Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Thơ Sergei Esenin. Phần VI - EM GÁI SHURA

Sergei Esenin. 201 bài thơ Thơ và Trường ca


ĐỜI DỐI GIAN

Đời – dối gian với nỗi buồn say mê
Chính vì thế mà cuộc đời rất mạnh
Rằng cuộc đời bằng bàn tay vụng về
Đang viết nên những ngôn từ đau đớn.

Tôi thường xuyên khi đôi mắt khép vào
Tôi nói rằng: “Chỉ con tim lo ngại
Đời – dối gian nhưng đời vẫn đẹp sao
Những niềm vui được làm bằng giả dối.

Tôi ngước mắt nhìn bầu trời xám xịt
Số phận mình tôi đoán, nhìn vào trăng
Hãy yên tâm, kẻ người trần mắt thịt
Đừng đòi chi cái sự thật không cần”.

Tuyệt vời thay trong gió anh đào dại
Nghĩ cuộc đời này giống một con đường
Mặc cho dối gian những người bạn gái
Và dễ dàng thay đổi những bạn thân.

Mặc người ta với lời lẽ dịu dàng
Mặc lưỡi người còn sắc hơn dao ngọt
Tôi sống đây từ lâu đã sẵn sàng
Với tất cả tôi quen không thương xót.

Những đỉnh cao làm hồn tôi lạnh giá
Ấm áp đâu ra từ ánh sao trời.
Những người tôi từng yêu, giờ đã bỏ
Những kẻ tôi sống bằng – giờ họ quên tôi.

Dù như người bị cuộc đời xua đuổi
Với nụ cười tôi nhìn buổi ban mai
Mặt đất này tôi yêu thương, gần gũi
Tôi mang ơn tất cả cuộc đời này.
8-1925.


NÀO, HÔN ANH ĐI 

Nào, hôn anh đi, em hãy hôn anh
Dù đau đớn, dù cho máu chảy.
Không hoà nhập giữa lý trí lạnh lùng
Và con tim bừng lên như lửa cháy.

Chiếc cốc vại lật úp trên bàn
Giữa những người vui ta không như vậy
Bạn gái ơi, một điều em có thấy
Trên mặt đất ta sống chỉ một lần!

Em hãy xem bằng lặng lẽ nét nhìn
Và hãy trông: qua màn sương ẩm ướt
Mặt trăng giống như con quạ màu vàng
Đang bay liệng, lượn lờ trên mặt đất.

Nào, hãy hôn anh đi! Anh muốn lắm
Một bài ca cái chết hát cho anh
Rõ một điều cái chết này linh cảm
Kẻ đang ngồi ngự trị giữa trời xanh.

Ôi thế lực úa tàn phai nhạt!
Nếu phải chết thì ta sẽ chết!
Trước khi chết đôi môi người thương
Ta muốn, giá mà được hôn.

Để muôn đời trong giấc ngủ màu xanh
Không giấu diếm và xấu hổ không cần
Trong tiếng rì rào của anh đào dại
Vang lên lời: “Em mãi mãi của anh”.

Và để trên chiếc cốc vại ánh đèn
Chiếu vào bọt sùi lên không tắt
Người bạn gái hãy uống và hãy hát:
Trên mặt đất ta sống chỉ một lần!
1925.


KHÔNG TRỞ VỀ

Không trở về ngôi nhà của mẹ cha
Tôi – người lãng du muôn đời muôn kiếp.
Đứng bên đầm về kẻ đã đi xa
Cứ mặc cho bụi gai dầu than khóc.

Cứ mặc cho những đồng cỏ cong vênh
Bằng cây tầm ma về tôi nhắc đến
Và vòng cung vang lên lúc nửa đêm
Lời cây hoa chuông như người mau miệng.

Mặt trăng kia đang đứng ở trên cao
Những chiếc mũ không làm sao ném đến.
Bài hát không nhận ra điều bí ẩn
Sống ở đâu và chết ở đâu.

Nhưng mà khi cảm thấy rằng già cả
Dẫn về quê tất cả mọi con đường
Những chiếc xe buồn thiu sẽ chở
Một nửa xác người, một nửa bộ xương.

Chẳng vô tình từ ngày xửa ngày xưa
Trong dân gian có một câu thành ngữ:
Ngay cả con chó luôn luôn trở về
Trút hơi thở cuối cùng trên sân chủ.

Tôi trở về với ngôi nhà của mình
Đã sống đời kẻ lãng du tội nghiệp…
. . . . . .
Đứng bên đầm trong buổi chiều màu xanh
Bụi gai dầu cảm động trào nước mắt.
1925.



BÌNH MINH ĐANG GỌI RA

Bình minh đang gọi ra bình minh khác
Trên cánh đồng lúa mạch bốc khói sương…
Tôi nhớ về người tôi thương mến nhất
Nhớ mẹ hiền già lão, yêu thương.

Như ngày trước mẹ đi ra đồi nhỏ
Nắm chặt trong tay cây gậy của mình
Mẹ nhìn vào đôi dày trăng đã cũ
Đang bơi trên dòng sông ngủ mơ màng.

Và cay đắng trong lòng, con biết mẹ
Với một nỗi lo và một nỗi buồn
Rằng giờ đây thằng con trai của mẹ
Đã không còn nhớ gì đến quê hương.

Rồi sau đó mẹ đi ra nghĩa địa
Mẹ nhìn vào hòn đá xám chằm chằm
Mẹ trút ra hơi thở dài nhè nhẹ
Mẹ tiếc thương những anh, chị em con.

Mặc chúng con trưởng thành trong cay đắng
Còn các em đã lớn tựa mùa xuân
Dù sao mẹ đôi mắt hiền, sống động
Đừng để cho dâng ngập nỗi đau buồn.

Quá đủ rồi! Khổ đau đã lắm!
Giờ đến lúc mẹ thấy một điều rằng
Cả cây táo cũng vô cùng đau đớn
Khi phải trút đi những chiếc lá vàng.

Bởi một điều niềm vui là hiếm lắm
Như tiếng ngân vang buổi sớm mùa xuân
Đối với con nếu trên cành rữa xuống
Thì cháy thành tro trong gió còn hơn.
1925.
 
  

THÁNG NĂM XANH

Tháng năm xanh. Trời ấm áp màu hồng
Chuông bờ giậu không kêu lên xủng xoảng
Cây ngải cứu toả ra mùi hương
Anh đào ngủ trong áo choàng màu trắng.

Trên hai cánh của ô cửa sổ
Đóng vào khung những rèm sáo mỏng manh
Trăng đồng bóng đang ra sức thêu vẽ
Trên nền nhà những viền, dải đăng ten.

Cái phòng khách của nhà tôi dù nhỏ
Nhưng tinh tươm. Tôi sắp xếp cho mình…
Buổi chiều này thấy cuộc đời yêu quá
Như kỷ niệm về người bạn thân thương.

Vườn bốc lên tựa hồ như đám cháy
Và mặt trăng cố rán hết sức mình
Trăng muốn để cho mỗi người run rẩy
Bởi một lời nhức nhối “mãi yêu anh”.

Chỉ có tôi trong ấm áp màu hồng
Dưới tiếng phong cầm tháng Năm vui vẻ
Tôi không còn mong ước gì hơn
Đến tận cùng tôi nhận về tất cả.

Tôi nhận về – hãy hiện ra, hãy đến
Cả nỗi đau và cả vẻ hân hoan…
Hoà bình cho ngươi, cuộc đời tĩnh lặng
Hoà bình cho ngươi, hơi mát màu xanh.
1925.


TẶNG EM GÁI SHURA 1

Anh chưa thấy ai người xinh như thế
Nhưng em biết không, có một điều này
Trong lòng anh có một điều ganh tị –
Em gợi lại thời tuổi trẻ mê say.

Em – câu hát màu lam thời tuổi trẻ
Em của anh biết mấy yêu thương.
Con bò ta giờ sống ra sao nhỉ
Có còn vân vê những cọng rơm buồn?

Câu em hát sao mà yêu đến thế
Làm dịu trong anh giấc mộng tuổi thơ.
Cây thanh lương trà có còn cháy đỏ
Rắc lá đầy lên cửa sổ trắng mờ?

Mẹ giờ hát bài gì bên khung cửi?
Làng quê ta anh từ giã muôn đời
Chỉ biết rằng bão tuyết rừng rực cháy
Dồn lên thềm những chiếc lá vàng rơi.

Anh biết rằng tru khẽ về ta đó
Thay cho nước mắt và âu yếm ngọt ngào
Con chó già phút ra đi trước ngõ
Ai oán giã từ như đã chết nàng dâu.

Nhưng mà thôi ta đừng quay lại nữa
Bởi một điều ai quay được thời gian.
Như tình yêu, như niềm vui, nỗi khổ
Là chiếc khăn xinh đẹp của Riazan.
13-9-1925.




TẶNG EM GÁI SHURA 2

Em hãy hát bài ca mà thuở trước
Hát ru ta đã từng hát mẹ già
Anh chẳng tiếc thương những điều mong ước
Dẫu không thành, anh vẫn tiếp lời ca.

Anh đã từng quên và anh đã biết
Nên bây giờ nghe hồi hộp trong tim
Có vẻ như từ ngôi nhà thân thiết
Nghe run run trong giọng hát của em.

Em hãy hát cho anh nghe bài hát
Cũng như em, giai điệu của quê hương
Và anh sẽ khép mắt vào một chút
Để ngắm nhìn lại những nét thân thương.

Hát đi em, niềm vui cho anh đấy
Đến muôn đời anh vẫn mãi yêu thương
Hàng giậu cửa trong vườn thu khép lại
Và chiếc lá rơi, rụng xuống trong vườn.

Hát đi em để cho anh nhớ lại
Những bóng hình giờ đang ở rất xa
Anh sung sướng và anh hình dung thấy
Mẹ yêu kính của ta cùng với bầy gà.

Đến muôn thuở anh vẫn còn yêu mãi
Giọt sương móc trên cành lá bạch dương
Những chiếc lá vàng dệt làn tóc rối
Chiếc áo bên ngoài chất phác, thân thương.

Và anh thấy trong lòng mình thanh thản
Con tim rộn ràng với men rượu, lời ca
Anh ngỡ em – cây bạch dương đang đứng
Vẫy chào anh bên cửa sổ hiên nhà.
13-9-1925.


TẶNG EM GÁI SHURA 3

Anh là kẻ đi ngang qua cuộc đời
Còn em giơ cánh tay vui ra vẫy!
Trên vầng trăng mùa thu này cũng vậy
Ánh sáng dịu êm, âu yếm, gọi mời.

Lần đầu tiên anh sưởi ấm từ trăng
Lần đầu tiên sưởi ấm từ hơi lạnh
Giờ anh sống và lại đang hy vọng
Vào một tình yêu mà nay đã không còn.

Điều này được làm nhờ bình nguyên của ta
Miền đất rộng mênh mông, vùng cát mặn
Và nhàu nát sự ngây thơ trong trắng
Nỗi buồn thương cho ai đó ruột rà.

Chính vì thế muôn đời không giấu diếm
Rằng tình yêu không riêng rẽ, một mình
Một tình yêu của cả em và anh
Là tình yêu quê hương mình yêu mến.
13-9-1925.




TẶNG EM GÁI SHURA 4

Trái đất này mới lắm mèo làm sao
Anh và em không bao giờ đếm nổi
Cây đậu thơm thấy trong giấc chiêm bao
Và ngôi sao xanh giữa trời vẫy gọi.

Thực hay mơ, hay là đang ngái ngủ
Chỉ nhớ rằng từ ngày tháng rất xa
Con mèo kêu khò khò trên giường ngủ
Nhìn sang anh với đôi mắt hững hờ.

Còn anh khi đó chỉ là cậu bé
Nhưng đùa vui theo câu hát của bà
Mèo nhảy xổ vào giống như hổ trẻ
Vồ cuộn len của nó bị văng ra.

Tất cả qua rồi. Bà không còn nữa
Và thế rồi sau đó một vài năm
Từ con mèo người ta làm chiếc mũ
Chiếc mũ này ông mình đội đã sờn.
1925.


CÒN KHÓC MÃI TRONG HỒN

Mỗi chúng ta đều mong ước vận may
Người chài lưới – mong thuyền về đầy cá
Người nông dân – mong con ngựa, cái cày
Làm ra bánh mì quanh năm đầy đủ.

Ta uống nước đều từ cốc, từ chén
Cũng có thể từ hoa súng, hoa mơ
Nơi vực thẳm có mây hồng bay lượn
Sẽ không nguôi vàng ánh ở đôi bờ.

Ta sung sướng khi nằm trên cỏ dại
Dán mắt vào mặt nuớc phẳng như gương
Bỗng nghe thấy cõi lòng ta tê tái
Ánh mắt ai nhìn hờn dỗi, yêu thương.

Thương chim cuốc kêu hoài… Ôi chim cuốc..
Kêu cho ngày cứ sáng mãi không thôi
Nơi con tim biết nuôi niềm ao ước
Sẽ vui lên dưới gánh nặng cuộc đời.

Chỉ có tôi quên mình kẻ nông dân
Nên giờ đây tôi tự mình kể lại
Lạ lùng chăng nơi cuộc sống an nhàn
Tôi lại nhớ rừng, nhớ đất cày ải.

Ai cứ ngỡ rằng thương cho ai đấy
Ngỡ như mình đã từ chối quê hương
Ai những kẻ từ bùn lầy lớn dậy
Tiếng chim xưa còn khóc mãi trong hồn.
12-6-1925.



MÀN SƯƠNG XANH

Màn sương xanh. Cánh đồng tuyết trắng
Ánh trăng thanh mỏng mảnh vàng chanh.
Con tim ngọt ngào với nỗi đau yên lặng
Một điều gì gợi nhớ tháng ngày xanh.

Tuyết bên thềm như ai rắc cát trắng
Dưới trăng thanh có ai nói nên lời
Tôi kéo mũ lông mèo trùm xuống trán
Rồi lặng lẽ rời ngôi nhà của cha tôi.

Tôi lại về đây, quê hương thân thiết
Bạn bè tôi còn ai nhớ, ai quên?
Tôi buồn như kẻ hành hương tội nghiệp –
Người chủ ngày xưa ngôi nhà gỗ của mình.

Tôi lặng lẽ vò nhàu chiếc mũ mới
Màu lông chồn không hợp với hồn tôi.
Tôi hồi tưởng về bà, về ông ngoại
Tôi nhớ về nghĩa địa trắng tuyết rơi.

Tất cả ngủ yên, chúng ta đều đến đấy
Trong cuộc đời này dù muốn, dù không –
Chính vì thế mà tôi luôn nhận thấy
Với nhân gian tôi trải hết cõi lòng.

Chính vì thế mà suýt bật khóc oà
Rồi mỉm cười, cõi lòng tôi chợt tắt –
Con chó nhỏ trên thềm và ngôi nhà
Tựa hồ như nhìn thấy lần sau chót.
24-9-1925.


QUÊN HẾT SỰ ĐỜI

Khu rừng nhỏ. Mênh mông thảo nguyên
Ánh trăng thanh trải dài, rộng khắp.
Giờ đột ngột bỗng lại nghe vang lên
Trong không gian tiếng kêu lục lạc.

Con đường ta không phẳng lì, không đẹp
Nhưng ta yêu, ta thương mến suốt đời
Theo đường này đã muôn đời, muôn kiếp
Mọi người Nga đi trên đó mà thôi.

Chà, các ngươi, những cỗ xe trượt tuyết!
Tiếng kêu vang lạnh cóng gỗ cây dương.
Bố của tôi – người nông dân thứ thiệt
Lẽ tất nhiên, tôi con của nhà nông.

Tôi đâu có cần chi sự nổi tiếng
Là nhà thơ - tôi cũng chẳng bận lòng.
Miền quê nghèo xác xơ thương mến
Tôi không nhìn thấy nó đã nhiều năm.

Có ai người dù một lần nhìn thấy
Miền quê này, mặt nước phẳng như gương
Mà lại không vui mừng nhường ấy
Được hôn từng bàn chân của bạch dương.

Thì làm sao mà tôi không rơi lệ
Khi trong cơn giá lạnh mùa đông
Hay mùa xuân theo tiếng đàn vui vẻ
Với tuổi thanh xuân tươi trẻ của làng.

Ơi phong cầm, ngươi mang hồn dân tộc
Có biết không, sau tiếng hát của ngươi
Không chỉ một niềm vinh quang khó nhọc
Nghe tiếng reo vang quên hết sự đời.
21/22-10-1925.


GỬI CHÚ CHÓ NHÀ KACHALOV

Jim, hãy đưa ta bàn chân lấy may
Bàn chân thế chưa bao giờ được ngắm.
Nào, hai ta cùng sủa dưới trăng này
Trong tiết trời lặng yên và thanh vắng
Jim, hãy đưa ta bàn chân lấy may.

Nào, Jim yêu, đừng liếm ta rối rít
Hiểu cùng ta một điều tối giản đơn
Bởi đời là gì Jim đâu có biết
Có biết đâu đáng sống lắm trên trần.

Chủ của Jim đáng yêu và danh tiếng
Khách khứa thường hay lui tới đầy nhà
Ai cũng cố mỉm cười và âu yếm
Vuốt ve bộ lông Jim mượt như tơ.

Trong loài chó, quả là Jim tuyệt đẹp
Với vẻ đáng yêu, tin cậy, dịu dàng
Jim chẳng thèm hỏi han chi ai hết
Như người say, cứ sấn đến đòi hôn.

Jim yêu dấu, giữa bao nhiêu khách đấy
Có đủ hạng người thế nọ thế này.
Nhưng một nàng buồn, lặng hơn hết thảy
Có bỗng tình cờ từng ghé đến đây.

Nếu nàng đến, giao phó cho Jim đấy
Dù vắng ta, hãy đắm đuối nhìn nàng
Thay ta hôn bàn tay thật dịu dàng
Vì tất cả, có và không có lỗi.
1925



NGỰA VÀ XE TRƯỢT TUYẾT

Những con ngựa và những xe trượt tuyết
Rõ một điều quỉ mang xuống trần gian.
Trên thảo nguyên phi nước đại ngang tàng
Tiếng nhạc ngựa cười vang, trào nước mắt.

Không trăng sáng, chẳng còn nghe tiếng chó
Phía ngoài rìa chốn hoang mạc xa xăm
Hãy gắng giữ, cuộc đời ta điên cuồng
Đến muôn thuở ta đã già đâu chứ.

Mặc đêm tối, hãy hát lên xà ích
Nếu ngươi cần ta sẽ hát cùng ngươi
Hát về một thời tuổi trẻ vui tươi
Về ánh mắt những cô nàng tinh nghịch.

Có nhiều khi mũ lông ngươi đội lệch
Rồi gióng ngựa vào giữa hai càng xe
Chỉ người ta kêu tên, hãy nhớ về
Khi đè trên lớp cỏ khô, ghì chặt.

Và phong thái lấy từ đâu chẳng biết
Khi giữa đêm hôm khuya khoắt vắng tanh
Đã từng rủ rê không chỉ một nàng
Sau tiếng đàn ta-lin-ka khoan nhặt.

Tất cả đi qua, tóc ta giờ thưa bớt
Ngựa không còn, sân nhà rộng thênh thang
Tiếng đàn nay đã chùng xuống, u buồn
Quên hết mất những điều xưa đã học.

Nhưng dù sao, lửa lòng đâu đã tắt
Ta vẫn còn yêu tuyết với giá băng.
Về tất cả những gì đã xa xăm
Tiếng nhạc ngựa cười vang trào nước mắt.
19-9-1925.




Thơ Sergei Esenin. Phần V - THƯ GỬI MẸ

Sergei Esenin. 201 bài thơ Thơ và Trường ca


THƯ GỬI MẸ

Mẹ của con giờ đây còn mạnh khoẻ?
Mẹ kính yêu, cho con gửi lời chào
Xin hãy để trên ngôi nhà của mẹ
Toả ánh chiều trong nỗi nhớ nôn nao.

Con nghe rằng mẹ giấu điều lo lắng
Mẹ hay buồn, hay lo nghĩ về con
Mẹ hay bước ra ngoài con đường vắng
Trong chiếc áo len lạc mốt, cũ sờn.

Rằng mỗi khi qua làn khói lam chiều
Mẹ nhìn thấy chỉ một điều khủng khiếp
Có vẻ như trong một vụ đánh nhau
Có ai đấy đâm con bằng dao thép.

Chẳng sao đâu! Xin mẹ hãy yên lòng
Đấy tất cả chỉ là cơn mộng mị
Con đâu có còn đến nỗi lông bông
Để chết đi khi chẳng nhìn thấy mẹ.

Con bây giờ vẫn như thế, dễ thương
Chỉ ao ước một điều rất đơn giản
Sao cho thật mau thoát khỏi nỗi buồn
Để trở về ngôi nhà ta thấp vắng.

Con sẽ về khi hoa nở trên cành
Mang hơi thở mùa xuân quanh vườn tược
Chỉ có điều mẹ trong ánh bình minh
Đừng thức con như tám năm về trước.

Đừng thức dậy những giấc mơ đã tắt
Đừng khơi lên mộng ước đã không thành
Con là kẻ sớm chịu nhiều mất mát
Nếm trải nhiều mệt nhọc giữa ngày xanh.

Và đừng dạy con cầu nguyện. Không cần!
Thời ấu thơ chẳng quay về lần nữa.
Chỉ mẹ là niềm vui, niềm an ủi của con
Chỉ mẹ – đối với con là ánh hồng khôn tả.

Mẹ hãy quên đi những điều phiền muộn
Mẹ đừng buồn, đừng lo lắng về con
Đừng hay bước ra ngoài con đường vắng
Trong chiếc áo len lạc mốt, cũ sờn.


VỀ CÕI HƯ VÔ

Ta giờ đây đang dần dà đi khỏi
Để về nơi huyền diệu, cõi hư vô
Rất có thể trong chặng đường sắp tới
Tôi đã phải lo chuẩn bị nấm mồ.

Những cánh rừng bạch dương sao yêu quá!
Mặt đất này! Những cồn cát yêu thương!
Giờ đứng trước đám đông người thiên cổ
Tôi biết làm sao dấu được nỗi buồn.

Tôi đã quá yêu những thứ trên đời
Được thể hiện cả trong hồn lẫn xác
Nơi có những cành dương liễu buông xuôi
Thả bóng xuống mặt nước hồ bàng bạc.

Trong yên lặng nảy sinh nhiều ý nghĩ
Tôi đã viết nhiều bài hát về tôi
Trên mặt đất cuộc đời dù chẳng dễ
Hạnh phúc sao tôi sống thở khí trời.

Tôi hạnh phúc đã hôn nhiều phụ nữ
Tôi đã nằm trên cỏ, đã ngắt hoa**
Và hạnh phúc vì với loài muông thú
Những bạt tai tôi chưa đánh bao giờ.

Ở bên kia chẳng có những cánh rừng
Không xào xạc sóng lúa mì óng ả
Nên trước những người ở chốn mông lung
Sao bỗng thấy giữa lòng tôi run quá.

Và tôi biết ở bên kia chẳng thể
Có những cánh đồng vàng rực trong sương
Nên bởi thế tôi vô cùng yêu quí
Những con người trên mặt đất yêu thương.
1924.

NGỌN GIÓ VÀNG MÊ MẨN

Ngọn gió vàng trên cánh rừng gào gọi
Tiếng động mềm như tuyết, mượt như tơ
Lần đầu tiên trong đời tôi nghĩ tới
Bởi xưa nay chưa để ý bao giờ.

Ngoài cửa sổ bầu trời đang sùi sụt
Tôi không tiếc thương mà cũng chẳng buồn
Tôi vẫn yêu cuộc đời này tha thiết
Tựa hồ như tình trong buổi đầu tiên.

Người phụ nữ nhìn theo cười lặng lẽ
Lòng đã bồi hồi. Chao ôi những bờ vai!
Xe tam mã như vành nôi yêu quí
Sẽ đưa tôi về tận chốn xa xôi.

Ôi hạnh phúc, ôi những điều may mắn!
Chốn trần gian hạnh phúc của con người.
Ai trong đời một lần khóc đau đớn
Có nghĩa là may mắn chẳng mỉm cười.

Ta cần sống thật nhẹ nhàng, đơn giản
Nhận hết về ta mọi thứ trên đời.
Nên vì thế ngọn gió vàng mê mẩn
Trên cánh rừng cứ gào gọi không thôi.
14-10-1925.



1 THÁNG NĂM

Có âm nhạc, những điệu nhảy và thơ
Có sự giả dối và nịnh hót…
Mặc người ta chửi tôi vì bài “Xtăngxơ”
Trong bài ấy, dù sao, có sự thật.

Tôi đã thấy ngày lễ một tháng Năm
Và ngạc nhiên lắm vậy
Tôi sẵn sàng cúi xuống và ôm
Tất cả phụ nữ và con gái.

Biết kể cho ai, biết đi đâu
Chẳng lẽ lại u sầu
Trước bao la biển trời nắng đẹp
Của Balakhan?

Biết làm sao cho con tim khỏi hát lên
Không rơi vào run rẩy
Chúng tôi đã hát bốn mươi nghìn
Và uống cũng vậy.

Thơ tôi ơi, đừng rối ren, mộng mị!
Mà hãy giản dị thôi!
Chúng ta uống chúc sức khỏe ngành dầu khí
Và những vị khách mời.

Tôi nâng cốc thứ nhất
Uống hết một hơi
Tôi uống trong ngày lễ tháng Năm này
Để mừng cho Hội đồng Dân ủy.

Cốc thứ hai cho khỏi say mềm
Và không quậy
Tôi tự hào chúc giai cấp công nhân
Theo lời của ai đấy.

Tôi uống cốc thứ ba
Như bậc vua chúa
Mừng cho những người nông dân
Bớt đi phần đau khổ.

Hãy uống, con tim! Nhưng đừng đổ đốn
Hủy hoại tháng ngày xanh…
Vì thế tôi uống cốc thứ bốn
Chỉ cho mình.
1925.



TỔ QUỐC YÊU THƯƠNG

Cây nằm ngủ. Bình nguyên thân thương sao
Cành ngải cứu hơi nước đeo trĩu nặng
Chẳng ở đâu còn có quê hương nào
Làm trỗi dậy trong lòng tôi hơi ấm.

Tất cả chúng ta đều chung số phận
Cứ thử đi hỏi hết thảy người ta –
Vừa đau khổ, vừa mừng, vui, buồn, giận
Dù sao ta sung sướng ở nước Nga.

Ánh trăng thanh bí huyền dài ngất ngểu
Liễu khóc thầm, thủ thỉ những hàng dương
Nhưng chẳng ai nghe tiếng kêu đàn sếu
Mà lại không yêu đồng ruộng quê mình.

Và giờ đây khi cuộc đời can hệ
Đến số phận tôi bằng ánh sáng mới hơn
Dù sao tôi vẫn là thi sĩ
Của ngôi nhà gỗ nhỏ vàng ươm.

Cứ hàng đêm, khi ngả xuống đầu giường
Lại nhìn thấy kẻ thù rất dữ dội
Tuổi trẻ nào đang khai khẩn đất hoang
Trên cánh rừng của tôi, trên đồng nội.

Nhưng dù sao tôi linh cảm được rằng
Tôi có thể yên lòng và tôi hát:
Hãy cho tôi được tổ quốc yêu thương
Yêu tất cả và nhẹ nhàng tôi chết.
7-1925.


CƠN GIÓ NHẸ

Cơn gió nhẹ. Buổi chiều xanh ảm đạm
Đôi mắt mở to tôi đứng lặng nhìn.
Những gà mái ở Ba Tư rất giống
Với những mái gà ở Riazan.

Trăng cũng thế, chỉ rộng hơn một chút
Chút vàng hơn và từ phía đằng bên
Trong đời này tình yêu anh và em
Với tất cả đều giống nhau y hệt.

Tôi không thể nào trong đêm ấm áp
Tôi không thể nào không hát không ca.
Các cô gái ôm người yêu dấu nhất
Như những chú gà thứ hai, thứ ba.

Chà, tình yêu! Tất cả đều quen biết
Tình yêu kia cũng biết những con mèo
Chỉ mình tôi, kẻ không nhà đi nhặt
Rất khiêm nhường những mảnh nát tình yêu.

Hạnh phúc không có. Nhưng chẳng buồn rồi
Có ở khắp nơi những con gà mái
Đối với tôi có ở khắp mọi nơi
Những cô gái đa tình trẻ dại.

Cùng với họ mọi niềm vui tôi nhận
Chỉ bằng thơ tôi nói với họ thôi:
Chính vì thế mà người ta yêu đời
Rằng cuộc đời khắp nơi đầy gà trống.
7-1925.



MUÔN ĐỜI NAY VẪN THẾ

Đã rõ ràng, muôn đời nay vẫn thế
Ta biết điều khi đến tuổi ba mươi
Ngày mỗi mạnh, những kẻ từng bất trị
Biết giữ luôn mối quan hệ với đời.

Em yêu ơi, anh gần ba mươi tuổi
Và cuộc đời ngày một đáng yêu hơn
Chính vì thế con tim này mơ thấy
Anh đang cháy lên bằng ngọn lửa hồng.

Nếu như cháy thì sẽ cho cháy hết
Không ngẫu nhiên ngọn lửa cháy thành màu
Anh tháo ra chiếc nhẫn từ con vẹt
Điềm báo rằng ta sẽ cháy cùng nhau.

Nhẫn đeo cho anh cô gái Xứ-gan
Rồi anh tháo từ tay trao em đó
Nên bây giờ khi buồn bã cây đàn
Anh không thể không nghĩ suy, lo sợ.

Trong đầu anh vũng lầy đang dạo bước
Và trong tim băng giá với sương mù
Có thể lắm, với một người nào khác
Chiếc nhẫn này em đã đem cho?

Và có thể khi yêu nhau đến sáng
Người ta tự mình sẽ vặn hỏi em
Sao từ nhà thơ buồn cười, ngớ ngẩn
Em biết khơi ra tình cảm chân thành.

Thôi đành vậy! Vết thương này sẽ qua.
Chỉ đắng cay nhìn thấy rìa cuộc sống.
Lần đầu tiên trong đời tên du đãng
Bị con vẹt kia nguyền rủa đánh lừa.
7-1925.


TÔI THẤY GIẤC MƠ

Tôi thấy giấc mơ. Con đường màu đen.
Con ngựa trắng. Bàn chân rất khỏe
Và ngồi trên con ngựa
Một cô gái đến với tôi
Cô gái xinh đẹp tuyệt vời
Nhưng mà không yêu dấu.

Ê, cây bạch dương nước Nga!
Con đường ta chật chội
Và cô gái như một giấc mơ
Chỉ dành cho người yêu dấu
Ngươi hãy giữ lấy cành
Như những bàn tay thành thạo.

Trăng chiếu sáng. Màu xanh mơ màng
Ngựa khua móng guốc.
Ánh trăng thanh bí huyền
Như dành cho một người duy nhất
Ánh sáng của người này không khác
Và người này không có trên đời.

Tên du đãng là tôi
Làm thơ thành say, thành ngớ ngẩn
Nhưng dù sao có sự nhanh nhẹn
Cho khỏi nguội lạnh con tim
Và vì nước Nga bạch dương
Tôi làm lành với người không yêu dấu.
7-1925.



CƠN BÃO TUYẾT

Cơn bão tuyết châm chích và vùi dập
Ánh trăng thanh lạnh lẽo chiếu trên trời
Giờ tôi lại thấy rìa làng quen thuộc
Và ngọn lửa hồng bên cửa sổ nhà tôi.

Ta đều khách lãng du, đâu cần nhiều lắm
Những gì đời cho tôi, tôi hát về người.
Giờ ngồi quanh bữa cơm chiều đầm ấm
Giờ tôi lại nhìn thấy mẹ già tôi.

Mẹ nhìn đâu mà nước mắt dầm dề
Rồi lặng im như không hề đau đớn
Con không thể nào quay được mặt đi
Để cốc chè trên bàn tay rơi xuống.

Ơi mẹ của con dịu dàng, thắm thiết
Xin mẹ quên đi những ý nghĩ buồn
Mẹ hãy nghe sau tiếng đàn của tuyết
Con kể mẹ nghe về cuộc đời con.

Con đã thấy nhiều, đã đi nhiều chốn
Đã yêu nhiều và đau khổ cũng nhiều
Rồi từ đó uống rượu và gây chuyện
Tốt nhất mẹ đừng thấy đứa con yêu.

Và bây giờ con nằm đây sưởi ấm
Áo treo lên và giày cởi vất ra
Con lại vui và lại đang hy vọng
Vào vận may như thuở ấu thơ.

Ngoài cửa sổ bão tuyết đang nức nở
Trong tiếng ồn ào hoang dã đau thương
Tôi cứ ngỡ những cây gia trút lá
Những cây gia trắng xoá ở trong vườn.
20-9-1925.


MỘT ĐIỀU GÌ LÂNG LÂNG

Một điều gì lâng lâng, màu xanh, đằm thắm…
Yên lặng quê tôi sau bão táp, mưa giông
Và tâm hồn tôi – cánh đồng vô tận –
Thở bằng hương thơm của mật, hoa hồng.

Tôi lặng im. Tháng năm làm nên chuyện
Những gì đã qua không trách cứ, không thương.
Tựa hồ như cỗ xe ba ngựa chiến
Phóng điên cuồng khắp mọi nẻo quê hương.

Bụi mù khắp nơi. Ngựa khua móng guốc
Rồi biến theo tiếng huýt quỉ sa-tăng
Và giờ đây chốn núi rừng cô độc
Lại nghe ra như lá rụng trong vườn.

Tiếng chuông kêu hay tiếng chuông đồng vọng?
Lòng tôi lắng nghe tất cả lặng yên.
Tâm hồn ơi, ta và mi đã phóng
Qua chặng đường bão tố được định nên.

Ta thấy gì, thử đem ra xét đoán
Trên quê hương những gì đã xảy ra
Nơi mọi người đã làm ta hờn giận
Vì lỗi của người và lỗi của ta.

Ta nhận về cả điều chưa từng nói
Chỉ một điều thương tiếc tuổi ba mươi –
Ta đòi hỏi những điều rất ít ỏi
Lại bỏ quên trong quán rượu hết rồi.

Nhưng cây sồi non không hề cúi xuống
Không rữa mục ra như hoa cỏ trên đồng…
Ôi tuổi trẻ của tôi không kìm hãm
Mi giống như người bạt mạng, tiêu vong!
1925




ÁNH TRĂNG THANH LAI LÁNG

Ánh trăng thanh sao mà lai láng thế
Và nỗi buồn bình nguyên rộng mông mênh
Đó, những gì tôi nhìn vào tuổi trẻ
Từng ghét và yêu không chỉ một mình.

Trên những nẻo đường héo khô rặng liễu
Tiếng bánh xe lăn kẽo kẹt, nặng nề
Dù cho gì tôi cũng không thể chịu
Nghe những lời buồn bã, não nùng kia.

Tôi hững hờ với những nhà rách nát
Ngọn lửa hồng không còn thấy đáng yêu
Cả ngọn gió mùa xuân tươi mát
Cũng chẳng còn yêu bởi đồng ruộng đói nghèo.

Lòng tôi bây giờ đã mê điều khác
Trong bóng vàng run rẩy của vầng trăng
Qua đá dựng và qua sắt thép
Tôi nhìn ra sức mạnh của quê mình.

Quá đủ rồi! Ơi nước Nga đồng ruộng
Với cày chìa vôi lê bước trên đồng.
Vẻ nghèo khó nhìn vào mà đau đớn
Không cầm lòng dù dương liễu, bạch dương…

Tương lai tôi rồi ra sao không biết
Có thể cuộc đời không còn chỗ để tôi theo
Nhưng dù sao nhìn nước Nga gang thép
Cũng còn hơn nhìn thấy nước Nga nghèo.

Và trong khi nghe rền vang tiếng máy
Trong muôn ngàn bão tố, cuồng phong
Thì lòng tôi không còn mong nghe thấy
Tiếng bánh xe lăn kẽo kẹt trên đồng.
1925.



LÁ RỤNG LÁ RƠI

Lá rụng, lá rơi.
Ngọn gió đang nức nở
Tiếng trầm xuống và dài.
Có ai làm cho con tim vui vẻ?
Có ai an ủi nó, bạn ơi?

Với đôi mí mắt trĩu nặng
Tôi nhìn lên ánh trăng mờ.
Nghe tiếng gáy của những con gà trống
Trong không gian tĩnh lặng mùa thu.

Trước rạng đông. Màu xanh. Tươi mát.
Những vì sao may mắn trên trời.
Tôi chẳng biết được điều tôi mong ước
Chẳng biết được điều tôi mong muốn cho tôi.

Biết ước mong chi dưới gánh nặng cuộc đời
Chẳng lẽ trách ngôi nhà, trách số phận?
Giá mà được, bây giờ tôi chỉ muốn
Ngắm cô gái ngồi bên cửa sổ xinh tươi.

Để đôi mắt của nàng xanh thắm
Chỉ nhìn tôi
Mà không nhìn ai khác
Và để bằng tình cảm mới và lời
Nàng an ủi con tim đang thổn thức.

Để dưới ánh trăng bàng bạc
Tôi nhận về hạnh phúc may mắn cho mình
Để tôi sẽ lặng người theo bài hát
Và để với tuổi trẻ vui tươi người khác
Tôi không tiếc thương cho tuổi trẻ của mình.
8-1925.


NGÔI NHÀ THẤP

Ngôi nhà thấp, cánh cửa màu xanh thắm
Tôi không thể quên được nó bao giờ
Tiếng ngân vang của ngày chưa lâu lắm
Giờ đã trở thành dĩ vãng mờ xa.

Đến hôm nay tôi vẫn nằm mơ thấy
Cánh đồng làng, đồng cỏ, khu rừng
Màu xam xám hiện ra che lại
Trời phương bắc nghèo khó thân thương.

Lòng khâm phục giờ tôi không thể biết
Và chẳng mong mất hút chốn rừng xa
Nhưng có lẽ đến muôn đời muôn kiếp
Tôi mang sự dịu dàng của tấm lòng Nga.

Tôi đã từng yêu những đàn sếu xám
Với tiếng kêu của chúng hướng về xa
Bởi một điều trên bao la đồng ruộng
Chẳng bao giờ chúng được ăn no.

Chỉ cần nhìn màu lá của bạch dương
Và rặng liễu cúi mình trên mặt nước
Rồi được nghe tiếng huýt gió thân thương
Là có thể dễ dàng chết được.

Tôi chỉ mong cho tôi được không yêu
Nhưng mà rồi không thể nào học được
Ơi màu xanh của hoa cỏ thân yêu
Người với ta dịu dàng thân thuộc.

Chính vì thế, những ngày chưa lâu lắm
Giờ đã đi vào dĩ vãng mờ xa…
Ngôi nhà thấp, cánh cửa màu xanh thắm
Tôi không thể quên được nó bao giờ.
1924.




NGƯỜI CẦM LÁI

Chưa từng có ai
Điều khiển hành tinh nổi
Và cũng chưa có ai
Bài hát của tôi ca ngợi.
Chỉ có ông
Với bàn tay cầm lái của mình
Nói rằng thế giới
Là một Đại gia đình.

Tôi không bị cám dỗ
Bởi những khúc hát anh hùng
Và không run sợ
Từng thớ thịt đường gân
Mà tôi hạnh phúc rằng
Trong thời u ám
Tôi bằng những tình cảm
Đã hít thở cùng với ông
Và sống bằng.

Không phải chúng ta
Tất cả đều
Gần gũi
Với cảnh lên voi
Và xuống ngựa…
Như chàng trai khiêm nhường
Từ thành phố Xim-biếc
Trở thành người cầm lái
Của đất nước, quê hương.

Giữa những con sóng ầm ầm
Ông dọn sạch quang
Rất nghiêm khắc, nhẹ nhàng
Và dịu dàng, đằm thắm
Ông có nhiều ý tưởng
Theo phong cách Mác-xít
Nhưng ông làm việc
Hoàn toàn theo kiểu Lênin.

Không!
Đây không phải cảnh bạo ngược ngang tàng
Không phải nổi loạn và ngai vàng
Của Pu-ga-chốp!
Ông không hề đặt
Một ai úp mặt vào tường
Mà tất cả được làm
Theo luật pháp.

Ông đầy trí thông minh
Và lòng dũng cảm
Chỉ một điều ông quyết định
Cầm lái là để cho
Trước mũi tàu
Những con sóng vỡ ra
Giành khoảng bao la rộng lớn
Cho con tàu.

Ông – người cầm lái con tàu
Người thuyền trưởng
Liệu ông có khiếp đảm
Trước bão tố cuồng phong?
Bởi người ta tập trung
Đến từ các nước
Và tất cả Đảng
Là những thuỷ thủ của ông.

Chớ nhát gan
Ai người chưa quen với biển:
Họ vì những điều hứa hẹn
Tốt đẹp vô cùng
Và khi bước lên bến
Sẽ là những cuốn sách chỉ nam.

Thì khi đó nhà thơ
Có số phận khác
Và không phải tôi
Mà ông sẽ hát
Bài ca đấu tranh
Cho các bạn
Bằng những lời
Mới và khác hẳn.

Ông sẽ nói rằng:
Chỉ có người bơi giỏi
Đã được luyện rèn
Trong cuộc đấu tranh
Mở ra cho nhân loại
Một hành tinh
Chưa từng có ai nhìn thấy.
17-01-1925



MỘT BIỂN TIẾNG

Một biển tiếng của những bầy chim sẻ.
Còn màn đêm như có vẻ rõ ràng
Luôn luôn như vậy qủa là tuyệt thế.
Còn màn đêm như có vẻ rõ ràng
Trên những đôi môi trinh trắng, hồn nhiên
Một biển tiếng của những bầy chim sẻ.

Ái chà chà! Mặt trăng chiếu sáng
Dù có đem quăng vào nước vẫn hay.
Tôi không hề mong muốn sự yên lặng
Trong thời tiết màu xanh này.
Ái chà chà! Mặt trăng chiếu sáng
Dù có đem quăng vào nước vẫn hay.

Em thân yêu, có phải em? người ấy?
Những bờ môi này không hề mệt mỏi.
Những bờ môi này như dòng nước đang tuôn
Làm đã cuộc đời trong những nụ hôn.
Em thân yêu, có phải em? người ấy?
Có phải bên tai anh thỏ thẻ hoa hồng?

Anh không biết điều gì sẽ xảy ra.
Có thể gần hay là ở đâu xa
Có tiếng sáo mừng vui đang thổn thức.
Trong một buổi chiều êm
Anh yêu quí những đường viền trên ngực.
Có tiếng sáo mừng vui đang thổn thức
Anh không biết điều gì sẽ xảy ra.
1925.


HÃY CHÁY LÊN NGÔI SAO

Hãy cháy lên ngôi sao, đừng rụng nhé
Và những tia lạnh lẽo hãy tuôn ra
Bởi một điều sau bờ tường nghĩa địa
Con tim này đang sống chẳng hề khua.

Ngươi chiếu bằng mùa thu và lúa mạch
Và trải đầy sự yên tĩnh trên đồng
Bằng run rẩy tựa như lòng thổn thức
Của những bầy sếu còn lại trên không.

Còn tôi đây ngẩng đầu lên trong gió
Dường như trong rừng nhỏ, ở sau đồi
Tôi lại nghe một bài ca ai đó
Hát về quê hương, về mái nhà tôi.

Và mùa thu với màu vàng úa
Làm vơi đi sinh lực của bạch dương.
Cho những người tôi đã yêu rồi bỏ
Tiếng khóc rơi trên cát chiếc lá vàng.

Tôi vẫn biết được rằng sắp tới
Không tại tôi, không do lỗi của người
Dưới bức tường quanh nấm mồ ngắn ngủi
Tôi đành phải nằm ở đó mà thôi.

Ngọn lửa hồng thân thương rồi tắt hẳn
Và con tim sẽ thành bụi thành tro
Bạn bè tôi sẽ đặt hòn đá xám
Và dòng chữ vui được viết bằng thơ.

Nhưng trong khi nghe nỗi buồn đưa linh
Tôi viết ra cho mình câu dễ hiểu:
Hắn đã từng yêu quê hương của mình
Cũng giống như thằng say yêu quán rượu.
8-1925.

Thơ Sergei Esenin. Phần IV - MỐI TÌNH CỦA TÊN DU ĐÃNG

Sergei Esenin. 201 bài thơ Thơ và Trường ca


THÚ VUI CÒN LẠI

Giờ còn lại một thú vui duy nhất
Cho ngón tay vào miệng húyt sáo vang
Một tin đồn xấu xa bay đi khắp
Rằng tôi kẻ hay gây sự, tục tằn.

Thật buồn cười nghe tin đồn như thế
Trong cuộc đời nhiều mất mát đắng cay .
Thật xấu hổ đã từng tin Thượng Đế
Lại đau lòng không tin nữa giờ đây.

Như khung cảnh nhìn từ xa vàng ánh
Ngọn lửa cuộc đời cháy sáng trong đêm.
Tôi thô lỗ và tôi hay sinh chuyện
Là để cho mình được cháy sáng lên.

Nhiệm vụ nhà thơ là xoa và đánh
Với quyền hành mà số phận ban cho.
Tôi muốn cóc đen và hoa hồng trắng
Được lên duyên chồng vợ ở trong thơ.

Dù ước mơ của một thời hoa đỏ
Đã không trở thành hiện thực như mong
Nhưng nếu quỷ trong hồn tôi lót ổ
Thì thần tiên cũng sống ở trong lòng.

Vì lẽ đó tháng ngày xanh sôi nổi
Đã lên đường bay về chốn xa xôi
Tôi chỉ muốn khi trong giờ phút cuối
Xin một điều ở người đến với tôi:

Vì tội lỗi của tôi là rất nặng
Vì không tin vào thần thánh thiêng liêng
Hãy đặt tôi vào áo quan màu trắng
Của nước Nga dưới tượng Thánh ngủ yên.
1923.
 

NGỌN LỬA MÀU XANH

Rạo rực trong lòng ngọn lửa màu xanh
Giờ anh đã quên ngôi nhà cha mẹ
Lần đầu tiên anh đi hát về tình
Lần đầu tiên thôi không còn gây sự .

Anh đã từng như vườn hoang bỏ phế
Đã từng thích uống rượu đến say mê.
Rồi bỗng nhiên chán chường không thích nữa
Đã chia tay không một chút chần chừ.

Anh chỉ muốn nhìn vào đôi mắt em
Ôi đôi mắt màu nâu như vực thẳm
Để em thôi yêu quá khứ của mình
Và để với người ta em quên hẳn.

Ơi gương mặt và thân hình duyên dáng
Giá mà em biết được hắn kiên tâm
Giá mà em biết rằng tim du đãng
Có thể trở thành dễ bảo và ngoan.

Thì muôn đời anh sẽ quên quán rượu
Thì muôn đời anh đi bỏ làm thơ
Để được vuốt ve bàn tay êm dịu
Và mái tóc em màu của mùa thu.

Thì muôn đời em sẽ bước theo anh
Đi về quê hay về nơi xa lạ
Lần đầu tiên anh đi hát về tình*
Lần đầu tiên thôi không còn gây sự.
1923.
___________________________
*
Tập thơ “Mối tình của tên du đãng” có bảy bài: “Ngọn lửa màu xanh”, “Hát về một thời du đãng”, “Em yêu ơi hãy ngồi lại kề bên”, “Anh buồn rầu ngồi ngắm nhìn em”, “Em đừng lạnh nhạt làm khổ anh”, “Buổi chiều bệnh viện”, “Em giản dị như là tất cả” Esenin đề tặng Avgusta Miklasevskaya – nữ diễn viên nhà hát Kamerny, người mà Esenin “một thời từng gọi người yêu”. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Esenin đi hát về tình nhưng lần nào cũng vậy, với nhà thơ, tình chợt ùa đến như có vẻ là lần đầu tiên (hoặc cuối cùng). Còn với Avgusta (tháng Tám – mùa thu) cũng vậy, nàng lớn tuổi hơn nhà thơ và đang yêu người khác nên có những câu: “em uống bằng người khác” hay “mỏi mệt ánh mắt nhìn…” là vì thế.

HÁT VỀ MỘT THỜI DU ĐÃNG 

Thôi cứ mặc em uống bằng người khác
Nhưng vẫn còn gì đấy để cho anh
Còn hương khói mùa thu trong mái tóc
Và còn đây mỏi mệt ánh mắt nhìn.

Tuổi mùa thu trưởng thành anh yêu quí
Hơn cả thời tuổi trẻ với mùa hè
Và nét buồn của em đầy quyến rũ
Gấp hai lần tưởng tượng của nhà thơ.

Tận đáy lòng anh không hề nói dối
Và cũng không hề ngạo mạn bao giờ.
Bằng thái độ chân thành anh muốn nói
Rằng đã quên thời du đãng ngày xưa.

Đã đến lúc chia tay trò ngổ ngáo
Với thói hung hăng, ương ngạnh, cứng đầu
Giờ con tim đập dồn lên trong máu
Đầy men tình nên men rượu qua mau.

Giờ mùa thu đã đến ngoài cửa sổ
Bằng những cành liễu đỏ, tía, hồng tươi
Và anh đã sẵn sàng ra gặp gỡ
Với mùa thu đến hẹn một câu mời.

Với nhiều người giờ đây anh hòa giảng
Chẳng ai bắt hay thua thiệt cho mình
Mà bởi vì nước Nga giờ khác hẳn
Khác cả từng nghĩa địa, mái nhà tranh.

Giờ anh đang nhìn bằng đôi mắt sáng
Nhìn đó đây cả bốn phía xung quanh
Chỉ còn em vừa là em, là bạn
Vừa có thể là người vợ của anh.

Rằng chỉ vì em mà anh cố gắng
Học cho mình lòng kiên định, thủy chung
Anh sẽ hát về một thời du đãng
Và những con đường vắng buổi hoàng hôn.
1923



EM YÊU ƠI HÃY NGỒI LẠI KỀ BÊN

Em yêu ơi hãy ngồi lại kề bên
Và đôi mắt hãy nhìn nhau em nhé
Anh muốn nhìn ánh mắt em thuỳ mị
Để nghe trong lòng cơn bão sôi lên.

Đây là màu vàng của mùa thu
Đây, màu sáng của làn tóc rối
Tất cả chúng như một niềm cứu rỗi
Cho tâm hồn lo ngại kẻ lãng du.

Anh từ lâu đã bỏ lại quê mình
Nơi đồng cỏ, những cánh rừng tươi tốt
Trong danh tiếng thị thành đắng cay, khó nhọc
Anh muốn sống đời một kẻ lang thang.

Anh chỉ muốn con tim thôi âm ỉ
Nhớ mùa hè và nhớ mảnh vườn xưa
Nơi đã nghe những chú ếch đồng ca
Rồi anh lớn lên trở thành thi sĩ.

Giờ ở đấy cũng mùa thu đó em
Những cây phong nghiêng mình bên cửa sổ
Đang thả xuống những bóng cành bóng lá
Tìm những người chúng còn nhớ chưa quên.

Họ từ lâu không còn nữa trên đời
Ánh trăng thanh ngoài nghĩa trang đơn giản
Lên những cây thập ác kia chiếu sáng
Rằng ta sẽ về với họ em ơi.

Rằng ta sẽ về khi trả hết nợ đời
Ta sẽ về ngủ yên trong im lặng
Và tất cả những con đường gợn sóng
Chỉ vui cho người còn ở lại mà thôi.

Nên em ơi, hãy ngồi lại kề bên
Và đôi mắt hãy nhìn nhau em nhé
Anh muốn nhìn ánh mắt em thuỳ mị
Để nghe trong lòng cơn bão sôi lên.
1923.


ANH BUỒN RẦU NGỒI NGẮM NHÌN EM

Anh buồn rầu ngồi ngắm nhìn em
Thật đau lòng và thật là đáng tiếc!
Chỉ còn lại sắc đồng, em có biết
Chỉ sắc đồng còn lại với hai ta.

Những bờ môi người khác đã mang xa
Thân thể em nồng nàn và hơi ấm
Tựa hồ như mưa phùn rơi lấm tấm
Cõi lòng anh một chút cứng đờ ra.

Nhưng dù sao anh không sợ điều này
Đối với anh có một niềm vui khác.
Bởi một điều có còn lại gì đâu
Ngoài vàng úa tàn phai và ẩm ướt.

Bởi một điều anh đâu có giữ mình
Cho nụ cười, cho cuộc đời yên lặng.
Thật đau lòng ngắn ngủi chặng đường anh
Thế mà sao sai lầm đã lắm.

Thật buồn cười cho cuộc đời trục trặc
Đã vậy từ xưa và vẫn thế sau này.
Như nghĩa trang, trong vườn đang rải khắp
Lá úa vàng, xương cốt bạch dương rơi.

Cũng như vầy, sẽ tàn úa hai ta
Thôi ồn ào, ta giống như người khách…
Nếu mùa đông trong vườn chẳng có hoa
Thì về nó ta chẳng cần thương tiếc.
1923.
 


EM ĐỪNG LẠNH NHẠT LÀM KHỔ ANH 

Em đừng lạnh nhạt làm khổ anh
Và đừng hỏi rằng anh bao nhiêu tuổi
Bị ám ảnh giống như người động kinh
Tâm hồn anh – khung xương vàng còm cõi.

Có một thời khi còn ở quê xa
Anh mơ ước, kiểu trẻ con – vào khói
Mơ nổi tiếng, giàu có và người ta
Anh yêu hết và được người yêu lại.

Vâng! Anh giàu, anh người giàu có lắm
Chiếc mũ xưa giờ đây đã không còn.
Chỉ còn lại chiếc áo che trước bụng
Và một đôi giày cao cổ đã sờn.

Sự nổi tiếng cũng không hề nói hết
Từ Mạc Tư Khoa cho tới Pa-ri
Cái tên anh làm người ta khủng khiếp
Tựa như lời chửi mắng kẻ vứt đi.

Và tình yêu có phải trò ngộ nghĩnh
Em hôn mà môi cứng tựa sắt tây.
Anh vẫn biết rằng tình anh nẫu chín
Còn tình em không biết gọi mê say.

Anh đau khổ lúc này còn quá sớm
Và cũng không tai họa nếu như buồn
Vàng hơn cả mái tóc em vàng rộm
Là tiếng đùa thiên nga trẻ trên nương.

Anh bây giờ giá mà được về nơi
Có tiếng kêu bầy thiên nga sôi nổi
Được đắm chìm trong quên lãng muôn đời
Và mơ ước, kiểu trẻ con – vào khói.

Nhưng ước mơ một điều khác mới hơn
Về hoa cỏ và miền không ai hiểu
Rằng bằng lời không nói được con tim
Và điều này con người không biết gọi.
1923.


BUỔI CHIỀU BỆNH VIỆN

Buổi chiều chau lông mày đen cau có
Những chú ngựa ai đứng dưới sân nhà
Có phải tôi đã chia tay tuổi trẻ
Và chia tay em trong buổi chiều qua?

Đừng sụt sịt bộ ba kia lười biếng
Cuộc đời trôi nhưng dấu vết không còn
Có thể lắm ngày mai giường bệnh viện
Sẽ ru tôi yên giấc ngủ ngàn năm.

Có thể lắm ngày mai rồi sẽ khác
Tôi ra đi chữa lành hẳn muôn đời
Nghe tiếng mưa rơi và nghe cây hát
Cũng như người sống khỏe mạnh đấy thôi.

Tôi sẽ quên thế lực đầy nguy hiểm
Đã bao phen hành hạ chẳng cho yên
Chỉ gương mặt dễ thương và âu yếm
Chỉ mình em tôi không thể nào quên.

Và dù cho tôi có yêu người khác
Với người ta tôi sẽ kể đôi điều
Về em đấy – người tôi yêu mến nhất
Rằng một thời tôi từng gọi người yêu.

Tôi đi kể về cuộc đời đã sống
Lững lờ trôi như nước chảy qua cầu...
Đầu óc tôi bây giờ đang điên loạn
Chẳng biết đầu tôi sẽ dẫn về đâu?
1923.



EM GIẢN DỊ NHƯ LÀ TẤT CẢ

Em giản dị như là tất cả
Như trăm nghìn người con gái nước Nga
Em thấu hiểu ánh bình minh đơn lẻ
Và nhận ra cơn giá lạnh mùa thu.

Thật buồn cười anh đem lòng thương mến
Thật dại khờ đem ý nghĩ tơ vương
Gương mặt em nghiêm khắc và thánh thiện
Như ảnh Thánh treo ở chốn nguyện đường.

Anh đã từng phớt lờ bao ảnh ấy
Tiếng hò reo, thô bạo vẫn tôn thờ
Nhưng bây giờ bỗng nhiên lời trỗi dậy
Thật dịu dàng, đằm thắm những vần thơ.

Anh chẳng muốn bay tận chốn mây mù
Lên đến đó cần quá nhiều thân thể.
Sao mà tên của em ngân vang thế
Tựa hồ như cơn gió lạnh mùa thu?

Anh không nghèo, không bé dại, đáng thương
Và biết nghe những tấm lòng nhiệt huyết
Từ ngày nhỏ đã biết làm cho thích
Những ngựa cái già ở chốn thảo nguyên.

Chính vì thế mà anh chẳng giữ mình
Để cho em, cho người này, người khác
Vật bảo đảm cho niềm vui hạnh phúc
Là trái tim cuồng thi sĩ của anh.

Chính vì thế mà anh buồn bã
Lác mắt nhìn như chiếc lá rơi ra…
Em giản dị như là tất cả
Như trăm nghìn người con gái nước Nga.
1923.



TƯỞNG NHỚ BRYUSOV

Chúng ta đều chết
Đều về cõi hư vô
Nhưng mà tôi biết
Nước Nga chẳng quên ta bao giờ.

Ta yêu nhiều cô gái
Nhiều phụ nữ ta yêu
Bánh mì ta ăn đấy
Từ cái túi rất nghèo.

Nhưng mà ta không yêu
Phường con buôn tráo trở
Hành tinh này mỹ miều
Hãy đi và gặp gỡ.

Ta những vần thơ cũ
Nhắc lại chừng bốn chục lần
Rồi ta biết thả
Khói và Gô-gôn.

Nhưng dù sao ta đã
Hai mà một luôn luôn
Ơi người bạn mến thương
Chớ than phiền, oán trách!

Bryusov chết rồi
Còn ta rồi sẽ chết
Nhưng không nài xin ngày
Từ túi nghèo xơ xác.

Nhưng mà ta giành giật
Giữ cái túi nghèo xơ.
Valery Yaklevich!
Hãy yên giấc ngàn thu!
1924.
 



BATUM

Những con tàu biển
Đi đến thành phố Constantinopol
Còn đi về Mạc Tư Khoa tàu hoả
Đi xa sự ồn ả
Hay là sự tập trung
Cứ mỗi ngày tôi cảm thấy
Một nỗi buồn.

Tôi ở miền xa
Xa lắm
Thậm chí tôi ngỡ rằng
Trăng còn ở gần hơn
Có vô vàn những hạt nước
Trong con sóng
Biển đen.

Cứ mỗi ngày
Tôi lại đi ra bến
Để mà đưa tiễn
Những kẻ không xót thương
Tôi nhìn trừng trừng
Tôi nhìn như dán mắt
Về miền quyến rũ xa xăm.

Có thể từ Lơ Ha-vrơ
Hay từ Mác-xây
Sẽ bơi về đây
Nàng Louisa hay Janet
Những người này
Tôi vẫn nhớ thương da diết
Nhưng họ là những người
Không tồn tại trên đời.

Mùi vị của biển
Khói và cay
Có thể lắm
Ngài Mitchell
Hay ngài Claud
Sẽ nhớ về tôi
Ở thành phố New York
Khi đọc bản dịch này.

Tất cả chúng ta đi tìm
Trong đời bằng những cái mũi khoan
Và gọi chúng ta có những
Dấu vết không thể nhìn.
Có phải vì thế chăng
Mà như ngọn đèn có tán
Những con sứa chiếu sáng từ nước lên?

Chính vì thế
Mà khi gặp cô gái người ngoại quốc
Trong tiếng kêu cót két
Của con tàu
Thì tôi nghe
Giọng lè nhè của cây đàn hộp
Hoặc là tiếng khóc
Của bầy sếu xa xăm.

Có phải cô ấy chăng?
Có phải là cô ấy?
Nhưng chẳng lẽ trong đời
Dễ dàng nhận thấy?
Nếu như bây giờ cô ấy
Đuổi kịp
Và vun vút mang đi
Cái quần rộng lai ngày trước.

Cứ mỗi ngày
Tôi lại đi ra bến
Để mà đưa tiễn
Những kẻ không xót thương
Tôi nhìn trừng trừng
Tôi nhìn như dán mắt
Về miền quyến rũ xa xăm.

Còn những người khác ở đây
Họ sống theo kiểu khác
Không tình cờ mà đêm đêm
Vang lên tiếng huýt –
Điều đó có nghĩa là
Sự thính nhạy của chó
Bị những kẻ buôn lậu vượt qua.

Nhưng lính biên phòng không sợ
Hãy nhanh lên.
Kẻ thù không thoát khỏi
Chúng ở trong tầm nhìn.
Chính vì thế mà thường xuyên
Vang lên tiếng súng
Trên những bờ
Biển mặn.

Nhưng vẫn sống kẻ thù
Dù người ta cố tình đuổi hết
Bởi thế mà trở nên xanh biếc
Cả thành phố Batum.
Thậm chí tôi cứ ngỡ
Biển có màu chàm
Trong tiếng cười và tiếng ồn
Đường phố.

Nhưng người ta cười là vì có
Một nguyên nhân.
Bởi vì trong đời đâu có
Nhiều lắm chuyện lạ thường.
Có một gã cuồng
Một gã điên
Đặt con gà trống vào bóng tối.

Tự mình cười lên.
Tôi lại đi ra bến
Để mà đưa tiễn
Những kẻ không xót thương
Tôi nhìn trừng trừng
Tôi nhìn như dán mắt
Về miền quyến rũ xa xăm.
1924.


HỒI TƯỞNG

Bây giờ tháng Mười đã khác
Tháng Mười đã khác bây giờ.
Đất nước buổi xấu trời
Tháng Mười như con thú
Gào thét không nguôi
Tháng Mười năm 1917.

Tôi nhớ một ngày
Nặng nề và tuyết
Tôi thấy nó bằng con mắt mờ mịt
Cái bóng thép
Lơ lửng treo trên
Thành phố Petrograd ưu phiền.

Tất cả đều linh cảm một điều
Một điều gì khủng khiếp
Tất cả đều đã biết
Không phải ngẫu nhiên một điều
Những người lính mang mũ thép.

Họ tản ra…
Rồi xếp vào hàng…
Quần chúng run chân…
Và ai đó bỗng nhiên xé tờ khẩu hiệu
Của một kẻ hèn nhát trên tường.

Thế là bắt đầu…
Những ánh mắt nhìn trước nhìn sau
Khổ đau vì nội chiến
Và khói lửa “Rạng Đông”
Bình minh thép xuất hiện.

Số phận đau khổ bắt đầu
Khắp đất nước người ta thét gào
Đến khản cả cổ
Được phất lên dòng chữ đề bằng lửa:
“Hội đồng Đại biểu công nhân”.
1924.


NHÀ XUẤT BẢN VINH QUANG!

Nhà xuất bản vinh quang! Trong sách này
Tôi đã say bằng cảm xúc mới lạ
Đã học nhận thức trong từng phút giây
Rằng nước Nga đứng lên thành công xã.

Dù trong sách còn nhiều chỗ vụng về
Cây bút chì thầm thì cùng trang giấy
Tâm hồn tôi còn nửa tỉnh nửa mê
Chưa hiểu hết ra ngày vui như vậy.

Nhưng các anh bằng nhận thức nhà thơ
Đọc không phải trong lời mà chỗ khác
Rằng chính quyền Xô Viết khắp đất nước
Không còn viết bằng ngôn ngữ ngày xưa.

Sự thử nghiệm bạo dạn đến nhường kia
Khi đọc xong xin đừng cười tôi đấy –
Chỉ bởi vì còn lắm chỗ vụng về
Cây bút chì thầm thì cùng trang giấy.
1924.


NỖI BUỒN NÀY

Nỗi buồn này bây giờ không xua được
Bằng tiếng cười lảnh lót tháng ngày xa.
Cây gia trắng của tôi giờ héo gục
Bình minh hồng đã vắng tiếng hoạ mi.

Đối với tôi bấy giờ tất cả mới
Biết bao tình chất chứa giữa tim tôi
Còn giờ đây dù một lời êm ái
Thành đắng cay rơi xuống khỏi bờ môi.

Miền đất rộng đã quen nhìn đôi mắt
Đã không còn thơ mộng nữa dưới trăng.
Mương xói nhỏ… gai dầu… sườn núi dốc
Chỉ làm cho đất Nga rộng thêm buồn.

Không khỏe mạnh, thấp gầy, còm cõi
Mặt nước gương màu xám, nhạt nhoà
Nhưng tất cả đều thân thương, gần gũi
Tôi ngậm ngùi, nước mắt muốn trào ra.

Căn nhà nhỏ đứng cô đơn, xiêu vẹo
Cừu khóc vang, và theo gió đằng xa
Đang vẫy chiếc đuôi gầy con ngựa cái
Ngó trân trân xuống mặt nước ao tù.

Đấy những gì ta gọi là Tổ Quốc
Là những gì mà tất cả mọi người
Ngày xấu trời ngồi uống say và khóc
Rồi bằng lòng chờ đợi những ngày vui.

Chính vì thế mà nỗi buồn ngày trước
Bằng tiếng cười không xua được chúng đi
Cây gia trắng của tôi giờ héo gục
Bình minh hồng đã vắng tiếng hoạ mi.
1924.



NHỮNG TIẾNG BUỒN THƯƠNG

Đem ra điều khuyên ngăn khu rừng úa
Bằng lời vui, bằng ngôn ngữ bạch dương
Và đàn sếu bay ngang qua buồn bã
Không bao giờ còn một chút tiếc thương.

Thương cho ai? Ta chỉ người du lịch
Đi qua cuộc đời, bỏ lại ngôi nhà.
Bụi gai dầu mơ những người đã chết
Với trăng tròn vành vạnh chốn đầm xa.

Tôi một mình giữa cánh đồng trơ trọi
Ngọn gió mang những đàn sếu bay xa
Tôi nghĩ về tuổi thanh xuân sôi nổi
Nhưng không hề thương tiếc những ngày qua.

Tôi chẳng tiếc những tháng năm uổng phí
Chẳng hề thương thời gian tím trong đời.
Lửa thanh lương trà trong vườn cháy đỏ
Nhưng lửa này không thể ấm cho ai.

Lửa thanh lương trà cháy không hết cả
Cỏ hoa không gục xuống bởi màu vàng
Cây mùa thu lặng im trút lá
Cũng như tôi tuôn những tiếng buồn thương.

Và nếu như thời gian bằng ngọn gió
Dồn tất cả vào một đống chẳng ai cần…
Xin hãy nói… làm sao cho rừng úa
Khuyên ngăn bằng ngôn ngữ thật dễ thương.
1924.


Thơ Sergey Yesenin. Phần III - NHỮNG TÌNH YÊU ĐẦU

Sergei Esenin. 200 bài thơ Thơ và Trường ca


Phần III

TẶNG KLYUEV

Lúc này đây tình yêu tôi đã khác
Tôi biết rằng vẫn rầu rĩ trong lòng
Về một điều, rằng cái chổi trăng
Không thể hắt té thơ trên vũng nước.

Buồn rồi vui với ngôi sao nhỏ
Rồi ngôi sao rơi xuống giữa bờ mi
Anh muốn thay trong tim ngôi nhà gỗ
Nhưng trong tim không dễ xây nhà.

Và một người vẫn chờ trong đêm vắng
Như ngày xưa, người đó chỉ ngang qua
Những dấu nhạc đem cho ai, người bạn
Mà anh mạ vàng cả một lời ca?

Về mặt trời anh không thể hát
Vào cửa sổ con không thấy thiên đàng.
Cối xay gió không thể rời mặt đất
Dù cối xay có đôi cánh vẫy vùng.
1918.


TÔI TỪ GIÃ NGÔI NHÀ CHA MẸ

Tôi từ giã ngôi nhà cha mẹ
Rồi ra đi bỏ lại nước Nga xanh.
Như ba ngôi sao, cây bạch dương nhỏ bé
Đứng bên hồ sẽ an ủi mẹ hiền.

Ánh trăng sáng một màu vàng của ếch
Trải dài ra trên mặt nước nhạt nhoà.
Giống như màu của táo kia, trắng toát
Đổ ra trên chòm râu bạc của cha.

Tôi chưa trở về đâu, còn lâu nữa!
Còn lâu hát cùng bão tuyết vang ngân.
Nước Nga xanh đã có người canh giữ:
Cây phong già đứng trên một bàn chân.

Tôi biết rằng có niềm vui trong đó
Rằng hôn lên chiếc lá giọt mưa rơi
Chính vì thế cây phong kia già cũ
Có cái đầu rất giống với tôi.
1918.


 

THẰNG NGÔNG

Cơn mưa nhỏ như những chiếc chổi ướt
Đang quét phân dương liễu vãi trên đồng.
Gió hãy làm cho lá kêu sột soạt
Ta cũng như mày, gió ạ, thằng ngông.

Ta mến yêu những khi rừng xanh thắm
Giống như đàn bò rảo bước nặng nề
Thở bằng lá phì phò trong những bụng
Một phần cây, đến đầu gối, bùn dơ.

Này đây mi, đàn bò vàng ta ơi!
Còn ai hát về rừng hay hơn thế?
Ta nhìn thấy buổi hoàng hôn đang ghé
Liếm dấu chân bỏ lại của con người.

Ôi nước Nga bằng gỗ của ta ơi
Một mình ta – người đưa tin, thi sĩ.
Thơ ta – nỗi buồn của loài muông thú
Ta nuôi chúng bằng những cỏ và cây.

Lúc nửa đêm cái gàu trăng hãy ngó
Rồi múc vào dòng sữa của bạch dương!
Có vẻ như muốn bóp cổ ai đó
Bằng bàn tay của thập ác nghĩa trang!

Trên ngọn đồi thơ thẩn một bóng đen
Đổ vào vườn vẻ dữ dằn tên trộm
Ta tự mình cũng là tay lỗ mãng
Một máu cùng tên trộm ngựa thảo nguyên.

Ai nhìn ra đang sôi sục trong đêm
Rặng anh đào dại rì rầm sôi động?
Giá mà trong đêm trên thảo nguyên xanh
Ở đâu đó cầm dùi cui ta đứng.

Đã khô bụi cây trên mái đầu ta
Vòng tù hãm của thơ ca cuốn hút.
Ta khổ sai trong mạch nguồn cảm xúc
Buộc xoay vòng cái cối của thơ ca.

Đừng sợ chi, hỡi ngọn gió điên cuồng
Lá trên đồng cứ cuốn vào lặng lẽ
Ta chẳng sợ mất cái tên “thi sĩ”
Ta trong thơ, cũng như gió, thằng ngông.
1919



TÔI – NHÀ THƠ CUỐI CÙNG CỦA NÔNG THÔN
Tặng A. Mariengof


Tôi – nhà thơ cuối cùng của nông thôn 
Cây cầu gỗ khiêm nhường trong bài hát.
Tôi đứng sau lễ mi-xa tiễn biệt
Lá bạch dương vẫn lắc những bình hương.

Sẽ cháy hết màu vàng trong ngọn lửa
Từ xác thân ngọn nến, sẽ tàn thôi
Và mặt trăng đồng hồ quê giục giã
Sẽ gióng lên giờ phút cuối cho tôi.

Trên lối nhỏ của ruộng đồng xanh thắm
Sẽ bước ra vị khách thép và gang.
Lúa kiều mạch bằng ban mai rót xuống
Sẽ gom về lúa mạch cánh tay đen.

Những bàn tay chết, bàn tay xa lạ
Những bài ca không sống với ngươi đâu!
Chỉ tội những bông lúa mì cho ngựa
Về người chủ xưa buồn bã u sầu.

Ngọn gió làm đau tiếng hý vang trời
Điệu nhảy lồng lên cầu siêu cho ngựa.
Sắp tới đây đồng hồ quê giục giã
Sẽ gióng lên giờ phút cuối cho tôi.
1920



THẾ GIỚI CỦA TA CỔ XƯA, BÍ ẨN

Thế giới của ta cổ xưa, bí ẩn
Còn ngươi lặng im như gió ngồi lên
Đưa bàn tay ra bóp cổ ngôi làng
Bàn tay đá của những con đường lớn.

Giữa trời tuyết thật vô cùng khiếp đảm
Vẻ kinh hoàng đang giãy giụa, kêu la
Ta chào ngươi, cái chết đen của ta
Bước ra đường ta cùng ngươi chào đón!

Đô thị hỡi, ngươi trong cơn giao chiến
Đặt tên ta như rác bẩn, xác chôn
Đồng ruộng tái tê trong đôi mắt buồn
Vẻ sững sờ như những dòng điện tín.

Bắp thịt gân trên cổ bầy quỉ ác
Tấm lót bằng gang lên đó đặt vào
Đành chịu chăng? Bởi không phải lần đầu
Ta từng chịu lung lay và mất mát.

Thôi con tim đớn đau thì cứ mặc
Bài ca này của sự thật thú muông
… Kẻ đi săn đuổi theo chó sói rừng
Rồi vòng vây cứ dần dần siết chặt.

Con thú né… và từ nơi mai phục
Có ai người lúc ấy bóp cò nhanh
Bỗng chồm lên… và địch thủ hai chân
Bị xé ra từng phần vì nanh vuốt.

Ta chào con thú yêu thương của ta!
Chẳng vô tình mi nhảy vào dao sắt.
Ta cũng thế – bị khắp nơi đuổi bắt
Giữa những kẻ thù sắt thép ta qua.

Cũng như mi – ta sẵn sàng chờ đợi
Dù nghe tiếng kèn chiến thắng hoan ca
Nhưng sẽ thử thách máu thịt kẻ thù
Bằng cú nhảy chết người trong lần cuối.

Dù trên tuyết, rồi đây ta sẽ đổ
Sẽ chôn mình trong tuyết trắng quê hương…
Nhưng bài ca về cái chết đau buồn
Sẽ hát ta nghe ở bờ bến nọ.
1921 





TÔI KHÔNG KHÓC

Tôi không khóc, không nài, không thương xót
Như khói trên cành, tất cả đều qua
Hoa táo trắng đã úa vàng, phai nhạt
Tôi đã không còn trẻ lại bao giờ.

Mi giờ đây đã không còn đập mạnh
Con tim này thui chột bởi giá băng
Và xứ sở bạch dương nhung gấm
Không còn xui tôi dạo bước chân trần.

Hồn lãng du! Mi mỗi ngày mỗi ít
Thức dậy lên ngọn lửa ở bờ môi
Vẻ tươi tắn của tôi ơi đã mất
Ánh mắt cuồng và cơn bão lòng tôi.

Giờ tôi ky bo trong nhiều ước muốn
Cuộc đời tôi? Hay chỉ một giấc mơ?
Tựa hồ như buổi sớm xuân vang động
Trên ngựa hồng tôi đã phóng về xa.

Trong đời này chúng ta đều cát bụi
Những cây phong lặng lẽ trút lá vàng…
Đến trọn kiếp xin mang niềm an ủi
Rằng đã đến cuộc đời nảy nở rồi tan.
1921.


SÁNG MAI TẤT CẢ SẼ LÀNH

Tất cả mọi thứ trên đời này chỉ
Được bắt đầu từ những tháng ngày xanh
Giá mà tôi đã không là thi sĩ
Có lẽ đã thành kẻ trộm, lưu manh.

Dù vóc dáng tôi gầy xương, thấp bé
Nhưng anh hùng trong mắt bọn trẻ thơ
Và thường xuyên bao nhiêu lần cũng thế
Mũi rách tả tơi khi trở về nhà.

Nhìn thấy tôi mẹ vô cùng kinh sợ
Tôi từng lời nói rít qua kẽ răng:
“Chẳng sao đâu! Con vấp vào hòn đá
Chỉ đến sáng mai tất cả sẽ lành”.

Và giờ đây khi trong lòng nguội lạnh
Tính ngang tàng, nóng nảy những ngày xưa
Thì có điều gì băn khoăn, lo lắng
Tràn ra thơ như chẳng có bến bờ.

Cả một đống đầy những lời vàng ngọc
Như vẫn còn đeo bám lấy từng dòng
Muốn nhắc lại thuở ngang tàng, gan góc
Của thằng lõi con tính nết lông bông.

Như ngày xưa tôi kiên cường gan góc
Chỉ bây giờ cú đấm mới tinh khôn...
Nếu ngày xưa người đánh tôi vào mặt
Thì giờ đây đang rỉ máu trong hồn.

Và tôi nói với bọn người xa lạ
Một bọn người hèn hạ, lũ lưu manh:
“Chẳng sao đâu! Tao vấp vào hòn đá
Chỉ đến sáng mai tất cả sẽ lành!”
2-1922.


XIN ĐỪNG CHỬI RỦA

Việc thế mà! Xin đừng chửi rủa
Bởi vì tôi đâu phải kẻ buôn lời.
Thật nặng nề cái đầu vặn ngửa
Cái đầu vàng của tôi.

Chẳng còn tình yêu với làng quê, thành thị
Tôi biết làm sao có thể mang về?
Vứt hết cả. Bộ râu dài tôi để
Thành kẻ lãng du đi ngang dọc nước Nga.

Tôi sẽ quên trường ca và sách vở
Và sẽ đeo một cái túi lên vai
Chính vì thế mà trên đồng ngọn gió
Hát cho tôi nhiều hơn hát cho người.

Người tôi bốc lên mùi hành, củ cải
Sẽ buồn lo gương nước lặng buổi chiều
Sẽ hỉ mũi thật to vào tay ấy
Và sẽ điên lên trong tất cả mọi điều.

Tôi cũng chẳng cần nhiều hơn may mắn
Chỉ lãng quên và nghe bão tuyết thôi
Vì nếu thiếu thói ngông cuồng, dớ dẩn
Thì tôi đây không thể sống trên đời.
1922.



TÔI GIỜ ĐÂY KHÔNG CÒN TỰ DỐI MÌNH

Tôi giờ đây không còn tự dối mình
Một nỗi lo trong con tim u ám.
Tôi nổi tiếng là kẻ xì căng đan?
Và tôi nổi tiếng là tên bịp bợm?

Tôi không phá rừng, không người độc ác
Không giết người bất hạnh chốn ngục tù
Tôi chỉ là kẻ lêu lổng, lãng du
Cười với tất cả mọi người tôi gặp.

Tôi – kẻ chơi bời của Mạc Tư Khoa
Khu Tver mọi con đường lớn nhỏ
Trong những hẻm vắng đến từng con chó
Dáng đi nhẹ nhàng của tôi chúng nhận ra.

Từng con ngựa đau khổ đón chào tôi
Gật đầu với tôi mỗi lần gặp gỡ.
Tôi – người bạn của loài muông thú
Chữa vết thương lòng cho muông thú thơ tôi.

Tôi đội mũ không phải vì đàn bà
Con tim tôi không say mê dại dột –
Mà cho tiện lợi, nỗi buồn giảm bớt
Lúa mạch vàng dâng cho ngựa cái tơ.

Giữa mọi người tôi không có bạn bè
Mà lòng tôi say mê vương quốc khác.
Chiếc cà vạt đẹp nhất sẵn sàng cho
Tôi khoác lên cổ từng con chó đực.

Thế nên giờ đây tôi chẳng đau lòng
Đã rõ ràng trong con tim u ám.
Tôi nổi tiếng là kẻ xì căng đan
Và tôi nổi tiếng là tên bịp bợm.
1922.


GIỮA ĐƯỜNG PHỐ MẠC TƯ KHOA

Vâng! Giờ đã quyết rồi không lưỡng lự
Tôi giã từ mãi mãi với quê hương
Trên đầu tôi chẳng còn ngân vang nữa
Tiếng rì rào những cành lá bạch dương.

Ngôi nhà thấp vắng tôi còng lưng xuống
Con chó già của tôi chết từ lâu.
Giữa đường phố Mạc Tư Khoa uốn lượn
Sống chết mặc trời ai biết được đâu.

Tôi thấy yêu thành phố này rắc rối
Dù có vẻ gì phục phịch, già hom
Cái màu vàng của Á châu đắm đuối
Như đã ngủ yên trên những mái vòm.

Rồi những khi trong đêm trời trăng sáng
Trăng trên trời nhưng đâu có nhìn lên
Tôi bước đi đầu tôi hơi cúi xuống
Trên con đường vào quán rượu thân quen.

Trong quán rượu tiếng kêu gào ầm ĩ
Nhưng suốt đêm thâu tận ánh bình minh
Tôi ngồi đọc thơ cho nhiều gái đĩ
Và uống rượu cùng với những lưu manh.

Con tim đập cứ mỗi ngày mỗi mạnh
Và giờ đây tôi nói với mọi người:
“Tôi cũng thế, như các người hư hỏng
Chẳng còn đường quay trở lại cho tôi”.

Ngôi nhà thấp vắng tôi còng lưng xuống
Con chó già của tôi chết từ lâu.
Giữa đường phố Mạc Tư Khoa uốn lượn
Sống chết mặc trời ai biết được đâu.
1922.




HÁT THƯƠNG CHO NHỮNG BÀN TAY

Hãy hát lên. Trên cây đàn nguyền rủa
Những ngón tay lượn múa nửa vòng cung
Trong cơn say này dường như nghẹn thở
Bạn thân yêu ơi, người bạn cuối cùng.

Đừng nhìn sang đôi bàn tay ngà ngọc
Và bờ vai, suối tóc mượt như tơ
Tôi đi kiếm ở đây niềm hạnh phúc
Lại tìm ra cái chết, thật không ngờ!

Tôi đâu biết tình yêu – mầm bệnh hoạn
Đâu biết rằng tình yêu – bệnh kinh niên
Tình đến gần nheo mắt nhìn du đãng
Tôi trở thành kẻ mất trí, cuồng điên.

Hãy hát lên. Gợi cho lòng tôi khóc
Buổi ban đầu tha thiết những ngày qua
Thôi giờ để người ta hôn kẻ khác
Người ta xinh sao lòng dạ xấu xa.

Khoan hãy gượm. Tôi ơi đừng nguyền rủa
Hãy bình tâm. Xin chớ qưở trách người
Hãy để cho tôi hát về mình nhé
Dưới dây trầm tôi hát khúc bi ai.

Tuổi thanh xuân vẫn tuôn chảy không ngừng
Chất trong tim những mối tình mãnh liệt
Biết bao nhiêu cô gái tôi đã nâng
Bao phụ nữ trong góc phòng đã riết.

Có ở đời một sự thật đắng cay
Tôi đã nhìn bằng con mắt thơ dại:
Xin xếp hàng lần lượt những đời trai
Mang sức lực của mình dâng cho gái.

Thì cớ gì tôi lại phải ghen tuông
Thì tại sao phải làm tôi đau đớn
Cuộc đời ta – những là chiếu với giường
Cuộc đời ta – nụ hôn vào vực thẳm.

Hãy hát lên những lời ca đau khổ
Thương những bàn tay bất hạnh đời ta
Chỉ sau khi nói những lời nguyền rủa...
Bạn thân yêu, tôi không chết bao giờ*.
1922.
__________________
*Trong cuộc đời của Esenin có rất nhiều người phụ nữ. Esenin không nói cụ thể như Puskin khi nhà thơ gọi Natalia Goncharova là mối tình thứ 113 của mình mà chỉ nói chung chung kiểu như: “Biết bao nhiêu cô gái tôi đã nâng/ Bao phụ nữ trong góc phòng đã riết…” hoặc “Tôi hạnh phúc đã hôn nhiều phụ nữ…”, “Tôi đã trở thành một gã Đông-Gioăng… vv”. Ngoài tập thơ “Mối tình của tên du đãng” Esenin đề tặng Avgusta Miklashevskaya thì những bài thơ viết về những người phụ nữ khác nhà thơ không chú thích. Nhưng qua nội dung bài thơ này hay cả trong trường ca “Người đen”: “Gọi một người phụ nữ/ Tuổi trên bốn mươi gì đó/ Là cô bé cưng/ Và hư đốn của mình…” thì người ta đã đoán ra người phụ nữ này là Isadora Duncan. “Isadora Duncan (1877-1927) – nữ nghệ sĩ múa, biên đạo, nhà cải cách ba lê Hoa Kỳ. Là một trong những người đặt nền móng cho vũ đạo hiện đại<……> Là người đầu tiên lấy phần nhạc của bài Quốc tế ca để soạn ra phần múa. Duncan chủ trương đưa múa vào giảng dạy tại nhà trường, mở ra một trường phái múa mới (Xem: Đuncan. Từ điển bách khoa Việt Nam. Tập1). Duncan là một phụ nữ nổi tiếng, một thời là vợ của nhà thơ. Hôn nhân giữa Esenin và Duncan là một mẫu mực của những cuộc tình không biên giới. Duncan ngoài tiếng mẹ đẻ (tiếng Mỹ) còn nói thạo tiếng Pháp, tiếng Đức nhưng chỉ biết một vài câu tiếng Nga thông dụng. Còn Esenin ngoài tiếng mẹ đẻ (tiếng Nga) không biết một ngoại ngữ nào nhưng hai người vẫn hoàn toàn hiểu nhau. Họ từng đi du lịch khắp châu Âu và Bắc Mỹ cả năm trời. Và những cái chết bí ẩn của họ cũng khiến cho người đời không thể không suy nghĩ. Esenin tự tử tháng 12 năm 1925 ở Leningrad (nước Nga), theo giả thiết chính thức, là đã thắt cổ bằng caravát còn Duncan hai năm sau chết ở nước Pháp trong một tai nạn ôtô. Chiếc khăn quàng tung bay trong gió của cô dường như có một bàn tay vô hình đem quấn vào bánh xe làm cho cô chết vì bị thắt cổ. Một cái chết đau thương nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Câu nói cuối cùng: “Vĩnh biệt bạn bè, tôi về với vinh quang!”




CHIA TAY VỚI MARIENGOF

Có hạnh phúc mãnh liệt trong tình bạn
Và trong lòng cơn co giật cuồng điên
Thân xác tôi bị ngọn lửa đốt lên
Như một cây nến trắng.

Người dấu yêu! Hãy đưa tay tôi bắt
Bởi một điều, cách khác, chẳng hề quen
Tôi muốn trong phút giây này ly biệt
Rửa mái đầu bằng thứ bọt màu vàng.

Tô-li-a, Tô-li-a, có phải anh
Đã bao lần, đã bao khoảnh khắc
Bây giờ lại, như sữa kia, đông đặc
Quanh quầng mắt không nhúc nhích, đứng yên.

Dưới trăng này tôi và anh tạm biệt
Đợi đến ngày vui, liệu có còn không?
Giữa những người nổi tiếng và trẻ trung
Đối với tôi, anh là người tốt nhất.

Rồi một năm, một thời gian nào đó
Biết đâu ta còn gặp lại nữa mà…
Thật khủng khiếp – trong hồn đang đi qua
Tựa hồ như tình yêu, như tuổi trẻ.

Rồi trong anh người khác sẽ thay tôi
Có phải thế – nghe theo lời to nhỏ –
Mà đôi tai của tôi nức nở
Như mái chèo vỗ óc ách trên vai?

Dưới trăng này tôi và anh tạm biệt
Một ngày vui với tôi sẽ không còn
Nhưng giữa những người rạo rực, trẻ trung
Đối với tôi, anh là người tốt nhất.
1922.


NIỀM VUI SINH THÔ LỖ

Niềm vui sinh thô lỗ
Nỗi buồn sinh dịu dàng.
Tôi chẳng cần gì cả
Không một ai tôi thương.

Chỉ thương tôi chút xíu
Thương con chó không nhà.
Con đường này thẳng ra
Dẫn tôi vào quán rượu.

Những con quỉ, chửi gì?
Hay tôi người xứ khác?
Vì chén rượu mà ta
Đặt những chiếc quần cộc.

Tôi nhìn ra cửa sổ
Trong tim oi và buồn.
Hãy biến đi đường phố
Vào mặt trời xa xăm.

Trên đường cậu bé con.
Nóng, khô bầu không khí.
Cậu bé sướng vô cùng
Cậu đang ngồi ngoáy mũi.

Cứ ngoáy đi, cậu bé
Đưa cả ngón tay luôn
Nhưng mà mạnh như thế
Đừng chui vào trong hồn.

Tôi nhút nhát, rụt rè
Nhìn vào, be một dãy!
Tôi gom những nút be
Đem hồn tôi bịt lại.
1923.




ĐƯỜNG PHỐ NÀY

Đường phố này với tôi quen thuộc lắm
Và tôi rất quen với mái nhà tranh.
Trên cửa sổ ngất ngểu đường dây bện
Được kết bằng rơm rạ màu xanh.

Từng một thời nặng nề bao tai biến
Năm tháng dữ dằn của sức mạnh cuồng điên.
Giờ nhớ lại những ngày xưa thương mến
Giờ nhớ về chốn làng mạc màu xanh.

Tôi không tìm vinh quang hay tĩnh lặng
Đã quen rồi thói danh hão phù hoa
Bây giờ đây khi đôi mắt tôi nhắm
Chỉ nhìn ra ngôi nhà của mẹ cha.

Tôi nhìn thấy trong vườn mưa bụi
Tháng tám mùa thu lặng lẽ đến gần.
Những cây gia với bàn chân tươi rói
Giữ trong vườn tiếng chim hót râm ran.

Tôi đã yêu ngôi nhà này bằng gỗ
Những thanh gỗ tròn trong bếp cháy lưa thưa
Bếp lò ta lạ lùng và hoang dã
Kêu vù vù trong những đêm mưa.

Một giọng nói ồm ồm nghe thổn thức
Khóc cho ai còn sống hay chết rồi.
Mày thấy gì, con lạc đà bằng gạch
Mà kêu rú lên trong tiếng mưa rơi?

Nó đã thấy những miền xa tít tắp
Giấc mơ nào, những ngày tháng nở hoa
Afghanistan cát vàng sa mạc
Và khói sương bàng bạc Bukhara.

Những xứ sở này tôi vẫn biết
Nơi đã từng qua không ít chặng đường.
Giờ còn lại chỉ một điều tha thiết
Là được quay về lại với quê hương.

Nhưng đã tắt cơn mê thiu thiu ngủ
Tất cả tan vào sương khói màu xanh
Hoà bình cho ngươi – cánh đồng rơm rạ
Hoà bình cho ngươi – hỡi mái nhà tranh.
1923.



TÔI MỆT MỎI NHƯ THẾ CHƯA TỪNG

Tôi mệt mỏi như thế chưa từng.
Trong băng giá của mùa đông màu xám
Tôi mơ thấy bầu trời Riazan
Và mơ thấy cuộc đời tôi phóng đãng.

Từng yêu tôi có rất nhiều phụ nữ
Tự mình tôi không yêu nổi một người
Có phải thế, sức mạnh nào hung dữ
Cứ kéo tôi vào với rượu không thôi.

Vô thiên lủng những đêm say suốt sáng
Nỗi buồn trong cơn phóng đãng hoành hành!
Có phải thế mà đôi mắt gặm nhấm
Tựa hồ như những chiếc lá màu xanh?

Tôi không đau khi người ta phụ bạc
Thắng lợi dễ dàng cũng chẳng hề vui
Màu vàng rộm của biết bao mái tóc
Giờ đang chuyển sang màu xám hết rồi.

Đang chuyển sang tro tàn và nước
Khi hiện ra làn sương đục mùa thu.
Tôi chẳng tiếc những tháng năm đã mất
Và không mong trở lại một điều gì.

Tôi mệt mỏi hành hạ mình vớ vẩn
Với nụ cười trên gương mặt lạ kỳ
Tôi thích mặc trên thân hình nhẹ mỏng
Ánh sáng êm, vẻ yên lặng tử thi…

Và bây giờ đã không còn khó nhọc
Bước từ ổ này sang ổ khác lưu manh
Như vào chiếc áo sơ mi trói buộc
Khối bê tông thiên nhiên được biến thành.

Trong người tôi cũng theo điều như thế
Đang trấn an bầu nhiệt huyết điên cuồng
Nhưng dù sao, tôi luôn luôn kính nể
Những cánh đồng một thuở đã yêu thương.

Về miền quê, nơi tôi từ tấm bé
Đã nô đùa trên hoa cỏ màu vàng
Tôi gửi lời chào quạ khoang, chim sẻ
Và cả cú mèo nức nở trong đêm.

Tôi kêu về miền xa thẳm mùa xuân:
“Chim chóc ơi, trong run rẩy màu xanh
Hãy nhắn rằng tôi đã thôi gây chuyện
Để ngọn gió sẽ bắt đầu xao xuyến
Và lúa mạch đen cũng sẽ rùng mình”.
1923?