Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Thơ Sergei Esenin. Phần XIII. NHỮNG MÔ-TÍP BA TƯ

Sergei Esenin. 203 bài Thơ và Trường ca



NHỮNG MÔ-TÍP BA TƯ 


CÔ HÀNG NƯỚC 

Vết thương xưa đã dịu bớt trong hồn
Con tim giờ đang quên cơn mê sảng
Giữa màu xanh hoa cỏ Tê-hê-ran
Trong quán nước tôi đi tìm quên lãng**.

Cô hàng nước khoe bờ vai tròn lẳn
Như để làm duyên trước chàng trai Nga
Cô mời tôi uống nước chè đỏ thắm
Thay cho rượu vang và rượu vốt-ca.

Xin mời em, cô chủ quán, xin mời
Trong vườn em hoa hồng đang đua nở
Chẳng vô tình em chớp mắt cùng tôi
Tấm khăn choàng màu đen như hé mở.

Ở nước Nga những thiếu nữ thanh tân
Chúng tôi không giữ bằng xích như chó
Chúng tôi hôn nhau không phải trả tiền
Không đánh nhau và chẳng cần dao rựa.

Em bước đi những bước thật rộn ràng
Gương mặt em như vầng đông buổi sáng
Tôi tặng em chiếc khăn Khorasan***
Từ Shiraz tôi đem về tấm thảm.

Tôi thật tình, không nói dối bao giờ
Em hãy rót cho tôi chè đặc nữa
Hôm nay đây tôi chỉ biết mình thôi
Chịu trách nhiệm về em tôi không thể.

Bởi trong vườn rào giậu đã có rồi
Nên đôi mắt chẳng cần nhìn ra cửa
Chẳng vô tình em chớp mắt cùng tôi
Tấm khăn choàng màu đen như hé mở.
1924.


BẰNG TIẾNG BA TƯ

Ngày hôm nay tôi hỏi người đổi tiền
Thường đổi một rúp lấy nửa tooman
Biết nói sao cùng Laly yêu quí
Bằng tiếng Ba Tư lời “anh yêu em”?

Có điều gì như thế muốn hỏi xem
Nhẹ hơn gió, êm hơn nước hồ Van*
Biết nói sao cùng Laly yêu quí
Lời ngọt ngào và âu yếm “nụ hôn”?

Và hỏi thêm có điều gì như thế
Khi rụt rè trong sâu thẳm con tim
Biết nói sao cùng Laly yêu quí
Lời thân thương, trìu mến “em của anh”?

Người đổi tiền trả lời tôi ngắn gọn:
Ô, tình yêu không ai nói bằng lời
Yêu là khi ta thở dài thầm kín
Đôi mắt nhìn như châu ngọc đầy vơi.

Tên gọi nụ hôn cũng không hề có
Nụ hôn không như dòng chữ chết rồi
Mà nụ hôn thoảng mùi hoa hồng đỏ
Những cánh hoa tan chảy ở trên môi.

Và tình yêu chẳng cần ai bảo vệ
Với tình yêu ta biết mọi vui buồn
“Em của anh”- chỉ bàn tay có thể
Gỡ tấm khăn choàng che mặt màu đen**.
1924.
_________________ 

*Van – hồ nước mặn không có dòng chảy nằm trên độ cao 1720m ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ (xưa là vương quốc Ba Tư).
**Khăn che mạng của phụ nữ Hồi giáo.
 




SAGANÊ

Saganê của anh, Saganê!
Bởi vì anh người đến từ phương bắc
Anh kể em nghe cánh đồng lúa mạch
Dưới ánh trăng từng đợt sóng dội về
Saganê của anh, Saganê.

Bởi vì anh người đến từ phương bắc
Nơi mặt trăng to sáng gấp trăm lần
Và Shiraz của em dù có đẹp
Cũng không hơn đồng ruộng Riazan*
Bởi vì anh người đến từ phương bắc.

Anh kể cho em về những cánh đồng
Mái tóc này anh mượn từ lúa mạch
Em hãy lấy ngón tay xe sợi tóc
Anh sẽ không đau, một chút cũng không
Anh kể cho em về những cánh đồng.

Dưới ánh trăng từng đợt sóng dội về
Nhìn mái tóc của anh em hãy đoán
Em thân yêu cười vui với anh đi
Chỉ xin em đừng gợi lên hoài niệm
Dưới ánh trăng từng đợt sóng dội về.

Saganê của anh, Saganê
Người con gái nơi phương xa cũng vậy
Sao mà người ta giống với em ghê
Và có lẽ đang nhớ về anh đấy...
Saganê của anh, Saganê.
1924

_______

*Riazan là quê hương của Esenin. 




HÔN GIỐNG NHÀ THƠ

Em nói rằng Sadi*
Xưa chỉ hôn vào ngực
Em ơi chớ vội gì
Khi nào anh sẽ học.

Em hát: “ở bên sông**
Hoa đẹp hơn thiếu nữ”.
Giá mà anh chẳng nghèo
Bài hát này xin sửa.

Anh bẻ cánh hoa tươi
Bởi niềm vui chỉ một
Để cho trên cõi đời
Saganê đẹp nhất.

Đừng đem điều di chỉ
Anh không hiểu bao giờ
Sinh ra làm thi sĩ
Nên hôn giống nhà thơ.
19-12-1924.
--------------
*Saadi (1213-1293) – nhà tư tưởng, nhà thơ Ba Tư, tác giả của tập thơ “Vườn Hồng” nổi tiếng.
**Sông Euphrates. 





MẮT EM BỪNG NGỌN LỬA

Chưa bao giờ anh đến biển Bôxpho
Xin em đừng hỏi anh về nơi đó
Trong mắt em anh vẫn thấy biển bờ
Trong mắt em vẫn cháy bừng ngọn lửa.

Anh chưa đến thành Bát-đa đêm hội
Chưa mang tơ và thuốc nhuộm hoàng điều.
Hãy ngồi xuống bên anh, lên đầu gối
Hãy nghiêng thân hình xinh đẹp, đáng yêu.*

Và xin em đừng hỏi nữa bao giờ
Về một điều em chẳng cần biết đến
Rằng trong cái tên xa thẳm – nước Nga
Người ta gọi anh nhà thơ nổi tiếng.

Trong lòng anh vẳng tiếng ta-lian-ka**
Dưới ánh trăng lòng vẫn nghe tiếng chó.
Chẳng lẽ sao em cô gái Ba Tư
Không muốn một lần đến thăm nơi đó?

Anh đến nơi đây chẳng phải vì buồn
Em gọi anh một điều gì thầm kín.
Và đôi bàn tay xinh đẹp của em
Quàng lấy anh tựa hồ như đôi cánh.

Anh từ lâu đi tìm chốn lặng yên
Dẫu cuộc đời ngày xưa không trách cứ
Hãy kể cho anh nghe một điều gì
Về đất nước, quê hương em đi chứ.

Dìm trong anh nỗi nhớ ta-lian-ka
Bằng hơi thở ngập tràn hương quyến rũ
Để lòng anh về cô gái phương xa
Không thổn thức, không buồn, không suy nghĩ.

Cho dù anh chưa đến biển Bôxpho
Anh nghĩ ra cho em về nơi đó
Vì đôi mắt em vẫn giống biển bờ
Đôi mắt em đang cháy bừng ngọn lửa.
21-12-1924.
-------------------------
*Trong thơ cổ Ba Tư thân hình của người con gái đẹp là một hình tượng rất phổ biến và, - khác với thơ cổ VN - bao giờ cũng được ví với cây thông, cây bách (cypress).

**Ta-lian-ka – đàn phong cầm nhỏ.
 


video

EM NHỚ THUỘC ĐIỀU NÀY

Dưới ánh chiều của miền quê vàng rực
Những bông hồng trôi lặng lẽ trên đồng
Em yêu ơi, hát anh nghe bài hát
Bài hát ngày xưa từng hát Khayyam*
Những bông hồng trôi lặng lẽ trên đồng.

Dưới trăng vàng Shiraz đẹp nên thơ
Sao nhấp nháy lượn vòng như đàn bướm
Tôi không thích một điều: người Ba Tư
Giữ thiếu nữ dưới tấm khăn che mạng
Dưới trăng vàng Shiraz đẹp nên thơ.

Có phải vì xứ sở nắng nhiều hơn
Để che đi nước da màu bánh mật?
Hay để cho đàn ông sẽ yêu hơn
Họ không muốn nắng phơi lên gương mặt
Để che đi nước da màu bánh mật?

Em yêu ơi, đừng vấn khăn che mạng
Vắn tắt thôi, em nhớ thuộc điều này
Rằng cuộc đời của ta là rất ngắn**
Hạnh phúc ta được ngắm ít lắm thay
Vắn tắt thôi, em nhớ thuộc điều này.

Cả những gì không đẹp ở trong đời
Vẫn ánh lên vẻ đáng yêu quá đỗi
Bởi thế nên những đôi má tuyệt vời
Trước thiên hạ che đi là tội lỗi
Mẹ thiên nhiên sinh ra thế mà thôi.

Những bông hồng trôi lặng lẽ trên đồng
Giờ con tim đang mơ về xứ khác
Em yêu ơi, giờ anh hát cho em
Những bài hát Khayyam chưa từng hát
Những bông hồng trôi lặng lẽ trên đồng
1924.
----------------------
*Omar Khayyam (1048-1131) - nhà toán học, thiên văn học, nhà tư tưởng, nhà thơ, danh y Ba Tư, tác giả của thơ rubaiyat nổi tiếng khắp thế giới. Omar Khayyam là một thiên tài đa dạng tầm cỡ như Leonardo da Vinci (1452-1519) nhưng từ nửa cuối thế kỷ 19 trở về trước chỉ được một số rất ít các nhà khoa học ở châu Âu biết đến qua một vài công trình toán học (trong phương pháp của Khayyam có cốt lõi của công thức mà sau này nổi tiếng với tên gọi Nhị thức Newton) và lịch (lịch do Khayyam lập ra có độ chính xác cao hơn lịch Gregorian ở châu Âu thế kỉ 16 nhưng đã không được áp dụng). Kể từ năm 1859 (sau hơn 700 năm) khi bản dịch “The Rubaiyat of Omar Khayyam” của Edward Fitzgerald (1809-1883) ra đời cho đến nay, Omar Khayyam là nhà thơ có số bản in nhiều nhất trong khối các nước nói tiếng Anh. Đây cũng là một thực tế ở cả châu Âu và rất nhiều nước khác. Thơ rubaiyat của Omar Khayyam được dịch ra hầu hết các thứ tiếng của thế giới. 


** “Nghệ thuật thì dài lâu mà cuộc đời thì ngắn ngủi” (Ars longa, vita brevis). Điều này đã từng được bác sĩ Hippocrates (460-370 tr. CN), Seneca (65-4 tr. CN) hay Goethe (1749-1832) trong “Faust” nói đến nhưng ở đây Esenin dựa theo một trong những mô-típ rất quen thuộc của Khayyam. 






MÀU THANH THIÊN ĐÃ MẤT

Bầu không khí rất trong và rất xanh
Tôi bước ra giữa cánh rừng hoa lá
Màu thanh thiên níu bước kẻ du hành
Ngươi chẳng bao giờ đến sa mạc cả
Bầu không khí rất trong và rất xanh.

Ngươi đi qua đồng cỏ như vườn hoa
Trong vườn hoa nở đầy bông hoa dại
Ngươi không giữ nổi ánh mắt tò mò
Để không áp vào bông hoa đỏ chói
Ngươi đi qua đồng cỏ như vườn hoa.

Tiếng rung động đâu đây nghe xào xạc
Mượt mà như những bài hát Sadi*
Chỉ phút chốc đã bừng trong ánh mắt
Dưới trăng vàng trời đất cũng say mê
Mượt mà như những bài hát Sadi.

Giọng nói của em ngọt ngào như mật
Êm đềm như tiếng sáo của Hasan
Khi trong vòng tay riết chặt của em
Chẳng còn chút gì khổ đau mất mát
Chỉ còn nghe tiếng sáo của Hasan.

Đó mới chính là vận may ao ước
Cho những ai mỏi mệt chặng đường dài
Và ngọn gió thổi lên niềm khao khát
Để cho anh uống những cặp môi say.
Để quên đi mỏi mệt chặng đường dài.
1925.
---------------
*Thơ Saadi:
Sau khi chết nếu được lên thiên đàng nhưng chẳng có em
Thì anh sẽ nhắm mắt vào cho khỏi thấy thiên đàng hạnh phúc.
Bởi không có em, với anh, thiên đàng có khác gì địa ngục
Không, con đâu có tội gì mà Người trừng phạt, Thánh Ala


***
Tôi hỏi em: “Anh có tội gì đâu mà em nhìn đi nơi khác
Tình đắm say của những ngày xưa và âu yếm ở đâu rồi?”
Em trả lời: “Hãy nhìn vào gương mà xem mái đầu anh đã bạc
Chẳng phải là màu áo cưới tân hôn mà là màu chết đấy thôi”.





SỐNG Ở ĐỜI NHƯ THẾ

Ánh trăng vàng dưới bầu trời se lạnh
Mùi hương hoa đinh tử, rặng trúc đào.
Ta dạo bước giữa lặng yên thanh vắng
Giữa màu xanh âu yếm đẹp làm sao.

Chốn xa xôi kia là thành Bát-đa
Nơi ngày xưa đã sống nàng Sêhêradát
Nhưng giờ đây tất cả đã mờ xa
Tiếng ngân vang trong vườn xưa đã tắt.

Những bóng ma xa xôi trên mặt đất
Những mầm cây quanh mộ chí lô nhô
Khách viễn du đừng nghe người đã khuất
Đừng lặng yên cúi xuống những nấm mồ.

Hãy nhìn xem quanh ta đẹp như mơ
Những bờ môi như hoa hồng mời gọi
Nếu bỏ qua trong tim những hận thù
Thì cuộc đời sẽ đáng yêu biết mấy.

Sống ra sống và yêu hãy ra yêu**
Dưới trăng vàng hãy hôn và dan díu
Người đã chết nếu như muốn cúi chào
Người đang sống xin nhớ đừng quấy nhiễu.

Đấy là điều đã từng ca nàng Sêhêradát
Giờ lại nhắc những chiếc lá sắc đồng
Với những kẻ chẳng còn chi khao khát
Sống ở đời như thế có thương không.
1925




NHỮNG CÁNH CỬA Ở KHORASAN*

Những cánh cửa ở Khorasan như thế
Nơi người ta rắc lên những bông hồng
Nơi người đẹp Ba Tư trầm ngâm, lặng lẽ
Những cánh cửa ở Khorasan như thế
Nhưng tôi không thể mở được bao giờ.

Dù trong tay tôi sức lực có thừa
Có cả đồng, cả vàng trong mái tóc
Giọng nói của em như mộng, như mơ
Dù trong tay tôi sức lực có thừa
Nhưng cánh cửa kia tôi không thể mở.

Trong tình yêu can đảm để làm gì
Để làm gì? Còn hát cho ai nữa
Saganê chẳng thèm giận hờn chi
Vì cánh cửa kia tôi không thể mở
Trong tình yêu can đảm để làm gì.

Đã đến lúc tôi về lại nước Nga
Ôi Ba Tư! Với người xin từ giã
Đến muôn năm tôi với người chia xa
Vì tình yêu muôn đời cho quê mẹ
Đã đến lúc tôi về lại nước Nga.

Thôi, người đẹp Ba Tư, thôi xin chào
Dù cánh cửa mở ra tôi không thể
Em cho tôi nỗi đau khổ ngọt ngào
Trên quê hương tôi hát về em nhé
Thôi, người đẹp Ba Tư thôi xin chào.
3-1925.
--------------------
*Khorasan là quê hương của Omar Khayyam cũng là quê hương của “Ali Baba và bốn mươi tên cướp”.




EM ĐẸP LẮM BA TƯ

Quê hương của Firdawsi* màu xanh
Nhưng kỷ niệm xưa trong lòng vẫn ấm
Anh chẳng thể quên xứ sở của mình
Trong những đôi mắt trầm tư mặc tưởng.
Quê hương của Firdawsi màu xanh.

Anh biết rằng em đẹp lắm Ba Tư
Những bông hoa như ngọn đèn cháy đỏ
Và bây giờ anh lại nhớ phương xa
Hơi mát mẻ thì thầm nhắc anh đó
Anh biết rằng em đẹp lắm Ba Tư.

Anh đang uống hôm nay đây lần cuối
Những mùi hương say đắm tựa hơi men
Trong giờ phút chia ly nghe giọng nói
Của Saganê yêu dấu vang lên
Anh đang nghe hôm nay đây lần cuối.

Nhưng có lẽ nào anh lại quên em?
Trong cuộc đời kẻ bôn ba đây đó
Với tất cả người quen biết xa gần
Anh sẽ luôn đi kể về em nhé
Đến muôn đời anh sẽ chẳng quên em.

Điều bất hạnh của em anh chẳng sợ
Nhưng dù sao anh vẫn kẻ du hành
Anh sẽ viết về nước Nga bài hát
Khi hát lên em hãy nhớ về anh
Trong bài ca em sẽ nghe lời đáp.
3-1925.
-----------------------
* Firdawsi (Phi-đô-xi) (934-1024) – nhà thơ Ba Tư, tác giả của trường ca Shahnameh (Sách Vua) nổi tiếng kể về lịch sử Iran từ buổi sơ khai cho đến cuộc chinh phục vương quốc Ba Tư của người Arập vào giữa thế kỷ thứ 7. Có thể gọi Shahnameh là một Iliát của phương Đông.





LÀM THI SĨ 

Làm thi sĩ – thì cũng có nghĩa là
Nếu sự thật cuộc đời không vi phạm
Giữ vết thương thành sẹo ở trên da
Căm người khác vẫn nhẹ nhàng, tình cảm

Làm thi sĩ – nghĩa là hát tự do
Để thiên hạ muôn người ai cũng biết.
Chim hoạ mi chỉ có một bài ca
Nên hoạ mi chẳng hề đau khi hót.

Chim hoàng yến ca giọng ca người khác
Thì sẽ buồn cười, nhỏ nhặt, đáng thương
Cuộc đời cần ở nhà thơ giọng hát
Của riêng anh, dù là giọng ễnh ương.

Mahômét xưa viết kinh Koran
Đã khôn ngoan cấm ta dùng rượu mạnh*
Nên nhà thơ thời nay đã không ngừng
Uống rượu vang khi nhà thơ đau đớn.

Khi nhà thơ đi đến với người tình
Nhưng người tình trên giường cùng kẻ khác
Thì nhà thơ giữ nước mắt long lanh
Không thả vào tim người tình dao sắc.

Dù đau khổ nhưng nhà thơ can đảm
Vẫn huýt gió vang khi trở về nhà:
“Có gì đâu, ta chết đời du lãm
Cuộc đời này điều chẳng lạ với ta”.
8-1925.
----------------------
*Kinh Koran cấm rượu bất kể mạnh hay nhẹ nhưng theo cách hiểu của Esenin (người Nga) thì chỉ cấm rượu mạnh. Mặt khác Esenin dựa theo mô típ của Khayyam. Trong thơ rubaiyat của Khayyam thì rượu là chủ đề chính. Thời Khayyam sống chưa có Vodka, Cognac, Whisky… mà rượu ở đây là Wine, Vino… nghĩa là rượu vang.




ĐÔI BÀN TAY EM 

Đôi bàn tay em như cặp thiên nga
Trong mái tóc vàng của tôi lặn ngụp
Cuộc đời này mãi đẹp bởi người ta
Bài hát tình yêu hát rồi lại hát.

Có một thuở xa xôi tôi đã hát
Và bây giờ hát lại bài hát này
Bởi giờ đây đang hít vào trong ngực
Những lời yêu thật âu yếm mê say.

Nếu con tim biết yêu đến tận cùng
Thì con tim sẽ trở thành vàng tấm
Chỉ một điều ánh trăng Tê-hê-ran
Những bài hát tình yêu không sưởi ấm.

Tôi chẳng biết làm sao tôi sống nổi
Trong vòng tay âu yếm của Sa-ga
Hay vẻ yêu kiều của em đắm đuối
Làm cho tôi rầu rĩ suốt đến già?

Mọi thứ ở đời đều có vẻ của mình
Thứ đẹp cho tai, thứ bùi cho mắt
Người Ba Tư bài hát viết không nên
Thì nghĩa là không phải người Shiraz.*

Những bài hát tôi viết ra cũng vậy
Tôi nghe lời đồn đại của người ta:
Giá hắn ta hát ngọt ngào, êm ái
Thì đã bắt về được cặp thiên nga.
8-1925.
---------------------
*Thơ ca là niềm tự hào dân tộc của người Ba Tư. Thơ ca Ba Tư có một vị trí đáng kể trong nền thơ ca nhân loại với nhiều tên tuổi lớn. Shiraz được coi là cái nôi của thơ ca Ba Tư, là quê hương của Sadi, Hafiz… Người Ba Tư thường nói: “Nếu không biết hát thì không phải người Shusu, nếu không biết làm thơ thì không phải người Shiraz”.




TẠI VÌ ĐÂU

“Tại vì đâu ánh trăng chiếu lu mờ
Lên thành quách, lâu đài, lên vườn tược
Cứ ngỡ như đi giữa cánh đồng Nga
Dưới màn sương mù kêu lên sột soạt”.

Anh đã hỏi, Laly yêu dấu ạ
Những cây tùng yên lặng đứng trong đêm
Nhưng hàng cây không một lời thủ thỉ
Mà ngọn cây cứ kiêu hãnh vút lên.

“Tại vì đâu ánh trăng soi buồn vậy?”
Trong rừng yên anh hỏi những cành hoa
Hoa nói rằng: “Nhà ngươi đâu cảm thấy
Những bông hồng xào xạc bởi xót xa”.

Những cánh hoa hồng rã rời, tan tác
Những cánh hoa như thủ thỉ bên tai:
“Saganê giờ đã yêu người khác
Saganê hôn người khác mất rồi.

Hoa nói rằng: “Người Nga không để ý..
Bài hát cho tim nhưng hát phải có đời… ”
Nên vì thế trăng vàng soi uỷ mị
Nên trăng mờ, trăng buồn bã khôn nguôi.

Đã từng gặp quá nhiều điều gian dối*
Nước mắt, khổ đau ai muốn ai không
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nhưng dù sao muôn đời ta vẫn đợi
Vẫn mang ơn trần thế những đêm hồng.
8-1925.
-----------------------
* “Người đẹp dễ đổi thay” (La donna è mobile). Câu này trong vở Opera “Rigoletto” của Verdi (1831-1901) đã trở thành những lời có cánh nhưng ở đây lại là mô típ của Khayyam.


TIM ƠI ĐỪNG ĐẬP NỮA

Tim ơi đừng đập nữa!
Hạnh phúc phụ ta rồi
Kẻ hành khất năn nỉ..
Đừng đập nữa tim ơi.

Ánh trăng như bùa mê
Toả lên cây vàng ánh
Quì xuống bên Laly
Vùi trong khăn che mạng
Đừng đập nữa tim ơi.

Giờ ta như con trẻ
Hay khóc lại hay cười
Cuộc đời nơi trần thế
Thất bại rồi niềm vui
Đừng đập nữa tim ơi.

Tôi đến nhiều xứ sở
Tìm hạnh phúc khắp nơi
Chỉ vận may, số đỏ
Không đi kiếm nữa rồi
Đừng đập nữa tim ơi.

Đời không hẳn dối lừa
Giờ lại say tình mới
Con tim hãy say sưa
Ngủ yên lên đầu gối
Đời không hẳn dối lừa.

Biết đâu sẽ mỉm cười
Số phận như dòng thác
Và tình lại lên ngôi
Như hoạ mi đang hát
Đừng đập nữa tim ơi.
8-1925. 




ĐÂY XỨ SỞ MÀU XANH

Đây xứ sở màu xanh, vui vẻ
Vì bài ca danh dự bán, cho không.
Gió từ biển xin nhẹ nhàng thổi để
Nghe hoạ mi đùa giỡn với hoa hồng.

Hãy xem kìa hoa hồng đang vẫy nhẹ
Cho bài ca được đáp lại trong tim.
Gió từ biển xin nhẹ nhàng thổi để
Nghe hoạ mi đùa giỡn với hoa hồng.

Không bàn cãi, cháu là cô bé
Còn chú nhà thơ, chứ tại sao không?
Gió từ biển xin nhẹ nhàng thổi để
Nghe hoạ mi đùa giỡn với hoa hồng.

Hêlia dấu yêu, xin lỗi nhé*.
Nhiều bông hoa đã gặp ở trên đường
Nhiều bông hoa vẫy chào nhưng chỉ
Một bông hoa cười mỉm thật dễ thương.

Ta cùng cười – cả chú và cháu nhé
Ta mỉm cười với xứ sở thân thương.
Gió từ biển xin nhẹ nhàng thổi để
Nghe hoạ mi đùa giỡn với hoa hồng.

Đây xứ sở màu xanh, vui vẻ
Dù cả cuộc đời vì bài hát cho không
Nhưng vì Hêlia trong bóng cành, bóng lá
Chim hoạ mi ôm ấp lấy hoa hồng.
8-4-1925.
----------------------
*Hêlia là con gái 6 tuổi của nhà báo P. Chagin, còn có tên gọi là Roza (Hoa hồng). Hoa hồngvà chim hoạ mi là một mô-típ quen thuộc của Ba Tư “người Ba Tư thường sử dụng hình tượng những bông hoa và những viên ngọc, chủ yếu là hình tượng những bông hồng. Chẳng hạn chúng ta bắt gặp Hafiz nói về sự sống của hoa hồng và tình yêu của chim hoạ mi “hỡi bông hoa hồng kiêu hãnh về sắc đẹp của mình, hãy nói một lời với con chim hoạ mi yêu thương đi”. Đối với người Ba Tư bản thân hoa hồng được xem là có tâm hồn, là người vợ chưa cưới yêu quí và tâm hồn nhà thơ vùi sâu vào tâm hồn của hoa hồng…” Hêghen. Mĩ học. Phan Ngọc dịch và giới thiệu. Nxb Văn học, 1999, tr. 587.


Xem thêm:

http://thoeseninsongngu.blogspot.com/

http://177nhathonga.blogspot.com/


Thơ Êxênin. Phần XII. Trường ca NGƯỜI ĐEN

Sergei Esenin. 201 bài thơ Thơ và Trường ca


NHỮNG BÔNG HOA

I

Những bông hoa bảo tôi rằng: vĩnh biệt
Những nụ hoa cúi xuống giọng đau buồn
Rằng mãi mãi tôi không còn được biết
Cánh đồng làng và gương mặt quê hương.

Nhưng em ạ, dù sao thì anh đã
Thấy mặt đất này và đã thấy em
Nên giờ đây trước phận mình nghiệt ngã
Anh vui lòng nhận cái chết dịu êm.

II

Thời gian xanh và buổi chiều êm
Biết làm sao không yêu người cho được
Những bông hoa, lòng tôi không thể khác
Mến yêu người, tôi uống gọi bằng “em”.

Đinh tử hoa, mộc tê thảo hát lên.
Với hồn tôi xảy ra điều tai hoạ.
Đinh tử hoa, mộc tê thảo hát lên.
Với hồn tôi xảy ra điều tai hoạ.

III

Chà, hoa chuông, nhiệt huyết của mi
Trong lòng này đã gọi ra bài hát
Và kể rằng có một loài thỉ xa
Những đôi mắt của người yêu xa lắc.

Xin đừng hát mà thương cho tôi với
Chẳng bài ca lửa vẫn cháy trong lòng
Đã đến đây giống như vần thơ “mới”
Một mối tình gắn bó keo sơn.

IV

Những bông hoa, không phải là tất cả
Biết được rằng tôi rung động con tim
Không mọi người, vẻ lạnh lùng trong đó
Có thể đốt lên ngọn lửa của mình.

Không mọi người giang rộng tay có thể
Biết nắm bắt được số phận ngặt nghèo.
Như con bướm tôi lao vào bếp lửa
Với lòng nhiệt tình tất cả mang theo.

V

Tôi không yêu những bông hoa trong bụi
Chưa bao giờ tôi gọi chúng là hoa.
Dù đôi môi của tôi từng chạm tới
Nhưng những lời êm ái chẳng tìm ra.

Tôi chỉ yêu có một bông hoa
Bông hoa này cắm rễ vào lòng đất
Tôi yêu mến và tôi thiết tha
Như yêu loài thỉ xa phương bắc.

VI

Trên thanh lương trà có những bông hoa
Những bông hoa – rồi sau là quả
Chúng rơi xuống mặt đất như mưa
Từ trên cao những bông hoa màu đỏ.

Chúng không như loài hoa trên mặt đất
Hoa thanh lương trà là chuyện khác rồi.
Chúng giống như cuộc đời ta, như xác
Bị chia ra trong sương khói muôn đời.

VII

Tình yêu ơi, cho tôi xin lỗi nhé
Không một điều gì tôi chỉ ngang qua.
Nhưng trên con đường tôi yêu hơn cả
Là những gì không lặp lại bao giờ.

Không lặp lại cả anh và cả em
Ta chết đi – sau ta là những kẻ
Họ đã khác, họ không người như thế
Em chẳng của anh, anh chẳng của em.

VIII

Những bông hoa, hãy nói rằng: vĩnh biệt
Những nụ hoa cúi xuống giọng đau buồn
Rằng mãi mãi tôi không còn được biết
Mặt hoa hồng và gương mặt quê hương.

Thôi đành vậy! Dù không thấy bao giờ!
Giờ đây tôi đã mê loài hoa khác
Và bởi thế bằng lời bài hát
Tôi sẽ ngợi ca mặt đất nên thơ.

IX

Thế con người, không lẽ, chẳng là hoa?
Em thân yêu, điều này em cảm thấy
Rằng ở đây không phải những lời suông.

Như thân cây, lúc lắc thịt xương
Còn cái đầu này, với em, chẳng lẽ
Không phải bông hồng vàng?

Hoa người trong nắng trong mưa
Hoa biết bò trườn, đi lại.

X

Những bông hoa đã đi, tôi đã thấy
Và con tim từ ấy dịu dàng hơn
Có một điều trong đời tôi nhận thấy
Từ tháng Mười mọi chuyện bắt nguồn.

Những bông hoa đã đánh nhau quyết liệt
Và hoa đỏ kia chiến đấu tốt hơn
Có nhiều người bị rơi vào bão tuyết
Nhưng dù sao với sức mạnh cương quyết
Họ đã giết đi những kẻ hành hình.

XI

Tháng Mười ơi, tháng Mười!
Tôi thấy tiếc làm sao
Những bông hoa đỏ kia đã chết
Nụ hoa bị cắt bằng thép
Nhưng dù sao tôi không sợ thép đâu.

Những bông hoa biết đi!
Họ đem giết thép
Từ thép làm ra những con tàu
Từ thép làm ra những ngôi nhà đẹp.

XII

Và bởi vì tôi đã từng hiểu được
Rằng cuộc đời không tu viện với tôi
Tôi gửi gắm trong vần thơ tha thiết
Rằng lặp lại thôi mọi thứ trên đời.

Chính vì thế mà tôi đây vẫn hát
Tôi hát lên chẳng phải những lời suông
Và tôi trao cho người yêu dấu nhất
Đầu của tôi như một bông hồng vàng.
1924. 




CƠN BÃO TUYẾT

Thời gian hãy xe búp sợi của mình
Của linh hồn sống muôn đời không đổi.
Không!
Không bao giờ tôi sắp đặt nổi
Với bản thân mình
Tôi là người xa lạ.

Muốn đọc nhưng quyển sách rơi
Tôi ngáp dài
Rồi chìm vào giấc ngủ…
Còn bên ngoài cửa sổ
Ngọn gió đang khóc than
Dường như ngọn gió
Linh cảm cái chết đang gần.

Cây phong phủ kín băng
Bằng ngọn màu đen của mình
Giọng khò khè về quá khứ
Vào trời xanh.
Cây phong nào?
Nó chỉ là cây cột đáng xấu hổ
Giá mà được treo cổ trên đó
Hoặc đập phá cho tan tành.

Và người đầu tiên
Là tôi, cần treo cổ
Trói chéo tay lại sau lưng
Vì một tội rằng
Bằng bài hát giọng khàn khàn
Tôi đã quấy rầy giấc ngủ
Của quê hương.

Tôi không yêu
Tiếng gáy của con gà trống
Và tôi kêu
Rằng giá mà có đủ sức mạnh
Thì tất cả gà trống
Tôi sẽ diệt hết trơn
Để cho đêm đêm
Không còn nghe tiếng gáy.

Nhưng tôi đã quên rằng
Chính tôi cũng là gà trống
Đã gào thét hết mình
Trước mỗi buổi bình minh
Không nghe theo lời bố mẹ
Để xao xuyến con tim
Và thơ cũng thế.

Cơn bão tuyết rít lên
Như con lợn đực
Bị người ta sắp chọc tiết.
Và màn sương
Lạnh buốt
Không biết được
Đâu xa
Đâu gần…

Còn mặt trăng, chắc hẳn
Đã bị những chú chó xơi
Bởi đã từ lâu lắm
Không còn thấy trên trời.
Mẹ dứt sợi chỉ từ khung cửi
Cùng với cái cọc sợi
Rồi mẹ buông lời.

Con mèo nặng tai
Lắng nghe lời của mẹ
Từ trên chiếc ghế
Nó buông thõng cái đầu.
Chẳng vô tình mà những người hàng xóm
Hay sợ hãi nói rằng
Con mèo trông rất giống
Như con cú vọ màu đen.

Đôi mắt của tôi nhắm
Nhưng hễ mở ra
Là lại nhìn thấy cảnh
Từ câu chuyện cổ ngày xưa:
Đôi chân của con mèo
Tôi ngỡ là cây gậy
Còn mẹ như mụ phù thủy
Từ trên đồi.

Tôi không biết được rằng tôi
Đau ốm hay là không đau ốm
Nhưng chỉ những ý tưởng
Dạo bước không đúng chỗ trong đầu.
Vang lên trong tai tôi
Tiếng xẻng của người đào mộ
Cùng với tiếng than thở
Của tiếng chuông xa.

Tôi là con ma
Nằm trong quan tài tôi thấy cả
Tiếng nguyện cầu nức nở
Của ông từ.
Đôi mí mắt người chết
Tôi hạ xuống thấp
Rồi tôi đặt
Lên đó hai đồng xu.

Để với những đồng tiền này
Từ đôi mắt người chết
Người đào mộ sẽ trở nên ấm áp
Mà lấp đất cho tôi
Và ngay trong lúc này
Không cảm thấy mình thô bỉ.

Và sẽ nói to về tôi:
“Chà, thằng cha này dớ dẩn!
Hắn ta trong cuộc đời
Phá phách, ngang tàng đã lắm…
Nhưng không thể nào đọc xong
Dù chỉ năm trang
Của cuốn “Tư bản”.
1924.



MÙA XUÂN

Cơn mê sảng đã kết thúc.
Đã tan biến nỗi buồn.
Tôi tiếp nhận cuộc đời như giấc mộng đầu tiên.
Ngày hôm qua trong cuốn “Tư bản” tôi đã đọc
Rằng có một qui luật
Dành riêng cho các nhà thơ.

Cơn bão tuyết bây giờ
Hãy gào lên như quỉ
Hãy đánh vào kẻ chết đuối kia trần trụi –
Còn tôi với cái đầu tỉnh táo
Thành người đồng chí sảng khoái và vui.

Những gì mục nát chẳng nên tiếc thương rồi
Và với tôi cũng không cần thương tiếc
Nếu tôi có thể sẵn sàng xin chết
Trong bão tuyết này thì cứ để mặc tôi.

Tính tình tang, con chim vành khuyên ơi!
Ta chào chim nhé!
Xin chim đừng có sợ!
Ta không động đến chim đâu.
Và nếu như chim muốn
Hãy đậu xuống bờ rào
Theo qui luật của chim.

Trong cuộc đời có qui luật xoay vần
Đó là phép cư xử
Của người đang sống trên đời
Còn nếu chim muốn như người
Thì chim sẽ
Có quyền nằm và ngồi.

Xin chào cây phong của tôi
Cây phong của tôi tội nghiệp
Xin lỗi, tôi đã làm cây phong bực
Quần áo của ngươi rách tả tơi
Nhưng mà rồi đây sẽ
Lành lặn trở lại thôi.

Không cần lệnh trát gì cả
Cây tơ hồng buông chiếc mũ màu xanh
Rồi lặng lẽ
Và âu yếm
Ôm tháng Tư vào lòng.

Và cô gái sẽ đến với tháng Tư
Cô sẽ lấy nước giếng tưới ra
Để rồi đây trong tháng Mười khắc nghiệt
Ngươi có thể chống lại những cơn bão tuyết.

Còn khi đêm đến
Mặt trăng bơi giữa trời
Không phải trăng bị những chú chó xơi
Mà tại vì không nhìn thấy rõ
Vì những cuộc đánh nhau ẩu đả
Của con người.

Nhưng cuộc đánh nhau đã kết thúc rồi
Chính vì thế
Trăng bằng ánh sáng vàng chanh
Đang khoắc lên
Cây cối màu xanh
Vầng hào quang vang vọng của mình.

Thì tim ta ơi, hãy uống
Mùa xuân!
Hãy xao xuyến bằng
Những vần thơ mới!
Còn bây giờ tôi đi ngủ
Thôi không còn chửi rủa
Những con gà trống nữa rồi.

Mặt đất ơi, mặt đất ơi!
Ngươi không phải là kim loại
Vì rằng kim loại
Không nẩy lộc đâm chồi.
Ta cần nắm bắt lấy
Chỉ một dòng thôi
Là bỗng nhiên
Cuốn “Tư bản” hoàn toàn dễ hiểu.
1924.


CON ĐƯỜNG CỦA TÔI

Cuộc đời bước lên bờ
Người dân xưa của xóm
Tôi đi hồi tưởng
Về những điều đã thấy trong vùng.
Thơ tôi ơi
Hãy lặng lẽ
Kể về cuộc đời tôi.

Ngôi nhà gỗ nông dân
Mùi nhựa chưng từ gỗ
Cái bàn thờ đã cũ
Những ngọn đèn lắt lay.
Cũng còn may
Là tôi còn gìn giữ được
Cảm giác ngày xưa vẫn còn đây.

Ngoài cửa sổ
Bão tuyết trắng reo.
Tôi lên chín tuổi
Ghế nằm, bà ngoại, con mèo…
Bà hát câu gì đấy
Buồn buồn về thảo nguyên
Rồi bà ngáp
Xéo cái miệng của mình.

Bão tuyết rít gầm lên
Bên ngoài khung cửa nhỏ
Tựa như những người chết đang nhảy múa.
Khi đó đế chế Nga
Đánh nhau với người Nhật
Và tất cả mọi người có cảm giác
Nhìn thấy những cây thập ác từ xa.

Khi đó tôi còn chưa biết
Những việc làm đen tối của nước Nga.
Tôi không biết được rằng
Tại sao lại chiến tranh.
Với tôi, đồng ruộng Riazan
Nơi những nông dân cắt cỏ
Và trồng lúa
Là quê hương.

Tôi chỉ nhớ
Rằng nông dân than phiền
Và chửi rủa
Cả Sa hoàng, cả Chúa
Nhưng câu trả lời
Chỉ mỉm cười chốn xa xôi
Là ánh bình minh thưa thớt
Màu vàng chanh của quê tôi.

Khi đó lần đầu tiên
Những vần điệu vang lên
Có rất nhiều tình cảm
Làm đầu óc say sưa, choáng váng
Và tôi nói với tôi:
Nếu như cơn ngứa này đã thức dậy
Thì cả hồn tôi sẽ trút thành lời.

Những tháng năm xa
Bây giờ đã như trong sương mờ.
Tôi nhớ, ông ngoại
Với một nỗi buồn, ông nói:
“Chuyện nhảm nhí, vứt đi…
Mà, nếu như cứ say mê
Thì hãy đi viết về lúa mạch
Nhưng viết về ngựa nhiều nhất”.

Tôi khi đó trong đầu óc
Có sự say mê với Nàng Thơ
Và có những ước mơ
Lượn lờ trong im lặng
Rằng tôi sẽ trở thành
Người giàu có và nổi tiếng
Rồi người ta sẽ dựng tượng
Của tôi đặt ở Riazan.

Bước sang tuổi mười lăm
Tôi đã yêu các cô gái
Và sung sướng nghĩ rằng
Chỉ một mình
Rằng cô bé
Đẹp nhất trong số đó
Đến tuổi, sẽ cưới cho mình.
. . . . .

Năm tháng qua mau
Đổi thay trên gương mặt
Cả ánh sáng, sắc màu
Cũng khác.
Người nông dân mộng mơ -
Tôi lên thủ đô
Trở thành nhà thơ hạng nhất.

Rồi tôi thấy mệt
Với nỗi buồn nghề viết
Nên cất bước đường xa
Tôi đến nhiều xứ sở
Không tin vào gặp gỡ
Không khổ vì chia xa
Bởi cuộc đời gian dối cả mà.

Khi đó tôi hiểu
Thế nào là nước Nga.
Thế nào là vinh quang cũng hiểu ra.
Và chính vì thế
Mà trong lòng một nỗi buồn tuôn ra
Đắng cay như là thuốc độc.

Rõ điều quỉ tha ma bắt
Rằng tôi là thi sĩ!...
Không có tôi thì điều nhảm nhí cũng đầy.
Cứ mặc tôi chết đây
Nhưng chỉ…
Không
Đừng dựng tượng ở Riazan.

Nước Nga… Sa hoàng…
Buồn…
Và thói trịch thượng của giới thượng lưu.
Thôi đành thế!
Mạc Tư Khoa hãy nhận vào
Thói côn đồ tuyệt vọng.

Ta hãy nhìn
Rồi xem ai sẽ thắng!
Tôi trong thơ của mình
Tôi đánh
Vào lũ lưu manh
Bằng nước đái
Của con ngựa cái Riazan.

Các người có thích không?
Vâng, các người đúng đắn
Thói quen với Lorigan*
Và quen với hoa hồng…
Nhưng còn bánh
Các người ăn
Là do chúng tôi
Chở đến…

Rồi tiếp tháng năm trôi
Trong những tháng năm này có việc
Mà bằng lời
Không thể nào kể hết:
Thay vị trí của Sa hoàng
Là một đoàn quân
Của giai cấp công nhân hùng mạnh.

Điều lệ được mang theo
Bằng qui tắc khác
Tôi trở về thăm
Ngôi nhà thân thuộc.
Cây bạch dương lá xanh
Trong chiếc váy trắng
Đứng bên đầm.

Cây bạch dương!
Tuyệt trần… Còn bộ ngực
Như thế này
Phụ nữ không có được.
Từ những cánh đồng đầy ánh mặt trời
Mọi người
Chở lúa mạch trên xe ngựa
Đi ngược chiều với tôi.

Họ không còn nhận ra tôi
Tôi là người khách qua đường với họ
Nhưng có một người phụ nữ
Đi qua không nhìn.
Như có dòng điện
Không tả được, run run
Tôi cảm thấy như chạy khắp lưng.

Chẳng lẽ cô ta?
Chẳng lẽ không nhận ra?
Thôi thì cứ mặc
Cho cô ấy đi qua…
Không có tôi
Cô ấy cũng khổ đau không ít
Chẳng vô tình mà cái miệng
Đành im lặng khổ đau.

Rồi những buổi chiều
Tôi kéo mũ xuống thấp
Để cho
Khỏi lạnh đôi mắt
Tôi ngắm nhìn
Thảo nguyên
Và nghe tiếng hát
Của dòng suối vang lên.

Thôi đành thế!
Tuổi trẻ đã qua rồi
Giờ đã đến lúc tôi
Bắt tay vào công việc
Để cho tâm hồn quen phá phách
Hát lên giọng trưởng thành.

Và để cho cuộc đời khác của làng
Sẽ làm đầy
Trong tôi sức lực mới
Như trước đây
Con ngựa cái
Đã đưa tôi đến với vinh quang.
1925.
_____________________

*Một loại nước hoa nổi tiếng của Pháp.




NGƯỜI ĐEN

Bạn thân yêu của tôi
Tôi vô cùng đau đớn
Nhưng tôi không biết tại vì sao
Có phải tại vì ngọn gió
Trên cánh đồng hoang vắng thét gào
Hay tại hơi men làm trơ trụi
Như lá vàng thu tháng chín lao xao.

Trên đầu tôi đôi tai phe phẩy
Như đôi cánh chim
Có bàn chân ai chọc vào đấy
Thấy khó chịu vô cùng.
Người đen
Một người đen
Một người đen như mực
Ngồi xuống đầu giường
Người đen
Không cho tôi ngủ suốt đêm.

Người đen
Lấy ngón tay chỉ lên cuốn sách dở ẹc
Rồi cúi xuống trên người tôi
Như thầy tu cúi trên thây người chết.
Người đen kể về cuộc đời
Của một tay xỏ lá ba que nào đấy
Gợi lên cho tôi một nỗi buồn và sợ hãi.
Người đen
Một người đen!

“Hãy nghe đây, nghe đây –
Người đen lẩm bẩm nói với tôi –
Trong cuốn sách này có nhiều cái tuyệt
Nhiều lời hay, ý đẹp.
Thằng cha này
Sống ở một đất nước
Xứ sở của những tên kẻ cướp
Và của những thằng đại bịp.

Tháng mười hai ở đất nước này
Tuyết trắng khủng khiếp
Và bão tuyết làm thành
Những guồng xe chỉ thật vui
Hắn ta là một kẻ phiêu lưu
Nhưng là kẻ phiêu lưu
Vào loại thượng hảo hạng.

Hắn cũng là người tao nhã
Bởi hắn là một nhà thơ
Dù không phải nhà thơ lớn
Nhưng hắn viết lách cũng tạm
Và hắn gọi một người phụ nữ
Tuổi trên bốn mươi gì đó
Là cô bé cưng
Và hư đốn của mình”.

“Hạnh phúc – người đen nói tiếp –
Là sự khéo léo của khối óc, bàn tay
Còn những linh hồn chết
Thì bất hạnh là điều ai cũng đều hay
Nhưng không sao
Còn nhiều đớn đau khổ sở
Được mang về
Bởi những hành động dối gian.

Trong sấm chớp, bão giông
Khi thói đời bội bạc
Trong những khổ đau, mất mát
Và khi nhà ngươi buồn
Thì hãy biết cười lên
Đó mới là người cao thượng”.

“Người đen!
Mi không được nói thế!
Mi đâu phải là người
Đàng hoàng, tử tế.
Ta đâu có cần gì
Cuộc đời của nhà thơ tai tiếng
Tốt nhất mi hãy đi đi
Tìm người khác mà kể chuyện”.

Người đen
Nhìn chằm chằm vào mặt tôi
Đôi mắt xanh tái mét
Dường như nói với tôi:
“Mày là thằng đại bịp
Thằng kẻ trộm láo xược
Không biết xấu hổ rồi”.
........................................

Bạn thân yêu của tôi
Tôi vô cùng đau đớn
Nhưng tôi không biết tại vì sao.
Có phải tại vì ngọn gió
Trên cánh đồng hoang vắng thét gào
Hay tại hơi men làm trơ trụi
Như lá vàng thu tháng chín lao xao.

Đêm rét buốt làm sao
Ngã tư đường im ắng
Tôi ngồi bên cửa sổ một mình
Không hề mong bè bạn và em.
Cả cánh đồng phủ trắng
Những hạt bụi vôi
Và cây cối như những người kỵ sĩ
Tụ họp trong vườn tôi.

Ở đâu đó
Có tiếng chim cú đêm đang khóc
Và đoàn kỵ sĩ
Đập vào tiếng guốc
Lại vẫn người đen
Ngồi xuống chiếc ghế bành
Vứt chiếc áo khoác
Và nhấc chiếc mũ lên.

“Hãy nghe đây, nghe đây! –
Giọng khàn khàn trong cổ
Hắn nhìn vào mặt tôi
Rồi sát gần thêm nữa –
Ta không thấy một ai
Trong những thằng xỏ lá
Lại ngốc nghếch như mày
Khổ sở vì mất ngủ.

Cứ cho rằng lầm lỡ
Nhưng trăng đẹp thế này
Thì còn đòi gì nữa
Để mà không ngủ say?
Hay mày cần bắp vế
Người phụ nữ lẳng lơ
Mày dựa đầu và sẽ
Đọc cho nàng nghe thơ?

Ồ, mà ta yêu các nhà thơ!
Họ qủa là những người thú vị
Ta luôn tìm thấy ở họ
Những câu chuyện vẩn vơ -
Những câu chuyện kiểu như
Kẻ tóc dài quái vật
Đi tán tỉnh hết trên trời, dưới đất
Nhưng thực ra hắn là kẻ mọc sừng.

Ta không còn nhớ ra
Trong một làng nhỏ
Ở Kaluga
Hay Riazan gì đó
Có một cậu bé con
Sinh ra trong một gia đình nông dân
Hắn có mái tóc vàng
Và đôi mắt xanh thắm...

Rồi trở thành người lớn
Hắn là một nhà thơ
Dù không phải nhà thơ lớn
Nhưng hắn viết lách cũng tạm
Và hắn gọi một người phụ nữ
Tuổi trên bốn mươi gì đó
Là cô bé cưng
Và hư đốn của mình”.

“Người đen!
Mi là người khách kinh tởm
Đấy là câu chuyện
Người ta đồn đại về mi đã từ lâu”.
Tôi vô cùng tức giận
Và cây gậy của tôi
Bay
thẳng vào mặt hắn
Sống mũi rách tả tơi...
......................................

... Trăng đã chết
Cửa sổ lấp ló ánh bình minh
Ôi bóng đêm!
Sao bóng đêm đi nói loạn cả lên?
Tôi đội mũ đứng một mình
Không còn ai cả.
Một mình...
Và chiếc gương tan vỡ... 
14-11-1925



Thơ Sergei Esenin. Phần XI. Trường ca TRẢ LỜI THƯ MẸ

Sergei Esenin. 201 bài thơ Thơ và Trường ca


NƯỚC NGA VÔ GIA CƯ

Các bạn ơi hôm nay tôi buồn
Một nỗi đau thức dậy
Sau vụ xì-căng-đan!
Tôi nhớ về
Câu chuyện buồn thương
Câu chuyện về Oliver Twist*.

Ta mỗi người mỗi khác
Khóc cho số phận của mình
Người pháo đài đã biết
Kẻ Sibêri đã quen.
Chính vì thế mà bây giờ
Các cha đạo, ông từ
Đi cầu nguyện kính chào
Tất cả thành viên Hội đồng Dân uỷ.

Chính vì thế mà nông dân
Đong rượu bằng stof**
Khi kể chuyện cho những người bà con
Nhìn lên ảnh Mác
Như là Savaof***
Và thả khói thuốc
Vào đôi mắt Lê Nin.

Số phận trớ trêu!
Ta thành những người bị bỏ
Và lên những gì xưa cũ
Ngưòi ta đóng cọc vào.
Nhưng dù sao
Còn nhà tu, ni viện
Với mỗi lời “A-men”
Đều bị lập biên bản.

Và người ta nói rằng
Quên về những ngày nguy hiểm:
“Ta cho chúng nó…
Không phải lông mà thành bụi…
Tôi một mình
Cắt 15 thằng đỏ
Và cứ như thế
Mỗi một thầy tu”.

Nước Nga mẹ hiền ơi!
Hãy tha lỗi cho tôi
Xin tha lỗi!
Nhưng cái điều này dã man, đê tiện
Trên con đường ngắn ngủi của mình
Tôi không âu yếm
Và không hôn.

Họ có nhà có cửa
Họ có bánh mỳ
Họ với những lời nguyện cầu
Phồn vinh và no đủ.
Nhưng mà còn có
Trên mặt đất đau buồn
Tất cả người hiền, kẻ ác
Bị lãng quên.

Những thằng bé chừng bảy-tám tuổi
Lang thang đây đó chẳng ai trông
Những con người vật vạ, lông bông
Chúng là dấu hiệu
Của sự trách móc chúng ta.

Các bạn ơi hôm nay tôi buồn
Một nỗi đau sau vụ xì-căng-đan thức dậy
Tôi nhớ về
Câu chuyện buồn thương
Câu chuyện về Oliver Twist.

Tôi cũng lớn lên
Rách rưới và bất hạnh
Giữa những buổi bình minh
Nặng nề và loãng.
Nhưng nếu như tất cả cậu bé
Đứng dậy thành hàng
Thì sẽ có hàng ngàn
Nhà thơ tuyệt thế.

Trong họ có Puskin
Lermontov
Koltsov
Trong họ có Nekrasov
Và trong họ có tôi.
. . . . .

Có phải thế mà nỗi buồn của tôi
Vang lên thành lời
Khi tôi nhìn vào họ
Những kẻ khốn nạn trên đời.

Tôi biết tương lai
Là của họ…
Lịch thời gian là của họ…
Và tất cả vinh quang trên đời.
Có phải vì thế
Mà những dòng thơ cay đắng của tôi
Đối với tất cả những người khác
Giống như thuốc độc giết người.

Tôi chỉ hát cho họ
Những kẻ qua đêm trong nhà bếp
Và những kẻ
Ngủ trong toa-lét.
Cứ để cho họ
Nếu đọc những dòng thơ tôi
Sẽ biết rằng đứng sau họ
Có những kẻ hờn giận trên đời.
1924.
______________________

*Nhân vật trong tiểu thuyết của Charles Dickens.
**Đơn vị đo lường cũ của Nga bằng 1/10 xô.
***Tên hiệu của Đức Chúa Trời trong đạo Do Thái.




THƯ GỬI NGƯỜI PHỤ NỮ

Em còn nhớ không
Tất nhiên, em còn nhớ
Khi anh đứng
Dựa bức tường
Em lo âu đi lại trong phòng
Có điều gì gay gắt
Như ném vào mặt anh.

Em nói rằng
Đã đến lúc hai ta từ giã
Rằng em bị hành hạ
Vì cuộc đời rồ dại của anh
Rằng em phải lo cho công việc của mình
Còn số phận của anh
Như người trôi xuống dốc.

Em thân yêu!
Em đã chẳng yêu anh
Đã không biết rằng trong cuộc đời
Anh như con ngựa kiệt sức sùi bọt mép
Bởi người cưỡi ngựa cứ thúc giục không thôi.

Em không biết rằng
Anh ở trong làn khói đặc
Trong u mê cơn lốc xoáy cuộc đời
Anh day dứt, không thể nào hiểu được
Đi về đâu số kiếp nổi trôi.

Mặt đối mặt
Nhưng không nhìn thấy mặt
Nhận ra nhau chỉ khi ở rất xa
Khi mặt biển kia gào thét
Thì con tàu trên đó sẽ lắc lư.

Trái đất tựa con tàu
Nhưng bỗng nhiên ai đó
Vì những chân trời mới vinh quang
Đã hướng thẳng con tàu vào dông tố
Tay lái vẫn vững vàng.

Thì có ai trên boong tàu rộng lớn
Là người không ngã xuống, không nôn
Chỉ có ai đã trải đời lão luyện
Giữ được lặng yên trước sự tròng trành.

Thì khi đó anh
Trong tiếng ồn ào hoảng loạn
Anh nhận ra công việc của mình
Anh đi xuống hầm tàu
Để không còn thấy người ta nôn mửa
Và hầm tàu đó
Chính là quán rượu Nga
Anh lao vào với những cuộc say sưa
Để quên đi đau khổ
Và tự giết mình
Trong những cơn say.

Em thân yêu!
Anh đã làm em khổ
Đã từng có một nỗi buồn
Trong đôi mắt em đó:
Rằng trước mặt em anh đã
Tàn phá đời mình không một chút tiếc thương.

Nhưng em không biết rằng
Trong làn khói đặc
Trong u mê cơn lốc xoáy cuộc đời
Anh vẫn hoài day dứt
Anh đã không thể nào hiểu được
Đi về đâu số kiếp nổi trôi.

.................................................. ....

Năm tháng qua nhanh
Bây giờ anh đã thêm tuổi tác
Đã suy nghĩ và cảm xúc theo kiểu khác
Anh xin được nói câu chúc mừng
Và khen ngợi kẻ lái tàu ngày trước!

Hôm nay anh
Thấy rạo rực trong lòng
Anh nhớ lại nỗi buồn của em ngày trước
Và bây giờ
Anh vội vàng xin được
Kể với em
Anh ra sao và điều gì đã xảy ra!

Em thân yêu!
Anh sung sướng nói với em rằng:
Anh đã may không bị rơi xuống vực
Hôm nay đây trên quê hương Xô Viết
Anh say sưa với những chuyến du hành.

Anh đã trở thành
Người khác hẳn ngày xưa
Giá mà em còn ở đến bây giờ
Anh đã không làm em khổ
Vì ngọn cờ tự do
Và vinh quang lao động
Anh sẵn sàng đi đến biển Măng-sơ.

Hãy tha lỗi cho anh...
Anh biết rằng bây giờ em đã khác
Em sống với người chồng
Thông minh và nghiêm túc
Em chẳng cần những đau khổ ngày xưa
Và anh là kẻ
Em đã không còn cần đến bao giờ.

Em hãy sống cuộc đời
Có ngôi sao đưa đường dẫn lối
Một cuộc đời đã hoàn toàn thay đổi.
Xin gửi lời chào em
Một người mãi mãi nhớ đến em
Người quen biết
Xéc-gây Ê-xê-nhin.
1924. 



GỬI CÁC NHÀ THƠ GRUZIA

Người xưa làm thơ
Theo thể bát cú và iambơ
Thơ cổ
Đã chết
Nhưng bây giờ thời của ta
Là thời oanh liệt
Nên tôi lại giở ra
Cái hàm thiếc.

Miền đất xa!
Bến bờ xứ lạ!
Những con đường sỏi Gruzia.
Rượu vang màu hổ phách
Trong những đôi mắt lấp lánh ánh trăng
Những đôi mắt sâu thẳm
Như những chiếc tù và màu xanh.

Các nhà thơ Gruzia!
Lúc này tôi nhớ các anh.
Xin chúc mọi sự tốt lành
Chúc một buổi chiều vui vẻ!

Những người anh em đồng chí
Bằng tình cảm và ngòi bút của mình
Những dòng sông từ ngữ sôi lên
Và tiếng xào xạc
Tôi yêu các anh
Như dòng sông Kura gào thét
Yêu những lời quanh bàn tiệc sum vầy.

Tôi – người bạn từ phương bắc
Và là người anh em!
Các nhà thơ - tất cả một máu chung.
Và tôi cũng là người châu Á
Trong hành động, suy nghĩ
Và cả trong lời.

Bởi thế mà tôi
Ở nơi đất khách
Các anh gần gũi, thân thiết
Và dễ chịu biết bao.

Tất cả đều gan dạ
Tháng ngày trôi
Và lời của con người
Sẽ dồn vào một ngôn ngữ
Nhà sử học khi viết sử
Sẽ mỉm cười sự thù địch của ta.

Ông ta sẽ nói rằng:
Trong dòng chảy của thời gian
Có những tìm tòi và biểu hiện…
Các bộ tộc với nhau từng quyết chiến
Nhưng các nhà thơ không xích mích bao giờ.

Có sự chứng kiến
Của một điều:
Nhà thơ với nhau
Là anh em kết nghĩa*.

Ách áp bức
Của nước Nga quân chủ
Ép vào cổ con người
Chúng tôi đã kết liễu nó rồi
Và đây
Đôi cánh tự do rộng mở.

Mỗi nhà thơ trong bộ tộc của mình
Bằng âm điệu và thổ ngữ của anh
Chúng ta tất cả
Hát bằng giọng mình
Theo tình cảm thiêng liêng
Của toàn nhân loại…

Đã xảy ra
Một điều kỳ lạ:
Rằng ta không bao giờ
Còn nô lệ cho ai cả.

Các nhà thơ Gruzia!
Lúc này tôi nhớ các anh.
Xin chúc mọi sự tốt lành
Chúc một buổi chiều vui vẻ!

Những người anh em đồng chí
Bằng tình cảm và ngòi bút của mình
Những dòng sông từ ngữ sôi lên
Và tiếng xào xạc
Tôi yêu các anh
Như dòng sông Kura gào thét
Yêu những lời quanh bàn tiệc sum vầy.
1924.
_______________________
*Trong nguyên bản: Kunak – một phong tục của vùng bắc Kavkaz gần như tục làm anh em kết nghĩa.


  
THƯ CỦA MẸ

Bây giờ biết có điều gì
Còn nghĩ ra được
Và có điều chi
Tôi còn có thể viết?
Khi mà trước mặt tôi
Trên chiếc bàn nhỏ
Có một bức thư
Của mẹ tôi gửi đến.

Mẹ viết rằng:
“Nếu con có thể
Thì hãy về thăm mẹ
Trong ngày Thánh đản nghe con
Nhớ mua cho mẹ chiếc khăn
Và mua cho bố chiếc quần
Chứ ở nhà bây giờ
Thiếu thốn nhiều thứ lắm.

Mẹ không ưa một nỗi kinh hoàng
Rằng con là thi sĩ
Rằng con kết bạn
Với thói hư danh
Sẽ là rất hay hơn
Giá mà từ thời thơ ấu
Con chỉ học đi cày.

Mẹ đã già rồi
Và hay đau ốm
Nhưng giá như con ở nhà
Từ những ngày đầu
Thì bây giờ bên mẹ
Đã có nàng dâu
Và mẹ dắt tay đứa cháu bé
Âu yếm xoa đầu.

Thế mà những đứa con của mình
Con đành để thất lạc
Và người vợ của mình
Con dễ dàng trao người khác
Không gia đình, không bè bạn
Như thuyền không bến
Con chỉ biết vùi đầu
Vào rượu chè như vực thẳm sâu.

Con trai của mẹ
Con đã làm sao thế?
Ngày xưa con là đứa hiền lành
Và rất ngoan ngoãn
Mọi người đều nói với bố con rằng:
Ông là người hạnh phúc
Ông Alexandr Esenin!

Những điều mẹ cha mơ ước
Đã không thành hiện thực
Và giờ đây ở trong lòng
Càng thêm đắng cay và đau đớn
Khi mà bố con
Lại nghĩ rằng
Con làm thơ như thế
Là để kiếm tiền được nhiều hơn.

Mà dù cho con
Có kiếm được bao nhiêu đi nữa
Thì con đâu có gửi về nhà
Chính vì thế mà cay đắng
Khi lời cứ tuôn ra
Rằng chính mẹ đây cũng biết
Theo kinh nghiệm của mình
Các nhà thơ bạc tiền đâu có thiết.

Mẹ không ưa một nỗi kinh hoàng
Rằng con là thi sĩ
Rằng con kết bạn
Với thói hư danh
Sẽ là rất hay hơn
Giá mà từ thời thơ ấu
Con chỉ học đi cày.

Giờ đây chỉ còn một nỗi buồn
Giờ bố mẹ như sống trong bóng tối
Đến con ngựa cũng không.
Nhưng giá như con ở nhà
Thì tất cả đều làm ra
Và với trí thông minh như vậy
Có lẽ con trở thành
Ông chủ tịch xã ta.

Thì khi đó sống vui hơn
Không có gì sợ sệt
Và con cũng không cần
Nỗi nhọc nhằn không cần thiết
Khi đó mẹ sẽ bắt
Cô vợ của con
Quay tơ và xe chỉ
Còn con, như người con trai cả
Sẽ chăm sóc bố mẹ tuổi già”.
…………………………….

Tôi vò nát bức thư
Rồi đắm chìm trong khủng khiếp.
Chẳng lẽ không còn lối thoát
Trên con đường tha thiết của mình
Nhưng lại nghĩ rằng
Sau này tôi sẽ kể
Tôi sẽ kể cho mẹ
Trong bức thư trả lời.
1924. 




TRẢ LỜI THƯ MẸ

Mẹ yêu quí của con
Mẹ hãy sống như vẫn sống.
Con cảm nhận được rằng
Ký ức và tình yêu của mẹ
Nhưng mà chỉ có một điều
Mẹ không hề hiểu
Con đang làm gì
Và sống ra sao.

Bây giờ chỗ mẹ mùa đông
Và những đêm trăng
Con biết rằng mẹ
Suy nghĩ không chỉ một mình
Mà dường như có ai đấy
Đang rung cây anh đào dại
Rồi rắc tuyết vương vãi
Lên cửa sổ nhà mình.

Mẹ kính yêu!
Làm sao mẹ ngủ được trong bão tuyết?
Khi mà trong ống khói nhà mình
Có tiếng rên dài và ai oán
Mẹ muốn nằm
Nhưng nhìn thấy không phải chiếu chăn
Mà chiếc quan tài hẹp
Và người ta sắp sửa chôn mình.

Dường như cả một nghìn
Ông từ bằng giọng mũi
Đang khóc than
Rủa nguyền bão tuyết!
Và tuyết dồn lên
Thành đống như ngôi mộ
Và ở bên kia đó
Chẳng vợ con, chẳng bạn bè.

Hơn tất cả
Con yêu mùa xuân
Và yêu nơi nước chảy
Mạnh mẽ thành dòng
Nơi mà mỗi thanh gỗ nhỏ
Giống như một con tàu
Trước cảnh mênh mông như thế
Con mắt chẳng cần phóng về đâu.

Nhưng cái mùa xuân
Mà con yêu đấy
Là một cuộc cách mạng vĩ đại
Mà con vẫn gọi tên!
Chỉ về mùa xuân này
Mà con khổ đau một nỗi
Chỉ một mùa xuân này
Con đợi chờ và kêu gọi!

Chứ điều ghê tởm này
Là một hành tinh lạnh!
Và cho đến một ngày
Mặt trời – Lênin chưa tan biến!
Chính vì điều này
Mà với tâm hồn thi sĩ
Con ra đi gây sự
Rồi uống rượu, đập phá ngang tàng.

Nhưng rồi sẽ đến một thời gian
Mẹ yêu thương ạ!
Thời mong đợi!
Không phải ngẫu nhiên mà tất cả
Đều có vũ khí trong tay:
Một người kia – cầm súng, cầm cày
Còn một người này – cầm bút.

Mẹ hãy quên chuyện tiền bạc
Tất cả hãy quên đi
Đâu đã đến nỗi gì
Cứ làm như cái chết
Vì con đâu phải con bò
Hay con lừa, con ngựa
Để cho người ta
Xâu mũi dắt đi!

Con sẽ tự mình
Khi thời gian đến
Khi mà tiếng súng
Vang lên khắp hành tinh
Thì con sẽ trở về
Mua cho mẹ chiếc khăn
Và sẽ mua cho bố
Những thứ mà bố cần.

Chứ bây giờ đang bão tuyết
Như nghìn ông từ giọng mũi
Đang khóc than
Rủa nguyền bão tuyết.
Và tuyết dồn lên
Thành đống như ngôi mộ
Và ở bên kia đó
Chẳng vợ con, chẳng bạn bè.
1924.




THƯ GỬI ÔNG NGOẠI

Cháu đã giã từ
Ngôi nhà cha mẹ.
Ông của cháu ơi!
Cháu lại thư cho ông đó…
Bây giờ nhà ông bên cửa sổ
Bão tuyết đang reo vang
Và trong ống khói nhà ông
Gió gào lên ầm ĩ.

Có vẻ như một trăm con quỉ
Leo vào trên gác thượng nhà ông.
Còn ông thì không ngủ suốt đêm
Bàn chân của ông giãy đạp.
Cháu muốn trùm cho ông
Cái áo khoác
Và muốn về nơi đó
Đập hết chúng bằng cây gậy thông lò.

Nghe những lời ngây thơ
Của tâm hồn trắng trong đứa cháu nhỏ!
Chẳng vô tình mà ông cố
Đã trả ba thùng lúa
Đưa ông đến ông từ
Trong một bãi hoang
Dạy ông: “Ăn cho đàng hoàng”
Và “Cha” “Biểu tượng của lòng tin”.

Người ta nuôi ngựa tốt
Chọn lựa đồ ăn
Đem tình yêu bảo vệ
Và chỉ bản thân mình
Đem ra xét xử
Rồi bằng cách như thế
Ông đã dạy đứa cháu của mình.

Nhưng thằng cháu bài học này
Đã không hiểu được
Mà làm ông đắng cay
Cháu đi về xứ khác
Theo ông thì bây giờ
Cháu lêu lổng, vất vơ
Và có điều dại dột
Là theo đuổi việc làm thơ.

Ông nói rằng
Người ta ăn trộm cháu của ông
Rằng cháu là đứa dại dột
Còn thành phố là nơi lừa bịp
Nhưng mà ông ơi
Nếu quả là như vậy
Thì con ngựa tồi
Kẻ trộm đâu thèm lấy.

Con ngựa xấu trong chuồng
Không ai ăn trộm
Nhưng mà ai muốn
Nhìn mặt nước phẳng như gương
Thì sẽ nói rằng:
Trong nước vũng đừng chết
Mà người ta phải biết
Từ giã quê hương.

Và cháu từ giã xóm thôn
Đi về miền xa vắng
Ở đây mùa xuân
Hoa hồng to hơn nắm đấm.
Cháu gửi về ông
Lời chào nồng ấm
Ơi người ông cô đơn số phận
Cháu gửi đến từ xa.

Bây giờ đang bão tuyết
Khắp nơi ở Riazan
Còn ở trong ông
Cơn ngứa nhìn thấy cháu.
Nhưng mà ông biết không
Chẳng có xe trượt tuyết nào
Có thể chở ông
Đến với cháu được đâu.

Cháu biết rằng
Giá mà ông đến với hoa hồng
Đi về miền nắng ấm.
Chỉ một điều thật chán:
Lời nguyền rủa của ông
Mạnh hơn cả đầu tàu
Nên đến muôn thuở
Chẳng kéo ông đi được nơi đâu.

Còn nếu như cháu sẽ chết?
Ông ơi, ông có nghe không?
Nếu cháu sẽ chết
Thì ông có lên tàu không
Để mà có mặt
Trong buổi lễ tang
Để hát lên câu hát
Lời cầu nguyện đau buồn?

Mà ông ngồi xuống đi ông
Ông ngồi xuống và đừng khóc
Xin ông hãy tin
Vào con ngựa sắt
Ái chà, con ngựa sắt
Như cái đầu tàu!
Hình như người ta
Đã mua từ nước Đức.

Cái miệng của con tàu
Đã quen với lửa
Và khói như bờm ngựa
Đen và dày đặc
Giá mà cái bờm này có được
Cho con ngựa của ta
Thì sẽ làm ra
Biết bao nhiêu là bàn chải.

Cháu biết rằng
Thời gian làm mòn cả đá…
Và ông, ông ạ
Khi nào đó ông sẽ hiểu rằng
Con ngựa khi đã thắng yên cương
Đi về miền xa tít tắp
Thì dù con ngựa tốt nhất
Chỉ có chở xương về…

Ông sẽ hiểu điều này nữa
Rằng cháu chẳng vô tình
Đi về nơi ấy
Nơi mà bay không nhanh bằng chạy
Còn ở nơi chỉ bao trùm bão tuyết
Và đám cháy mà thôi
Thì con ngựa tồi
Kẻ trộm đâu thèm lấy.
12-1924. 





THƯ GỬI EM GÁI EKATERINA

Alexandr* của ta đã viết về Delvig
Về cái sọ dừa ông đã viết
Những dòng thơ.
Thật tuyệt vời và xa
Nhưng dù sao, gần gũi
Như vườn hoa!

Chào em gái!
Chào em!
Anh là nông dân hay không phải nông dân?!
Thế bây giờ ông ngoại có còn chăm sóc
Những cây anh đào ở Riazan?

Chà, những cây anh đào!
Em chưa quên nó chứ?
Bố của ta đã từng vất vả
Để con ngựa cái
Gầy và lông màu hung
Kéo cày dỡ khoai trên đồng.

Bố cần khoai tây
Còn ta cần vườn cây.
Thế rồi vườn cây bị chặt
Thật đáng tiếc thay!
Cái đệm ướt cũng biết điều này
Chừng… bảy…
Hay tám năm về trước.

Anh nhớ về ngày lễ
Ngày lễ tháng Năm.
Nở hoa cây anh đào dại
Và cả tử đinh hương.
Anh đã ôm từng cây bạch dương
Trong lần uống rượu
Say hơn một ngày xanh.

Những cây bạch dương!
Những cô gái – bạch dương!
Không yêu họ chỉ là có thể
Những ai trong độ tuổi thiếu niên
Không đoán trước cây trái của mình.

Em gái của anh!
Trong cuộc đời bạn bè ít quá!
Anh cũng như tất cả
Có một dấu ấn trong anh…
Nếu con tim hiền dịu của em
Mỏi mệt
Thì hãy bắt nó quên và lặng im.

Sasha em biết
Sasha là người tốt
Và Lermontov
Hợp với sức Sasha.
Nhưng mà anh đau ốm…
Bằng tuyết bột tử đinh hương
Giờ anh chỉ cố gắng
Chữa bệnh cho tâm hồn.

Anh thấy tiếc cho em
Chỉ còn lại một mình
Còn anh đây sẵn sàng
Dù là trận quyết đấu.
“Hạnh phúc cho ai không uống đến cùng”**
Và không nghe hết lời của sáo.

Nhưng cái vườn của ta!…
Cái vườn…
Bởi trong vườn mùa xuân
Dạo chơi con trẻ
Những đứa con của em thỏ thẻ.
Mà thôi!
Thì cứ để
Cho chúng nhắc không đúng chỗ
Rằng đã từng sống trên đời…

Những con người kỳ cục, dở hơi.
1925.
______________ 


*Alexandr Puskin.
**Ý thơ Alexandr Puskin trong tiểu thuyết thơ “Épghênhi Ônhêgin”.