẬP NỮA

Tim ơi đừng đập nữa!
Hạnh phúc phụ ta rồi
Kẻ hành khất năn nỉ..
Đừng đập nữa tim ơi.

Ánh trăng như bùa mê
Toả lên cây vàng ánh
Quì xuống bên Laly
Vùi trong khăn che mạng
Đừng đập nữa tim ơi.

Giờ ta như con trẻ
Hay khóc lại hay cười
Cuộc đời nơi trần thế
Thất bại rồi niềm vui
Đừng đập nữa tim ơi.

Tôi đến nhiều xứ sở
Tìm hạnh phúc khắp nơi
Chỉ vận may, số đỏ
Không đi kiếm nữa rồi
Đừng đập nữa tim ơi.

Đời không hẳn dối lừa
Giờ lại say tình mới
Con tim hãy say sưa
Ngủ yên lên đầu gối
Đời không hẳn dối lừa.

Biết đâu sẽ mỉm cười
Số phận như dòng thác
Và tình lại lên ngôi
Như hoạ mi đang hát
Đừng đập nữa tim ơi.
8-1925. 




ĐÂY XỨ SỞ MÀU XANH

Đây xứ sở màu xanh, vui vẻ
Vì bài ca danh dự bán, cho không.
Gió từ biển xin nhẹ nhàng thổi để
Nghe hoạ mi đùa giỡn với hoa hồng.

Hãy xem kìa hoa hồng đang vẫy nhẹ
Cho bài ca được đáp lại trong tim.
Gió từ biển xin nhẹ nhàng thổi để
Nghe hoạ mi đùa giỡn với hoa hồng.

Không bàn cãi, cháu là cô bé
Còn chú nhà thơ, chứ tại sao không?
Gió từ biển xin nhẹ nhàng thổi để
Nghe hoạ mi đùa giỡn với hoa hồng.

Hêlia dấu yêu, xin lỗi nhé*.
Nhiều bông hoa đã gặp ở trên đường
Nhiều bông hoa vẫy chào nhưng chỉ
Một bông hoa cười mỉm thật dễ thương.

Ta cùng cười – cả chú và cháu nhé
Ta mỉm cười với xứ sở thân thương.
Gió từ biển xin nhẹ nhàng thổi để
Nghe hoạ mi đùa giỡn với hoa hồng.

Đây xứ sở màu xanh, vui vẻ
Dù cả cuộc đời vì bài hát cho không
Nhưng vì Hêlia trong bóng cành, bóng lá
Chim hoạ mi ôm ấp lấy hoa hồng.
8-4-1925.
----------------------
*Hêlia là con gái 6 tuổi của nhà báo P. Chagin, còn có tên gọi là Roza (Hoa hồng). Hoa hồngvà chim hoạ mi là một mô-típ quen thuộc của Ba Tư “người Ba Tư thường sử dụng hình tượng những bông hoa và những viên ngọc, chủ yếu là hình tượng những bông hồng. Chẳng hạn chúng ta bắt gặp Hafiz nói về sự sống của hoa hồng và tình yêu của chim hoạ mi “hỡi bông hoa hồng kiêu hãnh về sắc đẹp của mình, hãy nói một lời với con chim hoạ mi yêu thương đi”. Đối với người Ba Tư bản thân hoa hồng được xem là có tâm hồn, là người vợ chưa cưới yêu quí và tâm hồn nhà thơ vùi sâu vào tâm hồn của hoa hồng…” Hêghen. Mĩ học. Phan Ngọc dịch và giới thiệu. Nxb Văn học, 1999, tr. 587.


Xem thêm:

http://thoeseninsongngu.blogspot.com/

http://177nhathonga.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét