Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Thơ Sergei Esenin. Phần VIII. Trường ca NƯỚC NGA


Sergei Esenin. 201 bài thơ Thơ và Trường ca


NƯỚC NGA XƯA

1

Ngôi làng nhỏ chìm sâu trong thung lũng
Những mái nhà con che khuất bởi cánh rừng.
Chỉ nhìn thấy nơi gò cao, nơi trũng
Một màu xanh vời vợi của trời xanh.

Chó sói dữ từ cánh đồng trơ trụi
Quen bóng tối dài đằng đẵng mùa đông.
Quanh khắp sân sáng ngời lên sương muối
Và tiếng ngựa kêu khụt khịt trong chuồng.

Sau cành lá như đôi mắt cú vọ
Bão tuyết nhìn vào những chiếc khăn nâu
Và đứng sau lưới gỗ sồi dúm dó
Như quỉ ma những cuộn sợi gai dầu.

Chuyện ma quỉ luôn làm ta sợ hãi
Rằng trên sông băng có những hố sâu
Rằng những buổi tối mùa đông tê tái
Trên bạch dương treo những sọi dây màu.

2

Nhưng tôi yêu người, tổ quốc mến yêu ơi!
Tại vì sao - điều tôi không thể nói
Tôi yêu niềm vui ngắn ngủi của người
Yêu tiếng hát mùa xuân trên đồng nội.

Yêu biết bao tiếng đàn muỗi vo ve
Trên khu lều những đêm mùa cắt cỏ
Khi các chàng trai dạo đàn ta-lin-ka
Các cô gái nhảy vòng quanh bếp lửa.

Lung linh như phúc bồn tử đen huyền
Những đôi mắt sau bờ mi rực lửa.
Nước Nga của tôi, tổ quốc yêu thương
Tôi sung sướng nằm lăn trên thảm cỏ.

3

Quạ đen kêu báo tin điều tai hoạ
Tiếng kêu dài inh ỏi giữa tầng không
Rừng nổi gió, cây ngả mình bốn phía
Nước dưới hồ sủi bọt trắng màu tang.

Tiếng sấm nổ chẻ trời ra từng mảng
Những đám mây đen trùm lấy khu rừng
Từ màu vàng lẻ loi còn chút sáng
Ngọn đèn trời tàn lụi giữa không trung.

Sau cửa sổ những chàng trai nhập ngũ
Đã được giao nhiệm vụ tới chiến trường
Những người phụ nữ tiễn đưa nức nở
Tiếng khóc dài đâm thủng cả tầng không.

Những thợ cày tập trung nhau lặng lẽ
Không nước mắt, không than vãn, buồn rầu
Họ đem chất những bánh mỳ vào bị
Rồi lên đường bằng một chiếc xe trâu.

Những người dân theo họ đến cổng làng
Rồi nói với họ những lời gì đó.
Nước Nga ơi, đâu rồi những anh hùng
Điểm tựa của Người trong thử thách gian khó.

4

Ngôi làng nhỏ ngóng chờ tin mòn mỏi
Ai biết giờ này nơi ấy ra sao?
Tin tức đâu, thư từ đâu chẳng thấy
Chốn đạn bom biết sống chết thế nào?

Mùi trầm hương thơm lừng trong rừng nhỏ
Tiếng gõ đều trong ngọn gió nhức xương.
Bỗng một hôm không ai ngờ đến cả
Có những người mang đến một chồng tin.

Những người thợ cày nâng niu quyển sổ
Người ta đưa cho ký nhận thư từ
Các cô gái đưa bàn tay chộp lấy
Dải băng viền quanh ở những bức thư.

Họ dồn thư cho cô Lusha đọc
Xúm vòng quanh gạn hỏi hết mọi điều
Ngồi chồm hỗm nghe tin rồi họ khóc
Khóc để mừng chiến thắng của người yêu.

5

Ơi những cánh đồng, luống cày tươi rói
Người đẹp hơn trong đau khổ của mình.
Tôi yêu những túp lều tranh đứng đợi
Những mẹ già tóc đã chẳng còn xanh.

Tôi cúi xuống nâng niu đôi giày bện
Hoà bình cho các ngươi liềm hái cày bừa.
Qua ánh mắt những nàng dâu tôi đoán
Số phận người chồng đang ở chiến trường xa.

Tôi bằng lòng với nghĩ suy yếu dại
Dù có trở thành hạt bụi, cây rêu.
Tôi tin hạnh phúc với những người con gái
Ngọn nến sáng lên như ánh sao chiều.

Ý nghĩ họ, xem chừng không thể đếm
Họ chẳng sợ gì sấm chớp, bão giông
Sau cái cày những ước mong thầm kín
Chẳng mơ về cái chết hoặc xiềng gông.

Họ tin vào những dòng thư nguệch ngoạc
Được viết ra với khó nhọc, nặng nề
Họ khóc đón niềm vui và hạnh phúc
Như trong mùa đại hạn đón cơn mưa.

Với ý nghĩ người thân xa vời vợi
Trên cỏ hoa còn đọng giọt sương trong
Họ cảm thấy hình như sau làn khói
Tiếng cười vui mùa cắt cỏ trên đồng.

Ôi nước Nga, tổ quốc mến yêu ơi
Chỉ tình yêu với Người tôi gìn giữ
Tôi yêu niềm vui ngắn ngủi của Người
Yêu tiếng hát mùa xuân trên đồng nội.
1914.


ĐỒNG CHÍ

Anh là con một công nhân bình thường
Và câu chuyện kể về anh rất ngắn.
Chỉ có điều tóc anh như màu đêm
Và đôi mắt màu xanh, rất diễn cảm.

Bố của anh suốt từ sáng đến chiều
Nai lưng ra làm để nuôi con nhỏ
Nhưng mà anh không phải làm gì cả
Anh có hai người bạn: Chúa và mèo.

Con mèo của anh điếc đặc và già
Không nghe ra con ruồi hay con chuột
Còn Chúa ngồi ở trên tay Đức Mẹ
Nhìn các con sống ở dưới mái nhà.

Mác-tin sống vậy, không một ai quan tâm
Ngày gõ vào đời như mưa rơi trên sắt
Chỉ thỉnh thoảng sau bữa ăn trưa buồn
Bài Mác-xây-e bố dạy cho anh hát.

“Khi lớn lên - ông nói – con sẽ hiểu
Tại sao ta nghèo con sẽ nhận ra!”
Và con dao cùn run run, vặn vẹo
Trên đồ ăn một mẩu bánh mì khô.

Nhưng ngoài cửa sổ
Bằng ván
Có hai ngọn gió
Vẫy cánh.

Với dòng nước
Mùa xuân
Nhân dân Nga
Đứng dậy…

Ngọn sóng ầm ầm
Cơn dông ca hát!
Từ màn sương màu xanh
Cháy lên những đôi mắt.

Tay vẫy rồi lại vẫy
Thây trên thây đè lên
Cái răng chắc của mình
Phá tan nỗi sợ hãi.

Tất cả như bay lên
Tất cả đều lên tiếng.
Vào cái miệng mở toang
Nguồn nước mạch chảy đến…

Và có người đã chết
Giây phút cuối thật buồn
Nhưng mà hãy tin rằng
Trước thù không sợ sệt!

Hồn người đó, như xưa
Vững vàng, không sợ hãi
Và vẫn còn ước mơ
Bàn tay không thấm máu.

Người đó đã sống cuộc đời
Chẳng vô tình những bông hoa bị nát
Nhưng không giống với các người
Ơi những giấc mơ đã tắt…

Bỗng bất ngờ, đột ngột
Được báo cho Mác-tin
Một tin đau đớn rằng
Bố của anh đã chết.

Với đôi mắt mờ đục
Và đôi môi tái xanh
Anh quì xuống phủ phục
Ôm lấy xác cha mình.

Nhưng anh chau bờ mi
Đưa tay chùi giọt lệ
Rồi chạy vào trong nhà
Đứng lên dưới tượng Chúa.

“Chúa có nghe, có thấy
Tôi đây chỉ một mình
Tôi đang gọi Ngài đấy
Bạn của Ngài – Mác-tin!

Bố tôi bị giết rồi
Nhưng chết không hèn nhát
Ông đang gọi chúng tôi
Chúa tôi trung thành nhất.

Gọi chúng tôi đấu tranh
Giúp những người đang sống
Giữ chí khí của mình
Vì công bằng, lao động!..”

Và âu yếm nghe theo
Lời của đứa con yêu
Đức Chúa nhảy xuống đất
Từ bàn tay chắc nịch.

Người đi tay nắm tay
Còn bóng đêm đen thẫm
Điều tai hoạ dâng đầy
Vẻ yên lặng màu xám.

Ước mơ sinh hy vọng
Về tự do muôn đời
Hai bờ mi mơn trớn
Cơn gió nhẹ tháng Hai.

Nhưng bỗng nhiên lóe sáng
Vang lên khẩu súng đồng
Ngã xuống vì trúng đạn
Hỡi ôi Đức Chúa con.

Hãy nghe đây:
Sự hồi sinh đã mất!
Xác anh ta đem chôn cất:
Anh nằm
Trên cánh đồng
Mác-xơ.

Ở nơi kia còn lại mẹ già
Nơi mà anh ta
Không bao giờ quay về nữa
Giờ đang ngồi bên cửa sổ
Con mèo già
Dùng chân bắt ánh trăng xa…

Mác-tin bò trên sàn:
“Hỡi những con đại bàng dũng mãnh
Bắt bỏ tù
Bắt hết các anh!”
Giọng Mác-tin yếu dần
Có ai đấy đè, ai đấy bóp
Rồi tiếng súng vang lên.

Nhưng lặng lẽ ngân vang
Sau cửa sổ
Khi mờ khi tỏ
Lại vang lên
Một lời
Sắt đá:
“Chính thể Cộng-hoà!”
3-1917.




SÁCH THÁNH CA

1

Ơi quê hương hạnh phúc
Và thời gian tuyệt vời!
Không có gì tốt đẹp
Hơn đôi mắt của Người.

Cho các ngươi, màn sương
Cho cừu trên cánh đồng
Tựa như chùm lúa mạch
Trên tay tôi vầng dương.

Lễ Phục sinh thiêng liêng
Lễ Giáng sinh thần thánh
Để mà thức đến sáng
Mà uống cho say mềm.

Vai ta lắc bầu trời
Tay ta rung bóng tối
Trong lúa mỳ cằn cỗi
Ta hít thở lúa trời.

Nước Nga quê hương ơi
Ơi thảo nguyên và gió!
Trên phòng nhỏ vàng úa
Lót ổ tiếng sấm trời.

Nuôi gió bằng kiều mạch
Thung lũng – lời nguyện cầu
Đồng đất cày xanh màu
Giúp ta con bò đực.

Và không một hòn đá
Qua bẫy đá, cung tên
Ta chẳng thể đào lên
Thiếu bàn tay của Chúa.

2

“Đức Mẹ Maria!
Những bầu trời hát ca
Trên những đồng vàng ánh
Suối tóc hãy rót ra.

Hãy rửa mặt chúng tôi
Bằng cánh tay đất đai.
Phía sau những dãy núi
Những con tàu đang bơi.

Hồn người chết trong đó
Kỷ niệm đến muôn đời.
Ai khổ đau than thở
Xiềng xích chẳng buông lơi.

Người kêu trong bóng đêm
Và người đánh bằng trán
Qua dấu hiệu bí ẩn
Cánh cửa chẳng mở thêm.

Nhưng ai bước ra đây
Nhận ra trong khoảnh khắc!
Ta bằng mái của mây
Đè những ai mù mắt”.

3

Ơi Đức Chúa Trời
Có phải Người
Ru mặt đất trong mộng
Tinh cầu chiếu bụi bặm
Trên mái tóc chúng tôi.

Rì rào bá hương trời
Qua màn sương và hố
Trên thung lũng tai hoạ
Những cục lời rụng rơi.

Chúng hát về một thời
Của đất và nước khác
Trên những cành cứng nhắc
Mồm trăng cắn không thôi.

Thì thầm về những bụi
Rừng rậm không đi qua
Nơi nhảy múa hát ca
Cơn mưa vàng đầu gối.

4

Vị cứu tinh trên ấy!
Đồi núi hát thiên đường.
Trong thiên đường tôi thấy
Gương mặt của quê hương.

Dưới cây sồi Mô-ri-xơ
Ông già tôi hung đỏ
Chiếu lên áo ông già
Sao dày như hạt đỗ.

Và chiếc mũ lông mèo
Ông đội trong ngày lễ
Như mặt trăng nhìn vào
Tuyết trên những ngôi mộ.

Trên đồi tôi kêu ông:
“Ơi Đức Cha hãy đáp…”
Nhưng bá hương mơ màng
Thả những cành xuống thấp.

Giọng nói không bay đến
Bến bờ ông xa xăm
Tựa như bông lúa vang
Tuyết dưới đất lên tiếng.

“Hãy đứng dậy, hãy nhìn!
Số phận không biết được.
Ai người nếm trải hết
Sẽ biết được thời gian.

Sẽ gọi lên trên đó
Bằng ống lửa và gió
Và đám mây nanh vàng
Cắn vào rốn sông Ngân.

Bụng dạ trút ào ào
Quyền hành đem thiêu huỷ
Nhưng ai mơ trinh nữ
Sẽ bước vào tàu sao”.
1917.




BỒ CÂU GIOÓC-ĐA-NI

1

Đất của tôi màu vàng!
Đền mùa thu màu sáng!
Bầy ngỗng kêu oang oang
Hướng về đám mây trắng.

Những linh hồn biến dạng
Không đếm hết, một đoàn
Từ mặt hồ cất cánh
Bay
lên vườn địa đàng.

Phía trước, thiên nga buồn
Như rừng, trong đôi mắt
Có phải Người khóc chăng
Ơi nước Nga đã mất?

Hãy bay đi, đừng đập
Tất cả đều có thời
Gió thổi vào bài hát
Bài hát đến muôn đời.

2

Bầu trời như quả chuông
Mặt trăng như cái lưỡi
Còn mẹ là quê hương
Tôi – người bôn sê vích.

Vì tinh thần đoàn kết
Của vũ trụ, con người
Những bài thơ tôi viết
Ca cái chết của người.

Lực lưỡng và khỏe mạnh
Đến cái chết của người
Tôi dùng trăng tôi đánh
Vào quả chuông – bầu trời.

Cho những người đồng hương
Những bài thơ tôi viết
Tôi nghe trong màn sương
Những lời ca thật tuyệt.

3

Đến đây rồi, đây con chim bồ câu*
Trên lòng bàn tay bồ câu gieo gió
Cuốn lên ánh bình minh trên đồng cỏ
Đồng cỏ Gioóc-đa-ni của tôi.

Tôi ca tụng Người, xứ sở màu xanh
Những ngôi sao chen chúc giữa tầng không
Bây giờ tôi lại hướng về thiên đường
Đôi bàn tay của tôi đã giơ lên.

Tôi nhìn thấy những cánh đồng vui
Có một bầy ngựa, lông màu hung nhạt
Với ống sáo của mục đồng liễu hát
Sứ đồ Anđrây đang bước dạo chơi.

Chứa chất đầy nỗi đau và giận dữ
Ở đằng kia, nơi ngoài mép rìa làng
Trút nỗi bực mình, một nàng trinh nữ
Đang dùng roi quất những chú lừa con.

4

Hỡi con người, những anh em của tôi!
Tất cả chúng ta, một khi nào đấy
Sẽ theo nhau ta đi về chốn ấy
Nơi vẫn giẫm mòn một giải sông Ngân.

Đừng tiếc thương những kẻ đã đi xa
Cứ mỗi giờ có những người từ giã
Về chốn ấy hoa linh lan đua nở
Còn tốt hơn dưới những cánh đồng ta.

Giữ tình yêu – số phận ăn của đút
Hạnh phúc không sống mãi đến muôn đời.
Ai hôm nay đang người yêu dấu nhất
Mai trở thành kẻ hành khất mà thôi.

5

Ô, ngày mới, về đây, ô ngày mới
Ngày xuyên qua những đám mây đen!
Chàng trai trẻ, đầu mặt trời tươi rói
Lại gần ta, bờ giậu hãy ngồi lên.

Hãy trao cho ta mái tóc của ngươi
Để ta dùng lược của trăng ta chải.
Cái phong tục đón chào khách như vậy
Dưới mặt đất ta học đã lâu rồi.

Cái bóng sồi Mô-ri-xơ rất cổ**
Với ngọn đồi ta đều có họ hàng
Bằng cơn mưa lên những đồng vàng úa
Đã đến thăm ta Ngài Abraham.

Ngươi hãy ngồi lại gần đây, lên bậc
Rồi nghiêng mình lặng lẽ xuống bờ vai
Ngôi sao xanh ta đem làm nến thắp
Ta thắp sáng lên trước mặt nhà ngươi.

Và cho ngươi ta sẽ nguyện cầu
Ngợi ca miền Gioóc-đa-ni ngươi đó…
Đến đây rồi, đây con chim bồ câu
Trên lòng bàn tay bồ câu gieo gió.
1918.
____________
*Bồ câu Gioóc-đa-ni: Theo truyền thuyết là con bồ câu đã bay trên đầu Chúa Giê-su khi Chúa hiện ra trên bờ sông Gioóc-đa-ni sau khi Ngài chịu Giăng làm phép báp-têm ở dưới sông (Tân Ước_Mác1:9, 10).
**Cây sồi Mô-ri-xơ: Hình tượng trong sách Thánh. Esenin giải thích khái niệm này trong bài “Những mạch nước Maria”(Esenin đề tặng A. Mariengof tháng 10-1918): “Cây tượng trưng, có nghĩa là “gia đình”… trong Do Thái giáo cây này có tên là cây sồi Mô-ri-xơ… Chúng ta là con cháu của cây này, những hạt giống của cây sồi hoàn vũ…” Có thể so sánh với hình ảnh cây Bồ đề trong đạo Phật, nơi Đức Phật đã ngồi tu luyện trong 49 ngày đêm để tìm ra chân lý.




LỜI KÊU GỌI

Hãy vui lên!
Mặt đất đã đệ trình
Một cái chậu nhà thờ mới nhất!
Đã cháy hết
Những cơn bão tuyết màu xanh
Và con rắn đã mất
Cái nọc đọc của mình.

Ôi tổ quốc
Cánh đồng nước Nga của tôi
Và các anh, những đứa con của Người
Hãy dừng lại đây
Bên bờ giậu
Hãy ca tụng mặt trăng, mặt trời
Mặt trăng, mặt trời của Chúa!

Còn trong những vườn trẻ
Một ngọn lửa hồi sinh
Của khắp mọi nơi trên trái đất
Thành phố mới Nazareth(1)
Trước mặt các anh.
Và những mục sư ca tụng
Một buổi sáng
Ánh sáng sau những ngọn đồi…

Điều kỳ diệu của nước Anh hãy cúi xuống
Và hãy tung ra trên biển!
Sự thần kỳ phương bắc của ta
Những đứa con nước Anh không thể nhận!

Và ngươi sẽ không nhận ra thần tượng
Không nghe ra tiếng gọi kín thầm
Vì ánh mắt nhìn mờ sương
Và trên đôi môi của ngươi – tấm thảm.

Tất cả ngang bướng hơn, tất cả phí hoài
Cái miệng ngươi bóng tối không nắm bắt.
Không, trong vườn trẻ ngươi không nói ra sự thật
Cho Chúa Jêsus Christ của ngươi!

Nhưng hãy biết điều này
Những kẻ đang ngủ say:
Có một ngôi sao từng sáng rực
Ngôi sao của Phương Đông!(2)
Và vua Herod không thể dập tắt
Bằng máu của những đứa bé con…

“Nàng Salome hãy nhảy cẫng lên!”
Đôi chân của nàng nhẹ nhàng như đôi cánh.
Và hãy hôn bằng đôi môi vô hồn
Nhưng giờ đóng đinh của nàng sắp đến!
Và đã đứng dậy Ngài Giăng
Kiệt sức vì vết thương
Nâng lên từ dưới đất
Cái đầu lâu bị cắt
Và đôi môi của Ngài
Lại vang lên lời
Lại dọa dẫm
Cả thành phố Sodom:
“Hãy hồi tâm lại!”

Ôi những con người, những anh em của tôi
Các anh ở đâu? Đáp lời tôi nhé
Tôi không cần người tráng sĩ
Không biết gì sợ hãi trên đời.

Tôi không cần chiến thắng của ngươi đâu
Tôi không cần cống phẩm!
Tất cả chúng tôi là táo và anh đào
Của khu vườn xanh thắm.

Tất cả chúng tôi – những chùm nho trĩu nặng
Của mùa hè vàng
Chúng tôi có đầy đủ đến ngày tận cùng
Cả ấm áp và ánh sáng!

Ai đó khôn ngoan không thể tả
Tất cả đều giống như mình
Cho người sống – bằng bài ca hát lên
Cho người chết – giấc ngủ trong ngôi mộ.

Ai đó dạy chúng tôi và yêu cầu
Đo đếm và nhận thức.
Chúng tôi sinh ra đời đâu phải vì giết chóc
Mà để tin và để yêu nhau!
1917
___________
(1)Nazareth – thành phố quê hương của Chúa Giê-su Christ.
(2)Ngôi sao Phương Đông: ngôi sao báo tin Chúa Giê-su ra đời (Tân Ước_Ma-thi-ơ 2:1-12).
–Vua Herod (73-4 tr CN) – vị vua tàn bạo, thích quyền lực, giết hết những ai là đối thủ. Theo truyền thuyết đã giết hết bé trai từ 2 tuổi trở xuống khi nghe tin Chúa Giê-su ra đời. (Tân Ước_Ma-thi-ơ 2:16).
–Salome: con gái của Herodias, là một cô gái xinh đẹp và quyến rũ. Trong ngày sinh nhật vua Herod nàng đã nhảy múa giữa những người dự tiệc làm vua rất thích và hứa sẽ cho nàng điều chi nàng muốn. Nàng Salome, theo lời xui của mẹ, bảo vua rằng nàng muốn cái đầu của Giăng Báp-tít (John the Baptist). Vua rất buồn nhưng vẫn sai chém đầu Giăng như nàng yêu cầu… (Tân Ước_Ma-thi-ơ 14: 6-11).
–Thành phố Sodom (Sodom and Gomorah) – là thành phố trong Kinh Thánh (Tân Ước_Ma-thi-ơ 10:15; 11: 20-24).
Hai khổ thơ trên đây của Esenin nói về một sự tích trong Kinh Thánh. Trước Esenin, sự tích này cũng đã từng được nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Oscar Wilde (1854-1900) chuyển thành vở kịch Salome nổi tiếng thế giới. Trong vở kịch này nàng Salome có phần đam mê mãnh liệt hơn, mọi tình tiết cũng phức tạp và gay cấn hơn. Giăng là một vị Thánh, xa lạ với những quyến rũ thân xác của phụ nữ nên ông thẳng thừng từ chối… Nhưng Salome không chịu đầu hàng: đã không chiếm đoạt được người tình bằng xương bằng thịt thì vẫn có được người tình, dù là xác chết… Vở kịch này cho thấy một sự ghen tuông, thói đỏng đảnh tai ác của phụ nữ trong tình yêu. Chính nàng Salome của Wilde (chứ không phải của Kinh Thánh) trong suốt hơn một trăm năm nay là nguồn cổ vũ cho rất nhiều nhà đạo diễn, nhiều hoạ sĩ, nhạc sĩ trong sáng tạo của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét