Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Thơ Sergei Esenin. Phần X. Trường ca NƯỚC NGA XÔ VIẾT

Sergei Esenin. 201 bài thơ Thơ và Trường ca


NƯỚC NGA XÔ VIẾT

Tặng A. Sakharov

Cơn bão đi qua. Chẳng mấy ai lành lặn
Tôi trở về thăm lại chốn quê xưa
Thăm lại người thân, thăm lại bạn bè
Thăm lại nơi đã tám năm rồi vắng bóng.

Biết gọi ai? Biết chia sẻ cùng ai
Niềm vui hay nỗi buồn rằng tôi còn sống?
Chiếc cối xay – con chim còn một cánh
Đứng bên nhà đôi mắt chẳng mở ra.

Chẳng còn ai tôi quen biết nơi này
Những người biết tôi đã từ lâu quên lãng
Còn nơi ngày xưa có ngôi nhà thấp vắng
Giờ còn đống tàn tro che lấp bởi bụi đường.

Nhưng cuộc sống cứ sôi lên
Xung quanh tôi người ta lăng xăng, bận rộn
Trẻ cũng như già
Chẳng còn ai để tôi ngả mũ chào thưa
Chẳng còn trong đôi mắt nào tôi tìm thấy niềm thông cảm.

Trong đầu tôi nảy ra nhiều suy nghĩ:
Quê hương là gì?
Chẳng lẽ chỉ là những giấc mơ?
Với mọi người tôi là kẻ hành hương khắc khổ
Chỉ còn trời thì lại ở rất xa.

Nhưng dù sao tôi vẫn là
Một người dân của xóm
Cái xóm đang và sẽ còn nổi tiếng
Rằng nơi đây có bà mụ đã sinh ra
Một nhà thơ nhiều tai tiếng của nước Nga.

Nhưng lý trí bảo tôi rằng:
“Nghĩ lại đi mi! Sao lại đi hờn dỗi
Đấy chỉ là ngọn lửa mới
Trong ngôi nhà thế hệ khác mà thôi.

Dù sao thì mi đã già thêm một ít rồi
Tuổi trẻ khác họ hát bài hát khác
Đối với họ sẽ trở nên thân thiết
Không phải làng mà cả thế giới này là mẹ quê hương”.

Quê hương ơi! Tôi thành một kẻ buồn cười
Trên má hóp một màu hồng khô khốc
Giữa quê mình tôi như người ngoại quốc
Tiếng của đồng bào trở thành xa lạ với tôi.

Tôi thấy rằng:
Ngày chủ nhật những người dân làng
Trong uỷ ban như trong nhà thờ tụ họp
Bằng những lời nói sần sùi, không trau chuốt
Họ tranh luận với nhau về cuộc sống của mình.

Rồi buổi chiều khi ánh nắng màu vàng
Của hoàng hôn rắc lên những cánh đồng màu xám
Những đôi chân trần của đàn bê ngoài cổng
Giẫm xuống hào nơi có rặng cây dương.

Vẻ thiếu ngủ của người lính bị thương
Cùng với những nét nhăn trên gương mặt
Anh ta kể về vai trò của Budyonny
Những người lính Hồng quân đánh lùi Perêkốp.

“Chúng tôi đã bắt hắn ta như thế
Hắn là… là tên tư sản… ở Crưm…”
Đến những cành phong dài cũng vểnh tai lên
Và những bà nông dân ồ lên trong cảnh trời nhập nhoạng.

Từ trên đồi một tốp đoàn viên Kôm-sô-môn
Họ chơi đàn phong cầm rất nhanh và mạnh
Họ hát những bài hát tuyên truyền của Demyan
Tiếng cười vui vang lên khắp thung lũng.

Thế đó quê hương!
Người sinh ra tôi như vậy
Vẫn nói trong thơ rằng tôi cùng với nhân dân
Nhưng thơ của tôi ở đây chẳng có ai cần
Và cả tôi ở đây cũng chẳng ai cần đến cả.

Tôi biết làm sao được!
Xin lỗi nhé quê hương
Những gì tôi làm được cho Người tôi cảm thấy bằng lòng
Cho dù hôm nay chẳng ai đọc thơ tôi cả
Tôi đã hát về Người khi Người đã đau thương.

Tôi nhận về tất cả.
Với tất cả tôi bằng lòng
Tôi đi theo cách mạng đã sẵn sàng
Tôi dâng hết lòng mình cho Tháng Mười, Tháng Năm
Nhưng riêng thơ của mình tôi xin giữ lại.

Tôi không trao Nàng Thơ cho ai khác
Không cho mẹ, cho vợ hoặc bạn bè
Chỉ có mình tôi là người Nàng Thơ uỷ thác
Những bài hát dịu dàng Nàng chỉ hát cho tôi.

Các bạn trẻ hãy sống vui và khoẻ mạnh lên!
Các bạn có cuộc đời và bài ca cũng khác
Tôi một mình đi về miền không ai biết được
Để muôn đời tâm hồn nổi loạn trở thành ngoan.

Nhưng mà khi đó
Khi khắp nơi trên trái đất này
Sẽ qua đi hận thù bộ tộc
Sẽ không còn giả dối và buồn rầu nước mắt
Thì tôi lại hát
Bằng tất cả nhiệt tình tôi sẽ ngợi ca
Một phần sáu quả đất
Với cái tên ngắn gọn “Nước Nga”.
1924.
  


Ở KAPKAZ

Xưa những nhà thơ Nga nhóm “Parnasse”
Từng khát khao những xứ sở không quen
Và chỉ có một mình Ngươi, Kavkaz
Ngân vang sau màn sương phủ bí huyền.

Nơi đây Puskin trong men tình rực lửa
Nhớ người tình xưa đã viết câu thơ:
“Người đẹp ơi em đừng hát nữa
Bài hát buồn của xứ Gruzia”.

Cũng nơi đây nhà thơ Lermontov
Kể câu chuyện về Azamat hiên ngang
Để đổi con ngựa của Kazbich
Đã đem cô em gái thay cho vàng.

Để xua đi trên gương mặt nỗi buồn
Dòng suối vàng sôi lên vì cơn giận
Như nhà thơ và như một sĩ quan
Đã dùng súng để trấn an người bạn.

Và ở đây chôn Griboedov
Cống vật của ta cho sương khói Ba Tư
Ông nằm ở dưới chân núi lớn
Trong tiếng khóc của đàn Zu-na.

Và bây giờ nơi này tôi lại đến
Tôi đến đây mà không biết nguyên nhân:
Để khóc than cho người xưa thương mến
Hay để trộm xem giây phút cuối của mình!

Sao cũng được! Trong tôi nhiều suy nghĩ
Về những con người vĩ đại đã xa xôi
Chữa lành họ bằng tiếng gào ầm ĩ
Của những dòng sông và thung lũng của Ngươi.

Họ đã chạy đến đây vì quân giặc
Và chạy đến đây để tránh bạn bè
Để chỉ nghe tiếng bàn chân bước
Và để ngắm nhìn những ngọn núi mờ xa.

Còn tôi cũng vì những điều như thế
Để chia tay với du lãng muôn đời
Đã chín muồi trong tôi hồn thi sĩ
Với đề tài sử thi ở trong tôi.

Tôi thấy yêu những vần thơ cháy bỏng
Có Maiakovski và một số nhà
Nhưng Maiakovski là nhà thơ lớn
Ông viết về liên hiệp công-nông nghiệp Mạc Tư Khoa.

Và Klyuev – ông từ vùng Ladozh
Thơ của ông giống như chiếc áo bông
Nhưng hôm qua một mình tôi đã đọc
Và hoàng yến kia đã chết ở trong lồng.

Những người khác chẳng có gì đáng đọc
Họ trưởng thành lên dưới ánh mặt trời
Những trang giấy thậm chí còn bẩn ướt
Họ chẳng nhận ra điều cần thiết cho đời.

Xin lỗi nhé, Kapkaz, tôi về họ
Còn về Ngươi, nói đến chỉ vô tình
Ngươi đã dạy cho thơ Nga tôi đó
Chảy thành tia như ép quả sơn xanh.

Để tôi viết một trường ca thật tuyệt
Một mai này trở lại Mạc Tư Khoa
Để quên đi nỗi buồn không cần thiết
Và để chia tay với thói lãng du.

Để một điều trên quê hương xứ sở
Tôi nhắc hoài nhắc mãi trước khi xa:
“Người đẹp ơi em đừng hát nữa
Bài hát buồn của xứ Gruzia”.
9-1924. 


STANZAS

Tặng P. Chagin

Tôi rất biết
Tài năng của mình.
Làm thơ - không có gì khó nhọc
Nhưng có một điều khác
Là tình yêu với quê hương
Luôn vấn vương
Và hành hạ tôi không ít.

Viết mấy câu thơ
Dường như mọi người đều có thể
Về trăng, sao, về các cô gái trẻ…
Nhưng có một tình cảm khác
Xâm chiếm con tim
Và nhiều ý nghĩ khác
Ngự trị trong đầu không để tôi yên.

Tôi muốn trở thành thi sĩ
Và một người công dân
Để làm gương
Và niềm tự hào cho người khác
Người công dân thứ thiệt
Chứ không phải như người cùng mẹ khác cha
Của đất nước Liên bang Xô Viết.

Tôi đi xa Mạc Tư Khoa biền biệt.
Cũng chẳng cần gì khôn khéo
Tôi hoà giải với công an
Vì những ẩu đả trong quán rượu của mình
Tôi bị họ giữ
Trong trại tạm giam
Tôi cám ơn họ về tình cảm công dân
Nhưng quả là khó khăn
Nằm ngủ trên chiếc ghế cứng
Với hơi rượu còn đầy trong giọng
Tôi đọc một bài thơ suông
Về cảnh cá chậu chim lồng
Thật đáng thương của con chim hoàng yến.

Nhưng tôi không là chim hoàng yến!
Tôi là một nhà thơ!
Và tôi không như kẻ nhếch nhác, vật vờ
Dù có đôi khi tôi là người say rượu
Nhưng trong đôi mắt của tôi
Bừng lên ánh sáng vô cùng kỳ diệu.
Tôi nhìn ra
Và tôi hiểu
Rằng thời đại mới
Không phải những lời suông
Rằng cái tên Lê Nin
Như ngọn gió thổi khắp mọi miền đất nước
Mang đến sự chuyển động cho nghĩ suy và nhận thức
Như ngọn gió cần cho những chiếc cối xay.

Những người thân yêu hãy quay trở về đây!
Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều lợi lộc.
Tôi chỉ là hàng cháu con
Còn các người là hàng chú bác.
Nào, Xéc-gây
Hãy im lặng ngồi xuống đây đọc Mác
Để lĩnh hội sự anh minh
Trong những dòng khô khốc.

Thời gian trôi như những dòng suối chảy
Vào dòng sông mù sương
Thấp thoáng phố phường
Như những con chữ trên trang giấy.
Mấy hôm trước còn ở Mạc Tư Khoa
Mà bây giờ đã Baku rồi đấy.
Còn chuyện làm thơ như vậy
Được gợi lên bởi nhà báo Chagin.

“Kìa, hãy nhìn
Những cái tháp khoan
Có đẹp hơn tháp nhà thờ không cơ chứ
Và những giếng phun dầu mỏ
Có khác gì những huyền bí trong sương
Điều gì sống động hơn
Xin nhà thơ hãy hát”.

Dầu trên mặt nước
Như cái chăn của người Ba Tư
Và buổi chiều
Rắc sao khắp bốn phía
Nhưng tôi rất chân thật
Xin thề rằng
Những chiếc đèn lồng
Tuyệt vời hơn sao ở Baku.

Tôi nghĩ về sức mạnh của nền công nghiệp
Và tôi nghe ra sức mạnh của con người.
Ta hoàn toàn có thể
Gom ánh sáng trên trời
Và rất dễ
Làm ra trên mặt đất này.

Tôi đưa bàn tay
Vỗ nhẹ lên ngực
Rồi nói với mình:
“Đã đến lúc
Nào, Xéc-gây
Hãy im lặng ngồi xuống đây đọc Mác
Để lĩnh hội
Sự anh minh trong những dòng khô khốc”.
1924.


LÊ NIN

Đoạn trích từ trường ca “Gulyai-Polye”.

Khi pháp luật còn chưa được củng cố
Đất nước xôn xao như buổi xấu trời
Trước tự do chúng ta còn lớ ngớ
Ta chồm lên như người bị quất roi.

Ôi xứ sở thân thương! Ôi nước Nga!
Một nỗi đau trong lòng ta thắt lại.
Bao năm rồi trên cánh đồng chẳng nghe
Tiếng chó sủa và tiếng gà trống gáy.

Bao năm rồi cuộc đời ta tĩnh lặng
Đã mất đi những lề thói hằng ngày.
Như đồng cỏ và như thung lũng
Bị người ta đào bới khắp nơi.

Tiếng rên rỉ và bước chân rầm rập
Kêu ầm vang tiếng xe tải ngựa thồ
Khắp bốn phía đều nghe tiếng guốc
Tiếng leng keng tôi nhìn thấy trong mơ.
Vây quanh ta tất cả là binh sĩ
Thấy rõ rành chứ đâu phải trong mơ
Thực tế đây, không hề mộng mị
Ngựa đi như nước chảy
Hết đội này tiếp đến đội kia
Họ đi về đâu? Chiến tranh đã xảy ra?
Trên thảo nguyên không nghe lời nói
Trăng có sáng không, tôi không hiểu nổi
Hay người kỵ sĩ để móng sắt rơi ra?
Tất cả đều rối mù…

Nhưng tôi hiểu ra:
Trên quê hương khắp mọi chốn
Lửa và gươm sáng loáng
Người ta dùng giải quyết mối bất hoà.
. . . . . .

Ôi nước Nga –
Tiếng ngân vang bí huyền, khủng khiếp
Trong cây bạch dương, trong màu hoa tuyết.
Ông từ đâu đến
Ông kêu gọi người ta nổi loạn?
Thiên tài nghiêm khắc! Ông lôi cuốn tôi
Không phải bằng dáng vẻ bên ngoài.
Ông không ngồi lên yên ngựa
Ông không bay ngoài dông tố.
Không chém cổ, chặt đầu
Không như người lính mưa nắng dãi dầu.
Chỉ một điều ông thích
Là săn chim cun cút.

Đối với ta, ông là anh hùng
Ta yêu những người đeo mặt nạ màu đen
Còn ông với nước mắt như con trẻ
Trên xe trượt tuyết mùa đông.
Và ông không mang đầu tóc
Như những người mà phụ nữ thích
Ông với vầng trán mênh mông
Cái nhìn của ông khiêm tốn vô cùng
Ông giản dị và dễ gần
Trong mắt tôi ông là người như thế.
Nhưng không hiểu bằng sức mạnh nào
Mà ông làm chuyển rung thế giới
Và ông đã làm rung chuyển…
Gió hãy nổi lên!
Cuốn hết gông xiềng
Hãy rửa sạch làu
Vết nhục xiềng gông và tôn giáo.
. . . . . .
Đã từng có một thời tàn khốc
Ta làm theo những thế lực điên cuồng
Trên nỗi khổ của những người nông dân
Đã phất lên sự phồn vinh đế quốc.
. . . . . .
Chế độ quân chủ thối nát!
Hàng thế kỷ nay chỉ biết tiệc tùng
Giới quý tộc đem bán chính quyền
Cho chủ nhà băng và tài phiệt.
Nhân dân đang rên xiết
Đất nước chờ đợi một người…
Và ông đã đến.
. . . . .
Ông bằng những lời mạnh mẽ, hùng hồn
Dẫn chúng ta theo con đường mới
Ông nói rằng: “Để chấm dứt đau khổ
Phải giành tất cả về tay công nhân
Để cứu chúng ta chỉ có một con đường
Đó là chính quyền Xô Viết”.
. . . . . .
Và ta xông lên trong tiếng gào bão tuyết
Nơi đôi mắt ông hướng về
Ta đến nơi ông đã nhìn thấy hết
Mang về cho tất cả các bộ tộc tự do.
. . . . . .
Và bây giờ ông mất đi…
Tiếng khóc làm ta choáng váng.
Không còn nghe giọng của Nàng Thơ.
Từ những khẩu đại bác to
Vang lên những phát súng
Rằng người cứu chúng ta đã không còn.
Ông không còn nhưng những người còn sống
Sẽ tiếp tục sự nghiệp của ông
Để đất nước như dòng sông cuộn chảy
Sẽ kết thành một khối tựa bê-tông.

Đối với họ
“Lê Nin không bao giờ chết!”
Cái chết không dẫn đến đau buồn.
. . . . . .
Sẽ nghiêm khắc và sẽ cứng rắn hơn
Họ biến sự nghiệp của ông thành hiện thực…
1924.
  

NƯỚC NGA ĐÃ MẤT

Vẫn còn nhiều đièu ta chưa hiểu nổi
Những học trò của chiến thắng Lê Nin
Và những bài ca mới
Ta vẫn theo giọng cũ hát lên
Như ông bà dạy ta từ tấm bé.

Bạn bè của tôi ơi!
Đất nước đang bị phân chia
Trong niềm vui sôi lên một nỗi buồn đau đớn!
Chính vì thế mà tôi muốn
Xách quần lên
Chạy theo những đoàn viên thanh niên cộng sản.

Tôi không đổ lỗi cho người đã mất
Lấy đâu những người già
Đuổi theo người trẻ?
Họ như lúa mạch trồi gốc rễ
Thối mục ra rồi vãi rắc đầy.

Và tôi, tự mình tôi
Không già, không trẻ
Tôi chỉ là hạt bụi với thời gian
Có phải vậy mà trong quán rượu, tiếng đàn
Gợi cho tôi một giấc mơ dịu ngọt?

Đàn ghi ta thân thương
Hãy hát vang lên!
Cô gái Xứ-gan hãy chơi bài gì đó
Để cho tôi quên những tháng ngày ăn phải bả
Chẳng biết gì đến yên lặng, dịu êm.

Tôi đổ lỗi cho chính quyền Xô viết
Chính vì thế mà tôi giận hờn
Rằng thời tuổi trẻ thân thương
Tôi không thấy gì trong đấu tranh người khác.

Thế tôi thấy gì?
Tôi chỉ thấy toàn trận mạc
Vâng, thay cho bài hát
Là tiếng ca-nông
Chẳng thế mà tôi với cái đầu tóc vàng
Tôi chạy khắp hành tinh đến kiệt sức.

Nhưng dù sao, tôi là người hạnh phúc
Trong sấm chớp bão giông
Tôi tìm ra những ấn tượng sâu sắc vô cùng
Cơn gió lốc trang điểm cho số phận
Và cuộc đời tôi những cánh hoa vàng.

Tôi người không mới!
Chẳng có gì giấu nổi
Rằng tôi để trong quá khứ một bàn chân
Và mong muốn đuổi theo đoàn quân
Tôi bị trượt và ngã bàn chân khác.

Nhưng cũng còn những người khác
Những người
Bị lãng quên và bất hạnh hơn tôi
Họ như hạt cám trên sàng
Những sự kiện họ không tài nào hiểu nổi.

Tôi biết họ
Và tôi nhìn thấy:
Những con mắt của bò cũng chẳng buồn hơn
Giữa những lo toan vặt vãnh đời thường
Như cái đầm nhuốm hồng máu họ.

Vào cái đầm này ai người ném đá?
Xin đừng động đến họ!
Rồi sẽ thấy mùi hôi
Tự họ sẽ từ giã cõi đời
Như cây mùa lá rụng.

Và có những kẻ khác
Những kẻ tin rằng
Sẽ nhìn vào tương lai dè dặt
Dò trước tính sau
Họ nói về cuộc đời mới làu làu.

Tôi nghe. Và tôi nhìn vào kỷ niệm
Những nông dân đặt điều, thêu dệt chuyện:
“Với chính quyền Xô viết ta như chuột hải ly
Hoa vải thôi… chứ đẹp nhất làm gì…”

Những người này họ chỉ cần ít ỏi
Cả đời họ rặt chỉ thấy
Bánh mì và khoai tây.
Vậy thì tại sao tôi chửi rủa đêm ngày
Số phận mình đắng cay và không may mắn?

Tôi đến phát ghen
Với người cả đời ra trận
Để bảo vệ tư tưởng lớn
Còn tôi giết tuổi trẻ của mình
Chẳng còn gì, dù là chút hoài niệm mong manh.

Đây qủa là vụ xì-căng-đan!
Một vụ xì-căng-đan lớn!
Tôi phải xa một thời gian
Bởi tôi đã có thể làm
Những điều không phải thế
Rằng những cái tôi làm chỉ để đùa cho thiên hạ.

Đàn ghi ta thân thương
Hãy hát vang lên!
Cô gái Xứ-gan hãy chơi bài gì đó
Để cho tôi quên những tháng ngày ăn phải bả
Chẳng biết gì đến yên lặng, dịu êm.

Tôi biết rằng nỗi buồn không dùng rượu để dìm
Tâm hồn không bao giờ lành lặn
Bằng sự hoang vu và đập phá cuồng điên.
Bởi thế mà tôi muốn
Xách quần lên
Chạy theo những đoàn viên thanh niên cộng sản.
1924



Thơ Sergei Esenin. Phần IX. Trường ca TRỞ LẠI QUÊ HƯƠNG

Sergei Esenin. 201 bài thơ Thơ và Trường ca


NGƯỜI ĐÁNH TRỐNG TRỜI

1

Ê, những kẻ tôi đòi
Bụng bám vào mặt đất
Bây giờ mắt trăng từ dưới nước
Ngựa đã uống hết rồi.

Những ngôi sao như lá vàng đang rót
Xuống những dòng sông trên đồng.
Cách mạng muôn năm
Cả trên trời, dưới đất!

Ta ném hồn như bom
Vãi ra tiếng còi bão tuyết.
Ta sợ gì nước bọt
Nhổ vào cánh cổng trời xanh?

Có phải ta sợ những thống soái
Của bầy khỉ trắng kia chăng?
Thế giới này như đội kỵ binh
Khát khao những bờ bến mới.

2

Nếu đây là mặt trời
Trong âm mưu cùng với chúng
Thì ta giương súng
Cả hàng ngũ hướng vào.

Nếu đây là mặt trăng
Người bạn của thế lực kia đen tối
Thì ta sẽ từ trời xanh
Ném đá ào ào vào gáy.

Ta xua hết mây đen
Những con đường nhào đất
Quả đất như lục lạc
Lên cầu vồng treo lên.

Còn ngươi hãy ngân vang
Mẹ – mặt đất ẩm ướt
Về rừng, về cánh đồng
Của mền quê xanh mướt.

3

Hỡi những người lính, những người lính
Chiếc roi da lấp lánh trên vòi rồng
Ai tình hữu ái và tự do mong muốn
Người đó coi cái chết tựa lông hồng.

Hãy đoàn kết chặt chẽ như bức tường!
Những ai căm ghét màn sương và khói
Bằng bàn tay đã chai sần người ấy
Giật mặt trời làm một chiếc trống vàng.

Giật mặt trời và bước đi trên đường
Rót lời gọi trên những hồ sức mạnh
Trong bóng tối của nhà thờ và đinh
Thành màu trắng của một bầy khỉ trắng.

4

Hãy vững tin rằng chúng ta sẽ thắng!
Rằng bến bờ mới mẻ chẳng xa xăm
Móng vuốt trắng tinh của từng ngọn sóng
Sẽ cào cấu lên những bãi cát vàng.

Sắp tới đây một đợt sóng cuối cùng
Sẽ vẩy lên mặt trăng nhiều vô kể
Và con tim – ngọn nến sau ngày lễ
Của công xã và quần chúng nhân dân.

Da sạm đen, đoàn kết một đoàn quân
Ta đi lên đoàn kết toàn thế giới
Ta đi lên bằng nhiệt tình sôi nổi
Và đám mây của bầy khỉ sẽ tan.

Ta đi lên, còn ở sau rừng cây
Xuyên qua màn sương, xuyên qua màu trắng
Người đánh trống trời của ta sẽ đánh
Sẽ đánh vào chiếc trống – mặt trời.
1918-1919.



SOROKOUST
(Những lời cầu nguyện cho người chết trong 40 ngày)
Tặng A. Mariengof

1

Tù và chết đang thổi!
Còn ta biết làm sao được bây giờ
Trên những con đường lầy lội?

Các ngươi, những kẻ yêu bọ chét
Các ngươi có muốn chăng……..

Đầy ắp vẻ dịu dàng trên gương mặt
Yêu hoặc không yêu – cứ nhận lấy cho mình.
Thật dễ chịu khi hoàng hôn trêu chọc
Và trút vào những đôi mông chắc nịch
Cái chổi nào thấm máu của bình minh.

Sắp tới đây giá lạnh bằng bụi vôi nhuộm trắng
Ngôi làng này và những đồng cỏ kia.
Sẽ không còn nơi để ẩn náu kẻ thù
Sẽ không còn nơi lẩn tránh.
Và đây, kẻ thù với cái bụng
Bằng sắt, và sẽ xoè rộng bàn tay.

Chiếc cối xay gió cũ sẽ vểnh đôi tai
Cối xay gió nghe hơi và tiên đoán
Và con bò trong sân im lặng
Vì đầu óc của mình đã rót hết cho bê con
Bên bờ giậu cọ cái lưỡi của mình
Cảm nhận ra trên cánh đồng có điều chi tai họa.

2

Phía sau làng, có phải là vì thế
Mà tiếng phong cầm nức nở khóc than:
Ta-li-a-la-la, ti-li-gôm
Treo trên khung cửa sổ trắng.
Và ngọn gió mùa thu màu vàng
Có phải vì thế mà chạm vào mặt nước màu xanh
Như chiếc bàn chải ngựa kia bằng sắt
Chải sạch lá vàng từ những cây phong.
Đang bước đi một người đưa tin khủng khiếp vô cùng
Bước chân khệnh khạng đập vỡ những cánh rừng.
Và tất cả những bài ca đều trở nên buồn bã
Sau tiếng kêu của ễnh ương trong rơm chí choé.
Ô, bình minh điện khí hoá
Bằng dây đai và vẻ ôm choàng
Lên bụng những mái nhà con
Đang thức dậy một cơn sốt bằng gang thép! 






Các ngươi có nhìn thấy chăng
Đang chạy trên thảo nguyên
Trong sương hồ đang cắt
Thở phì phò bằng lỗ mũi sắt
Một con tàu trên bàn chân gang?

Còn sau lưng
Trên hoa cỏ rậm
Như trong cuộc đua tuyệt vọng
Vắt đôi chân nhỏ lên đến tận đầu
Con ngựa nhỏ tung bờm đang phóng?

Kẻ khờ khạo dễ thương
Nó về đâu cố theo cho kịp?
Chẳng lẽ nó không biết rằng con ngựa bằng da bằng thịt
Đành chịu thua ngựa bằng thép bằng gang?
Chẳng lẽ nó không biết rằng trên những cánh đồng
Bước chân xưa đã không còn quay trở lại
Khi mà hai cô gái Nga xinh đẹp nơi đồng nội
Bị đem dâng để lấy ngựa – một kẻ mục cư?
Số phận nơi bán mua đã khác hẳn bây giờ
Lạch nước sâu thức dậy bằng tiếng kêu cót két
Dùng hàng nghìn pút da ngựa và cả thịt
Người ta đem mua đầu máy bây giờ.

4

Vị khách kinh tởm kia, quỉ hãy bắt mi đi!
Bài hát của ta và mi không thể nào quen nổi.
Ta chỉ tiếc rằng từ cái thời ta hãy còn nhỏ tuổi
Đã không phải dìm mi như cái xô xuống đáy giếng sâu.
Giờ chúng vẫn đứng và nhìn ngó mà chẳng u sầu
Tô những bờ môi trong những nụ hôn bằng sắt
Chỉ có ta, như người hát thánh ca, đành phải hát
Lời nguyện cầu cho tổ quốc yêu thương.
Chính vì thế mà trong tháng chín u buồn
Trên mặt đất khô và lạnh lẽo
Đập đầu vào bờ giậu
Quả thanh lương trà đỏ như máu đang tuôn.
Chính vì thế mà đâm rễ nỗi buồn
Trong tiếng đàn ta-lian-ka thành chuỗi
Và chàng thợ cày mê mải
Đắm chìm trong “nước mắt quê hương”.
1920
________________

*Phần 3 của tác phẩm nói về một biến cố hiện thực. Trong bức thư gửi Livshits E. N. , Esenin viết: “Điều này đã làm tôi cảm kích… chỉ nỗi buồn thú vật thân thương đã mất và sức mạnh khủng khiếp, chết chóc của cơ giới. Một ví dụ về điều này. Chúng tôi đi tàu từ Tikhoretskaya đến Piattigorsk, bỗng nghe thấy tiếng kêu và chúng tôi ngó qua cửa sổ thấy một con ngựa non chạy đuổi theo con tàu và không hiểu sao nó lại nghĩ rằng sẽ vượt con tàu. Con ngựa chạy đuổi rất lâu nhưng cuối cùng đã đuối sức và đến một ga nào đấy người ta đã bắt lấy nó. Sự kiện này với ai đó thì không có gì nhưng với tôi nó nói lên rất nhiều điều. Con ngựa sắt đã thắng con ngựa bằng xương thịt. Và con ngựa non, đối với tôi, là hình ảnh về làng quê đang dần chết…” Những bài thơ “Tôi – thi sĩ cuối cùng của nông thôn”; “Thế giới của ta cổ xưa, bí ẩn”… cũng đều về đề tài này.
Nguyễn Bính của Việt Nam đã từng tê tái với cảnh “hoa xoan đã nát dưới chân giày..” và đã rất khổ sở khi thấy cô em đi tỉnh về mặc áo cài khuy bấm nhưng sợ mất lòng em ông đã không dám nói ra, mà chỉ thầm van xin cô hãy giữ lấy cái vẻ quê mùa với quần nái đen, khăn mỏ quạ. Còn Esenin của nước Nga, trước đó mấy chục năm, đã phát khóc lên khi thấy con ngựa bằng xương bằng thịt đành chịu thua ngựa bằng thép bằng gang… Ta thấy hai nhà thơ này có những nét thật giống nhau.



LỜI TỰ THÚ CỦA TÊN DU ĐÃNG

Không phải ai cũng biết hát
Không phải người nào cũng được trời cho
Quả táo rơi dưới chân người khác.

Này là lời thú nhận lớn nhất
Do một tên du đãng xưng lời.

Tôi cố ý để đầu tóc rối bời
Với cái đầu như cây đèn trên vai.
Mùa thu lụi tàn của tâm hồn người khác
Tôi thích trong bóng tối soi lên.
Tôi thích những hòn đá sỉ nhục
Ném vào tôi như mưa đá cơn giông
Khi đó tôi chỉ nắm tay thật chặt
Cái bong bóng nghiêng của mái tóc mình.

Rất dễ chịu tôi nhớ về khi đó
Cái đầm rêu, giọng khản của cây sồi
Bố mẹ tôi hiện sống ở đâu đó
Bố mẹ chẳng hề cần đến thơ tôi
Như máu thịt, ruộng đồng, tôi quí họ
Và như mưa xuân tưới xuống cỏ cây.
Họ lấy cào đánh vào các ngươi đó
Vì mỗi tiếng kêu các người ném vào tôi.

Những người nông dân tội nghiệp!
Bố mẹ, có lẽ, đã không còn đẹp
Và vẫn hay sợ Chúa, sợ đầm lầy
Ôi, giá mà bố mẹ hiểu con đây
Rằng con trai bố mẹ ở nước Nga này
Là nhà thơ ưu tú nhất!
Có phải con tim bố mẹ đã từng lạnh ngắt
Khi con nhúng đôi chân trần vào vũng nước mùa thu
Thế mà bây giờ con đi ngao du
Mũ cao sang, giày bóng mượt.

Nhưng trong hắn vẫn còn vẻ ham mê ngày trước
Của cái dòng ngổ ngáo nông thôn.
Với mỗi con bò đeo tấm biển của quầy hàng thịt
Hắn đã cúi chào từ chốn xa xăm.
Và khi gặp những người xà ích
Hắn lại nhớ mùi phân của ruộng đồng
Hắn sẵn sàng nâng đuôi từng con ngựa
Như váy cưới nàng dâu trong lễ tân hôn.

Tôi yêu quê hương
Tôi yêu quê hương mình tha thiết!
Dù quê hương có nỗi buồn da diết
Cái miệng lem luốc của con ngựa làm cho tôi thích
Và trong đêm khuya tiếng ếch nhái dặt dìu.
Tôi đau đớn ngọt ngào bằng hoài niệm ấu thơ
Mơ về khói sương của những chiều tháng tư.
Có vẻ như đang ngồi sưởi ấm
Cây phong nhà trước đống lửa bình minh
Trên cây phong có biết bao nhiêu là trứng quạ khoang
Và tôi đã từng trèo lên ăn cắp trứng!
Không biết bây giờ có còn xanh trên ngọn?
Và có như xưa, chắc chắn lớp vỏ bì?

Còn con chó thân yêu kia
Con chó trung thành và loang lổ?!
Mày già trở nên mù và kêu the thé
Kéo cái đuôi lòng thòng mày chạy quanh sân
Không còn đánh hơi ra đâu bánh mì, đâu cửa.
Những trò nghịch ngợm kia tao quí hóa
Khi mẹ sắp những mẩu bánh mì tròn
Tao cùng với mày, theo lượt cắn ăn
Không xâm phạm của nhau dù một chút.

Tôi giờ vẫn như ngày trước
Tấm lòng tôi vẫn như xưa.
Như cây thỉ xa, nở hoa trên gương mặt.
Trải chiếc chiếu thơ
Tôi muốn nói ra những lời dịu ngọt.

Chúc ngủ ngon!
Chúc tất cả ngủ ngon!
Giọt sương reo vang trên hoa cỏ hoàng hôn
Và hôm nay tôi vô cùng muốn
Đái từ cửa sổ vào trăng…

Ánh sáng màu xanh, ôi ánh sáng màu xanh!
Trong màu xanh này chết đi không thấy tiếc.
Nhưng mà tôi nghĩ rằng trơ trẽn thật
Gắn mình vào cái đuôi của ngọn đèn!
Chòm sao Phi mã xưa tốt bụng ghé thăm
Nhưng liệu ta có cần nước kiệu ngươi chầm chậm?
Ta đến đây như bậc thầy cứng rắn
Để hát ngợi ca những chú chuột đồng
Cái đầu ta tựa như ngày tháng tám
Rót rượu nho của mái tóc măng.

Tôi muốn làm một cánh buồm màu vàng
Về xứ sở mà chúng ta muốn đến.
1920



TRỞ LẠI QUÊ HƯƠNG 

Tôi trở về thăm quê cũ 

Về thăm ngôi làng nhỏ 

Nơi tôi đã từng sống thuở ấu thơ 

Nơi cái chòi gỗ bạch dương của nhà thờ 
Vút lên tháp chuông không còn cây Thánh giá. 

Có biết bao nhiêu đổi thay nơi đó 
Trong cuộc sống thôn quê lạc hậu, nghèo nàn 
Và có biết bao điều khám phá 
Bám theo tôi sau mỗi bước chân. 

Ngôi nhà cha mẹ thân yêu 
Tôi đã không còn nhận ra được nữa 
Cây phong quen thuộc không còn đung đưa bên cửa sổ 
Và mẹ tôi không còn ngồi bên bục cửa 
Ném cháo mạch ra sân nuôi những chú gà. 

Mẹ đã già, chắc vậy, đã già 
Vâng, mẹ đã già 
Tôi buồn bã ngắm nhìn quanh bốn phía 
Sao chẳng có vẻ gì quen thuộc cả! 
Chỉ ngọn đồi vẫn trắng xoá như xưa 
Và dưới chân đồi 
Một hòn đá màu xám rất to. 

Đây là bãi tha ma! 
Những cây Thánh giá lắc lư 
Tựa như người chết trong trận đánh giáp la cà 
Những cánh tay cứng đờ giang rộng còn vật vã. 

Một ông già đang quét lá 
Trên con đường nhỏ về phía tôi. 
“Ơi ông bạn già ơi 
Làm ơn chỉ giùm tôi 
Nhà bà Tatyana Esenina với”. 

“Nhà bà Tatyana… 
Sau ngôi nhà gỗ này. 
Thế cậu là ai? 
Người bà con? 
Hay là thằng con trai phiêu bạt?” 

“Vâng ạ, là con trai 
Nhưng mà ông già sao lại thế này 
Hãy nói cho con nghe 
Có điều gì làm ông buồn bã vậy?” 

“Ừ, ông buồn cháu ạ 
Ông buồn vì cháu không nhận ra ông!…” 
“Thì ra đây là ông của cháu hay sao?” 
Thế rồi bắt đầu một câu chuyện buồn rầu 
Bằng nước mắt rơi lên những cành hoa bụi. 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 

“Cháu hình như đã gần ba mươi tuổi 
Còn ông đã chín mươi 
Sắp sửa về chín suối 
Đã đến lúc chia tay với cuộc đời”. 
Ông nói mà trán ông nhăn lại 
“Chà!… Thời buổi!… 
Thế con có vào đảng không?” 
“Dạ thưa, không!…” 
“Thế mà các em con đã vào đoàn 
Như thế để làm gì không biết! 
Ngày hôm qua tranh Thánh chúng đem vứt hết 
Cây Thánh giá cũng đã bị gỡ ngoài nhà thờ. 
Chẳng còn nơi để cầu nguyện nữa bây giờ. 
Ông chỉ còn nước đi vào rừng 
Cầu nguyện những cây dương… 
Chỉ còn cách như vậy… 
Thôi ta đi về nhà 
Rồi con sẽ thấy”. 
Và chúng tôi đi trên con đường bên mép ruộng 
Tôi mỉm cười với đồng đất, cánh rừng 
Còn ông buồn rầu nhìn cái tháp chuông. 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 

“Chào mẹ, con chào mẹ!” 
Tôi đưa khăn lau giọt nước mắt rơi 
Đến con bò cũng phải khóc lên thôi 
Khi nhìn thấy cảnh nghèo nàn như thế. 

Tờ lịch trên tường với bức ảnh Lê Nin 
Đấy là cuộc đời của các cô em gái 
Chứ không phải của tôi 
Nhưng tôi sẵn sàng quì xuống ngắm nhìn Người 
Ơi quê hương của tôi yêu dấu. 

Hàng xóm chạy sang thăm… 
Một người phụ nữ với đứa bé con. 
Không còn ai nhận ra tôi – những người hàng xóm. 
Con chó già theo kiểu của Bai-rơn* 
Đã đón tôi bằng tiếng sủa vang trước cổng. 

Ôi quê mẹ dấu yêu! 
Người không trở thành như tôi muốn 
Không phải. 
Và tôi, tất nhiên, cũng thay đổi rất nhiều 
Ông và mẹ càng buồn và thất vọng bao nhiêu 
Thì càng cười vui bấy nhiêu các cô em gái. 

Tất nhiên, Lê Nin với tôi không là thần tượng 
Tôi biết thế giới này… 
Và tôi yêu gia đình tôi… 
Nhưng dù sao tôi vẫn nghiêng mình cúi xuống 
Rồi sau đấy tôi ngồi lên chiếc ghế dài. 

“Nói điều gì đi em gái của anh!” 
Em gái tôi mở cuốn “Tư bản” 
Như mở quyển Thánh Kinh 
Em nói về Các Mác 
Về Ăng-ghen… 
Còn tôi, tất nhiên 
Những sách này không bao giờ tôi đọc. 

Tôi cảm thấy buồn cười 
Như cô bé nhí nhảnh 
Đang tóm lấy cổ tôi… 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 
Con chó già theo kiểu của Bai-rơn 
Đã đón tôi bằng tiếng sủa vang trước cổng. 
6-1924. 
----------------------- 
*Esenin nhắc đến con chó già sủa “theo kiểu của Bai-rơn” là dựa vào câu chuyện con chó với người hành hương trong trường ca nổi tiếng của Bai-rơn “Chuyến hành hương của Sai-đô Ha-rôn” (Childe Harold’s Pilgrimage). 

'And now I'm in the world alone, 
Upon the wide, wide sea: 
But why should I for others groan, 
When none will sigh for me? 

Perchance my dog will whine in vain, 
Till fed by stranger hands; 
But long ere I come back again, 
He'd tear me where he stands. 

Và bây giờ một mình đơn độc 
Lênh đênh trên sóng, xa nhà 
Ai người đáng cho ta thương khóc? 
Ai người đang khóc vì ta? 

Chỉ con chó ta nuôi, có thể 
Còn nhớ thương ta ít nhiều 
Nhưng người khác cho ăn, nó sẽ 
Quên người chủ trước từng yêu. 
(Bản dịch của Thái Bá Tân)

Thơ Sergei Esenin. Phần VIII. Trường ca NƯỚC NGA


Sergei Esenin. 201 bài thơ Thơ và Trường ca


NƯỚC NGA XƯA

1

Ngôi làng nhỏ chìm sâu trong thung lũng
Những mái nhà con che khuất bởi cánh rừng.
Chỉ nhìn thấy nơi gò cao, nơi trũng
Một màu xanh vời vợi của trời xanh.

Chó sói dữ từ cánh đồng trơ trụi
Quen bóng tối dài đằng đẵng mùa đông.
Quanh khắp sân sáng ngời lên sương muối
Và tiếng ngựa kêu khụt khịt trong chuồng.

Sau cành lá như đôi mắt cú vọ
Bão tuyết nhìn vào những chiếc khăn nâu
Và đứng sau lưới gỗ sồi dúm dó
Như quỉ ma những cuộn sợi gai dầu.

Chuyện ma quỉ luôn làm ta sợ hãi
Rằng trên sông băng có những hố sâu
Rằng những buổi tối mùa đông tê tái
Trên bạch dương treo những sọi dây màu.

2

Nhưng tôi yêu người, tổ quốc mến yêu ơi!
Tại vì sao - điều tôi không thể nói
Tôi yêu niềm vui ngắn ngủi của người
Yêu tiếng hát mùa xuân trên đồng nội.

Yêu biết bao tiếng đàn muỗi vo ve
Trên khu lều những đêm mùa cắt cỏ
Khi các chàng trai dạo đàn ta-lin-ka
Các cô gái nhảy vòng quanh bếp lửa.

Lung linh như phúc bồn tử đen huyền
Những đôi mắt sau bờ mi rực lửa.
Nước Nga của tôi, tổ quốc yêu thương
Tôi sung sướng nằm lăn trên thảm cỏ.

3

Quạ đen kêu báo tin điều tai hoạ
Tiếng kêu dài inh ỏi giữa tầng không
Rừng nổi gió, cây ngả mình bốn phía
Nước dưới hồ sủi bọt trắng màu tang.

Tiếng sấm nổ chẻ trời ra từng mảng
Những đám mây đen trùm lấy khu rừng
Từ màu vàng lẻ loi còn chút sáng
Ngọn đèn trời tàn lụi giữa không trung.

Sau cửa sổ những chàng trai nhập ngũ
Đã được giao nhiệm vụ tới chiến trường
Những người phụ nữ tiễn đưa nức nở
Tiếng khóc dài đâm thủng cả tầng không.

Những thợ cày tập trung nhau lặng lẽ
Không nước mắt, không than vãn, buồn rầu
Họ đem chất những bánh mỳ vào bị
Rồi lên đường bằng một chiếc xe trâu.

Những người dân theo họ đến cổng làng
Rồi nói với họ những lời gì đó.
Nước Nga ơi, đâu rồi những anh hùng
Điểm tựa của Người trong thử thách gian khó.

4

Ngôi làng nhỏ ngóng chờ tin mòn mỏi
Ai biết giờ này nơi ấy ra sao?
Tin tức đâu, thư từ đâu chẳng thấy
Chốn đạn bom biết sống chết thế nào?

Mùi trầm hương thơm lừng trong rừng nhỏ
Tiếng gõ đều trong ngọn gió nhức xương.
Bỗng một hôm không ai ngờ đến cả
Có những người mang đến một chồng tin.

Những người thợ cày nâng niu quyển sổ
Người ta đưa cho ký nhận thư từ
Các cô gái đưa bàn tay chộp lấy
Dải băng viền quanh ở những bức thư.

Họ dồn thư cho cô Lusha đọc
Xúm vòng quanh gạn hỏi hết mọi điều
Ngồi chồm hỗm nghe tin rồi họ khóc
Khóc để mừng chiến thắng của người yêu.

5

Ơi những cánh đồng, luống cày tươi rói
Người đẹp hơn trong đau khổ của mình.
Tôi yêu những túp lều tranh đứng đợi
Những mẹ già tóc đã chẳng còn xanh.

Tôi cúi xuống nâng niu đôi giày bện
Hoà bình cho các ngươi liềm hái cày bừa.
Qua ánh mắt những nàng dâu tôi đoán
Số phận người chồng đang ở chiến trường xa.

Tôi bằng lòng với nghĩ suy yếu dại
Dù có trở thành hạt bụi, cây rêu.
Tôi tin hạnh phúc với những người con gái
Ngọn nến sáng lên như ánh sao chiều.

Ý nghĩ họ, xem chừng không thể đếm
Họ chẳng sợ gì sấm chớp, bão giông
Sau cái cày những ước mong thầm kín
Chẳng mơ về cái chết hoặc xiềng gông.

Họ tin vào những dòng thư nguệch ngoạc
Được viết ra với khó nhọc, nặng nề
Họ khóc đón niềm vui và hạnh phúc
Như trong mùa đại hạn đón cơn mưa.

Với ý nghĩ người thân xa vời vợi
Trên cỏ hoa còn đọng giọt sương trong
Họ cảm thấy hình như sau làn khói
Tiếng cười vui mùa cắt cỏ trên đồng.

Ôi nước Nga, tổ quốc mến yêu ơi
Chỉ tình yêu với Người tôi gìn giữ
Tôi yêu niềm vui ngắn ngủi của Người
Yêu tiếng hát mùa xuân trên đồng nội.
1914.


ĐỒNG CHÍ

Anh là con một công nhân bình thường
Và câu chuyện kể về anh rất ngắn.
Chỉ có điều tóc anh như màu đêm
Và đôi mắt màu xanh, rất diễn cảm.

Bố của anh suốt từ sáng đến chiều
Nai lưng ra làm để nuôi con nhỏ
Nhưng mà anh không phải làm gì cả
Anh có hai người bạn: Chúa và mèo.

Con mèo của anh điếc đặc và già
Không nghe ra con ruồi hay con chuột
Còn Chúa ngồi ở trên tay Đức Mẹ
Nhìn các con sống ở dưới mái nhà.

Mác-tin sống vậy, không một ai quan tâm
Ngày gõ vào đời như mưa rơi trên sắt
Chỉ thỉnh thoảng sau bữa ăn trưa buồn
Bài Mác-xây-e bố dạy cho anh hát.

“Khi lớn lên - ông nói – con sẽ hiểu
Tại sao ta nghèo con sẽ nhận ra!”
Và con dao cùn run run, vặn vẹo
Trên đồ ăn một mẩu bánh mì khô.

Nhưng ngoài cửa sổ
Bằng ván
Có hai ngọn gió
Vẫy cánh.

Với dòng nước
Mùa xuân
Nhân dân Nga
Đứng dậy…

Ngọn sóng ầm ầm
Cơn dông ca hát!
Từ màn sương màu xanh
Cháy lên những đôi mắt.

Tay vẫy rồi lại vẫy
Thây trên thây đè lên
Cái răng chắc của mình
Phá tan nỗi sợ hãi.

Tất cả như bay lên
Tất cả đều lên tiếng.
Vào cái miệng mở toang
Nguồn nước mạch chảy đến…

Và có người đã chết
Giây phút cuối thật buồn
Nhưng mà hãy tin rằng
Trước thù không sợ sệt!

Hồn người đó, như xưa
Vững vàng, không sợ hãi
Và vẫn còn ước mơ
Bàn tay không thấm máu.

Người đó đã sống cuộc đời
Chẳng vô tình những bông hoa bị nát
Nhưng không giống với các người
Ơi những giấc mơ đã tắt…

Bỗng bất ngờ, đột ngột
Được báo cho Mác-tin
Một tin đau đớn rằng
Bố của anh đã chết.

Với đôi mắt mờ đục
Và đôi môi tái xanh
Anh quì xuống phủ phục
Ôm lấy xác cha mình.

Nhưng anh chau bờ mi
Đưa tay chùi giọt lệ
Rồi chạy vào trong nhà
Đứng lên dưới tượng Chúa.

“Chúa có nghe, có thấy
Tôi đây chỉ một mình
Tôi đang gọi Ngài đấy
Bạn của Ngài – Mác-tin!

Bố tôi bị giết rồi
Nhưng chết không hèn nhát
Ông đang gọi chúng tôi
Chúa tôi trung thành nhất.

Gọi chúng tôi đấu tranh
Giúp những người đang sống
Giữ chí khí của mình
Vì công bằng, lao động!..”

Và âu yếm nghe theo
Lời của đứa con yêu
Đức Chúa nhảy xuống đất
Từ bàn tay chắc nịch.

Người đi tay nắm tay
Còn bóng đêm đen thẫm
Điều tai hoạ dâng đầy
Vẻ yên lặng màu xám.

Ước mơ sinh hy vọng
Về tự do muôn đời
Hai bờ mi mơn trớn
Cơn gió nhẹ tháng Hai.

Nhưng bỗng nhiên lóe sáng
Vang lên khẩu súng đồng
Ngã xuống vì trúng đạn
Hỡi ôi Đức Chúa con.

Hãy nghe đây:
Sự hồi sinh đã mất!
Xác anh ta đem chôn cất:
Anh nằm
Trên cánh đồng
Mác-xơ.

Ở nơi kia còn lại mẹ già
Nơi mà anh ta
Không bao giờ quay về nữa
Giờ đang ngồi bên cửa sổ
Con mèo già
Dùng chân bắt ánh trăng xa…

Mác-tin bò trên sàn:
“Hỡi những con đại bàng dũng mãnh
Bắt bỏ tù
Bắt hết các anh!”
Giọng Mác-tin yếu dần
Có ai đấy đè, ai đấy bóp
Rồi tiếng súng vang lên.

Nhưng lặng lẽ ngân vang
Sau cửa sổ
Khi mờ khi tỏ
Lại vang lên
Một lời
Sắt đá:
“Chính thể Cộng-hoà!”
3-1917.




SÁCH THÁNH CA

1

Ơi quê hương hạnh phúc
Và thời gian tuyệt vời!
Không có gì tốt đẹp
Hơn đôi mắt của Người.

Cho các ngươi, màn sương
Cho cừu trên cánh đồng
Tựa như chùm lúa mạch
Trên tay tôi vầng dương.

Lễ Phục sinh thiêng liêng
Lễ Giáng sinh thần thánh
Để mà thức đến sáng
Mà uống cho say mềm.

Vai ta lắc bầu trời
Tay ta rung bóng tối
Trong lúa mỳ cằn cỗi
Ta hít thở lúa trời.

Nước Nga quê hương ơi
Ơi thảo nguyên và gió!
Trên phòng nhỏ vàng úa
Lót ổ tiếng sấm trời.

Nuôi gió bằng kiều mạch
Thung lũng – lời nguyện cầu
Đồng đất cày xanh màu
Giúp ta con bò đực.

Và không một hòn đá
Qua bẫy đá, cung tên
Ta chẳng thể đào lên
Thiếu bàn tay của Chúa.

2

“Đức Mẹ Maria!
Những bầu trời hát ca
Trên những đồng vàng ánh
Suối tóc hãy rót ra.

Hãy rửa mặt chúng tôi
Bằng cánh tay đất đai.
Phía sau những dãy núi
Những con tàu đang bơi.

Hồn người chết trong đó
Kỷ niệm đến muôn đời.
Ai khổ đau than thở
Xiềng xích chẳng buông lơi.

Người kêu trong bóng đêm
Và người đánh bằng trán
Qua dấu hiệu bí ẩn
Cánh cửa chẳng mở thêm.

Nhưng ai bước ra đây
Nhận ra trong khoảnh khắc!
Ta bằng mái của mây
Đè những ai mù mắt”.

3

Ơi Đức Chúa Trời
Có phải Người
Ru mặt đất trong mộng
Tinh cầu chiếu bụi bặm
Trên mái tóc chúng tôi.

Rì rào bá hương trời
Qua màn sương và hố
Trên thung lũng tai hoạ
Những cục lời rụng rơi.

Chúng hát về một thời
Của đất và nước khác
Trên những cành cứng nhắc
Mồm trăng cắn không thôi.

Thì thầm về những bụi
Rừng rậm không đi qua
Nơi nhảy múa hát ca
Cơn mưa vàng đầu gối.

4

Vị cứu tinh trên ấy!
Đồi núi hát thiên đường.
Trong thiên đường tôi thấy
Gương mặt của quê hương.

Dưới cây sồi Mô-ri-xơ
Ông già tôi hung đỏ
Chiếu lên áo ông già
Sao dày như hạt đỗ.

Và chiếc mũ lông mèo
Ông đội trong ngày lễ
Như mặt trăng nhìn vào
Tuyết trên những ngôi mộ.

Trên đồi tôi kêu ông:
“Ơi Đức Cha hãy đáp…”
Nhưng bá hương mơ màng
Thả những cành xuống thấp.

Giọng nói không bay đến
Bến bờ ông xa xăm
Tựa như bông lúa vang
Tuyết dưới đất lên tiếng.

“Hãy đứng dậy, hãy nhìn!
Số phận không biết được.
Ai người nếm trải hết
Sẽ biết được thời gian.

Sẽ gọi lên trên đó
Bằng ống lửa và gió
Và đám mây nanh vàng
Cắn vào rốn sông Ngân.

Bụng dạ trút ào ào
Quyền hành đem thiêu huỷ
Nhưng ai mơ trinh nữ
Sẽ bước vào tàu sao”.
1917.




BỒ CÂU GIOÓC-ĐA-NI

1

Đất của tôi màu vàng!
Đền mùa thu màu sáng!
Bầy ngỗng kêu oang oang
Hướng về đám mây trắng.

Những linh hồn biến dạng
Không đếm hết, một đoàn
Từ mặt hồ cất cánh
Bay
lên vườn địa đàng.

Phía trước, thiên nga buồn
Như rừng, trong đôi mắt
Có phải Người khóc chăng
Ơi nước Nga đã mất?

Hãy bay đi, đừng đập
Tất cả đều có thời
Gió thổi vào bài hát
Bài hát đến muôn đời.

2

Bầu trời như quả chuông
Mặt trăng như cái lưỡi
Còn mẹ là quê hương
Tôi – người bôn sê vích.

Vì tinh thần đoàn kết
Của vũ trụ, con người
Những bài thơ tôi viết
Ca cái chết của người.

Lực lưỡng và khỏe mạnh
Đến cái chết của người
Tôi dùng trăng tôi đánh
Vào quả chuông – bầu trời.

Cho những người đồng hương
Những bài thơ tôi viết
Tôi nghe trong màn sương
Những lời ca thật tuyệt.

3

Đến đây rồi, đây con chim bồ câu*
Trên lòng bàn tay bồ câu gieo gió
Cuốn lên ánh bình minh trên đồng cỏ
Đồng cỏ Gioóc-đa-ni của tôi.

Tôi ca tụng Người, xứ sở màu xanh
Những ngôi sao chen chúc giữa tầng không
Bây giờ tôi lại hướng về thiên đường
Đôi bàn tay của tôi đã giơ lên.

Tôi nhìn thấy những cánh đồng vui
Có một bầy ngựa, lông màu hung nhạt
Với ống sáo của mục đồng liễu hát
Sứ đồ Anđrây đang bước dạo chơi.

Chứa chất đầy nỗi đau và giận dữ
Ở đằng kia, nơi ngoài mép rìa làng
Trút nỗi bực mình, một nàng trinh nữ
Đang dùng roi quất những chú lừa con.

4

Hỡi con người, những anh em của tôi!
Tất cả chúng ta, một khi nào đấy
Sẽ theo nhau ta đi về chốn ấy
Nơi vẫn giẫm mòn một giải sông Ngân.

Đừng tiếc thương những kẻ đã đi xa
Cứ mỗi giờ có những người từ giã
Về chốn ấy hoa linh lan đua nở
Còn tốt hơn dưới những cánh đồng ta.

Giữ tình yêu – số phận ăn của đút
Hạnh phúc không sống mãi đến muôn đời.
Ai hôm nay đang người yêu dấu nhất
Mai trở thành kẻ hành khất mà thôi.

5

Ô, ngày mới, về đây, ô ngày mới
Ngày xuyên qua những đám mây đen!
Chàng trai trẻ, đầu mặt trời tươi rói
Lại gần ta, bờ giậu hãy ngồi lên.

Hãy trao cho ta mái tóc của ngươi
Để ta dùng lược của trăng ta chải.
Cái phong tục đón chào khách như vậy
Dưới mặt đất ta học đã lâu rồi.

Cái bóng sồi Mô-ri-xơ rất cổ**
Với ngọn đồi ta đều có họ hàng
Bằng cơn mưa lên những đồng vàng úa
Đã đến thăm ta Ngài Abraham.

Ngươi hãy ngồi lại gần đây, lên bậc
Rồi nghiêng mình lặng lẽ xuống bờ vai
Ngôi sao xanh ta đem làm nến thắp
Ta thắp sáng lên trước mặt nhà ngươi.

Và cho ngươi ta sẽ nguyện cầu
Ngợi ca miền Gioóc-đa-ni ngươi đó…
Đến đây rồi, đây con chim bồ câu
Trên lòng bàn tay bồ câu gieo gió.
1918.
____________
*Bồ câu Gioóc-đa-ni: Theo truyền thuyết là con bồ câu đã bay trên đầu Chúa Giê-su khi Chúa hiện ra trên bờ sông Gioóc-đa-ni sau khi Ngài chịu Giăng làm phép báp-têm ở dưới sông (Tân Ước_Mác1:9, 10).
**Cây sồi Mô-ri-xơ: Hình tượng trong sách Thánh. Esenin giải thích khái niệm này trong bài “Những mạch nước Maria”(Esenin đề tặng A. Mariengof tháng 10-1918): “Cây tượng trưng, có nghĩa là “gia đình”… trong Do Thái giáo cây này có tên là cây sồi Mô-ri-xơ… Chúng ta là con cháu của cây này, những hạt giống của cây sồi hoàn vũ…” Có thể so sánh với hình ảnh cây Bồ đề trong đạo Phật, nơi Đức Phật đã ngồi tu luyện trong 49 ngày đêm để tìm ra chân lý.




LỜI KÊU GỌI

Hãy vui lên!
Mặt đất đã đệ trình
Một cái chậu nhà thờ mới nhất!
Đã cháy hết
Những cơn bão tuyết màu xanh
Và con rắn đã mất
Cái nọc đọc của mình.

Ôi tổ quốc
Cánh đồng nước Nga của tôi
Và các anh, những đứa con của Người
Hãy dừng lại đây
Bên bờ giậu
Hãy ca tụng mặt trăng, mặt trời
Mặt trăng, mặt trời của Chúa!

Còn trong những vườn trẻ
Một ngọn lửa hồi sinh
Của khắp mọi nơi trên trái đất
Thành phố mới Nazareth(1)
Trước mặt các anh.
Và những mục sư ca tụng
Một buổi sáng
Ánh sáng sau những ngọn đồi…

Điều kỳ diệu của nước Anh hãy cúi xuống
Và hãy tung ra trên biển!
Sự thần kỳ phương bắc của ta
Những đứa con nước Anh không thể nhận!

Và ngươi sẽ không nhận ra thần tượng
Không nghe ra tiếng gọi kín thầm
Vì ánh mắt nhìn mờ sương
Và trên đôi môi của ngươi – tấm thảm.

Tất cả ngang bướng hơn, tất cả phí hoài
Cái miệng ngươi bóng tối không nắm bắt.
Không, trong vườn trẻ ngươi không nói ra sự thật
Cho Chúa Jêsus Christ của ngươi!

Nhưng hãy biết điều này
Những kẻ đang ngủ say:
Có một ngôi sao từng sáng rực
Ngôi sao của Phương Đông!(2)
Và vua Herod không thể dập tắt
Bằng máu của những đứa bé con…

“Nàng Salome hãy nhảy cẫng lên!”
Đôi chân của nàng nhẹ nhàng như đôi cánh.
Và hãy hôn bằng đôi môi vô hồn
Nhưng giờ đóng đinh của nàng sắp đến!
Và đã đứng dậy Ngài Giăng
Kiệt sức vì vết thương
Nâng lên từ dưới đất
Cái đầu lâu bị cắt
Và đôi môi của Ngài
Lại vang lên lời
Lại dọa dẫm
Cả thành phố Sodom:
“Hãy hồi tâm lại!”

Ôi những con người, những anh em của tôi
Các anh ở đâu? Đáp lời tôi nhé
Tôi không cần người tráng sĩ
Không biết gì sợ hãi trên đời.

Tôi không cần chiến thắng của ngươi đâu
Tôi không cần cống phẩm!
Tất cả chúng tôi là táo và anh đào
Của khu vườn xanh thắm.

Tất cả chúng tôi – những chùm nho trĩu nặng
Của mùa hè vàng
Chúng tôi có đầy đủ đến ngày tận cùng
Cả ấm áp và ánh sáng!

Ai đó khôn ngoan không thể tả
Tất cả đều giống như mình
Cho người sống – bằng bài ca hát lên
Cho người chết – giấc ngủ trong ngôi mộ.

Ai đó dạy chúng tôi và yêu cầu
Đo đếm và nhận thức.
Chúng tôi sinh ra đời đâu phải vì giết chóc
Mà để tin và để yêu nhau!
1917
___________
(1)Nazareth – thành phố quê hương của Chúa Giê-su Christ.
(2)Ngôi sao Phương Đông: ngôi sao báo tin Chúa Giê-su ra đời (Tân Ước_Ma-thi-ơ 2:1-12).
–Vua Herod (73-4 tr CN) – vị vua tàn bạo, thích quyền lực, giết hết những ai là đối thủ. Theo truyền thuyết đã giết hết bé trai từ 2 tuổi trở xuống khi nghe tin Chúa Giê-su ra đời. (Tân Ước_Ma-thi-ơ 2:16).
–Salome: con gái của Herodias, là một cô gái xinh đẹp và quyến rũ. Trong ngày sinh nhật vua Herod nàng đã nhảy múa giữa những người dự tiệc làm vua rất thích và hứa sẽ cho nàng điều chi nàng muốn. Nàng Salome, theo lời xui của mẹ, bảo vua rằng nàng muốn cái đầu của Giăng Báp-tít (John the Baptist). Vua rất buồn nhưng vẫn sai chém đầu Giăng như nàng yêu cầu… (Tân Ước_Ma-thi-ơ 14: 6-11).
–Thành phố Sodom (Sodom and Gomorah) – là thành phố trong Kinh Thánh (Tân Ước_Ma-thi-ơ 10:15; 11: 20-24).
Hai khổ thơ trên đây của Esenin nói về một sự tích trong Kinh Thánh. Trước Esenin, sự tích này cũng đã từng được nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Oscar Wilde (1854-1900) chuyển thành vở kịch Salome nổi tiếng thế giới. Trong vở kịch này nàng Salome có phần đam mê mãnh liệt hơn, mọi tình tiết cũng phức tạp và gay cấn hơn. Giăng là một vị Thánh, xa lạ với những quyến rũ thân xác của phụ nữ nên ông thẳng thừng từ chối… Nhưng Salome không chịu đầu hàng: đã không chiếm đoạt được người tình bằng xương bằng thịt thì vẫn có được người tình, dù là xác chết… Vở kịch này cho thấy một sự ghen tuông, thói đỏng đảnh tai ác của phụ nữ trong tình yêu. Chính nàng Salome của Wilde (chứ không phải của Kinh Thánh) trong suốt hơn một trăm năm nay là nguồn cổ vũ cho rất nhiều nhà đạo diễn, nhiều hoạ sĩ, nhạc sĩ trong sáng tạo của mình.

Thơ Xécgây Êxênhin. Phần VII - NHỮNG TÌNH YÊU CUỐI

Sergei Esenin. 201 bài thơ Thơ và Trường ca



ĐÊM MÀU XANH 

Đêm màu xanh và đêm đầy trăng
Ta xưa trẻ trung, xinh đẹp đã từng.

Không giữ lại và không hề lặp lại
Tất cả bay qua… bay xa… bay mãi…

Ánh mắt nhạt nhòa, con tim giá băng…
Hạnh phúc màu xanh! Ôi những đêm trăng!
05-10-1925


BÌNH NGUYÊN TUYẾT TRẮNG

Bình nguyên tuyết trắng, trăng màu trắng
Chiếc áo quan trùm kín cả đất trời.
Những cây bạch dương khóc trong rừng vắng
Ai chết nơi này? Ai chết? Chính là tôi?
1925


ÔI BÃO TUYẾT

Ôi bão tuyết, rõ mi đồ quái quỉ
Đóng hàng đinh trắng toát lên mái nhà.
Chỉ có ta, chỉ mình ta không sợ
Con tim ngang tàng ta đóng tiếp vào mi.
1925


TẠM BIỆT NHÉ, BẠN TÔI

Tạm biệt nhé, bạn tôi, xin tạm biệt
Bạn thân yêu, bạn trong trái tim này
Dù biệt ly theo ý trời định trước
Vẫn hẹn rằng sẽ gặp gỡ ngày mai.

Tạm biệt nhé, chẳng lời, không tay bắt
Chớ để nỗi buồn dâng ngập bờ mi
Trên đời này cổ xưa là cái chết
Nhưng sống, tất nhiên, cũng chẳng mới gì.
1925


ÁO MÀU TRỜI

Áo màu trời và màu xanh đôi mắt
Tôi không hề nói cho em sự thật.

Em hỏi tôi: “Bão tuyết có xoáy không?
Để lấp lò sưởi và đi trải giường?”

Tôi trả lời em: “Từ trên cao lắm
Có ai đấy rắc đầy hoa bụi trắng.

Em lấp lò đi và hãy trải giường
Không có em anh nghe bão trong lòng”.
1925.


CƠN BÃO KHÓC

Như cây vĩ cầm, cơn bão khóc
Cô gái dễ thương, nụ cười ác độc
Tôi rụt rè trước ánh mắt màu xanh?
Cần nhiều thứ và nhiều thứ không cần.

Ta chẳng giống nhau và thật xa xôi
Em còn trẻ, còn tôi sống hết rồi.
Hạnh phúc cho tuổi trẻ, còn cho tôi – kỷ niệm
Là đêm tuyết trắng trong cơn gió lạnh.

Cơn bão tố với tôi là vĩ cầm
Trong lòng tôi sóng gió nụ cười em.
10-1925.



TẠM BIỆT NHÉ, BAKU!

Tạm biệt nhé, Baku! Không còn gặp lại.
Một nỗi buồn đau, sợ hãi trong hồn.
Con tim này đớn đau, gần gũi
Và mạnh hơn, lời giản dị: bạn thân.

Tạm biệt nhé, Baku! Màu xanh Tuyếc
Máu lạnh tanh, sức lực yếu dần.
Nhưng ta mang hạnh phúc này đến chết
Ngọn sóng Caxpiên, tháng Năm Balakhan.

Tạm biệt nhé, Baku! Như bài ca đơn giản
Lần cuối cùng ôm người bạn thân thương…
Như bông hồng vàng, cái đầu của bạn
Gật đầu trong làn khói tử đinh hương.
5-1925.


NHƯ CHIM KHÔNG CÁNH

Bầu trời xám, em nhìn xem, đẹp thế
Treo lửng lơ, dán vào ánh mắt nhìn
Em đừng nghĩ anh không tin Thượng Đế
Thế tại sao anh cầu nguyện hằng đêm.

Anh cần lắm, anh rất cần cầu nguyện
Và anh mong hơi ấm của người ta
Để hồn anh như con chim không cánh
Từ mặt đất này không thể bay xa.
10-1925.


LÒNG VẪN NHỚ VỀ EM 

Người yêu ơi, anh nhớ
Mái tóc em sáng ngời
Chẳng dễ dàng, mừng rỡ
Phải xa em, em ơi.

Anh nhớ mãi những đêm
Rừng bạch dương xao động
Ngày khi đó ngắn hơn
Ánh trăng thu dài rộng.

Anh nhớ mãi lời em:
“Thời gian trôi thấm thoắt
Anh mãi mãi quên em
Khi bên người yêu khác”.

Hôm nay cành hoa nở
Nhắc lại mối tình xưa
Êm đềm tay anh thả
Lên tóc những cánh hoa.

Con tim không quên được
Kỷ niệm xưa êm đềm
Giờ bên người yêu khác
Lòng vẫn nhớ về em.
1925.



ĐÊM TRĂNG 

Đêm trăng sáng thế này tôi chẳng thể! 
Biết làm sao ngủ được dưới trăng này
Tôi hình như vẫn đang còn gìn giữ
Ở trong lòng tuổi trẻ đã vụt bay.

Người bạn gái của một thời xa vắng
Trò chơi này em chớ gọi yêu thương
Thà cứ để ánh trăng này yên lặng
Đến cùng anh trăng rọi xuống đầu giường.

Vẻ bạo dạn nhường này thôi cứ để
Ánh trăng thanh vẽ những nét ngoằn ngoèo
Bởi chia tay bây giờ em chẳng thể
Như ngày xưa em đã chẳng biết yêu.

Trong cuộc đời yêu chỉ một lần thôi
Và bởi thế em thành người xa lạ
Những cây gia cứ vô ích gọi mời
Dìm trong tuyết những đôi chân nghiêng ngả.

Anh cũng biết mà lòng em cũng biết
Rằng giờ đây chỉ còn ánh hồi quang
Trên cành cây giờ chẳng còn hoa đẹp
Trên cành cây chỉ còn tuyết và sương.

Rằng từ lâu chúng mình đã chia tay
Anh và em đều đã yêu người khác
Nên chẳng băn khoăn, phiền muộn lúc này
Chơi lại trò chơi tình yêu không đắt.

Nhưng mà thôi hãy ôm nhau ve vuốt
Trong lửa tình hừng hực của nụ hôn
Cho anh nhớ mãi người yêu thưở trước
Và con tim này mơ mãi mùa xuân.
30-11-1925.


ĐỪNG NHÌN NHƯ TRÁCH MÓC

Đừng nhìn anh bằng cái nhìn trách móc
Giờ với em chẳng dấu vẻ coi thường
Nhưng anh yêu ánh mắt như mời mọc
Và nét dịu dàng, nhí nhảnh, dễ thương.

Anh cứ ngỡ như em nằm sóng sượt
Và có khi nhìn thấy thế anh vui
Như cáo già đang giả vờ nằm chết
Chộp xong mồi lại ngơ ngác con nai.

Thì chộp đi, anh đâu còn nhút nhát
Chỉ mong sao đừng nguội lạnh đam mê
Cảnh tượng này bao lần anh đã gặp
Giữa hồn anh đã đau đớn, ê chề.

Nên em ạ, chẳng yêu nữa bây giờ
Em chỉ nhắc anh một thời vang bóng
Giờ nhìn em anh lại nhớ người xưa
Người con gái có đôi mắt xanh thắm.

Dù người ấy không có nét dịu hiền
Và có lẽ vẻ ngoài hơi lãnh đạm
Nhưng dáng đi của người ấy trang nghiêm
Đã lay động giữa hồn anh sâu thẳm.

Người như thế làm sao anh quên nổi
Em nói rằng em chẳng muốn xa anh
Anh vẫn nghe điều vuốt ve giả dối
Dù con tim em chẳng tự dối lòng.

Nhưng dù sao, với em dẫu coi thường
Anh cứ băn khoăn một điều muôn thưở:
Giá như không còn địa ngục, thiên đàng
Thì con người cũng nghĩ ra tất cả.
1-12-1925. 



ĐỪNG ĐỐT LẠI LẦN SAU

Em chẳng yêu cũng chẳng hề thương tiếc
Hay tại vì anh chẳng mấy đẹp trai?
Đừng nhìn anh cho đam mê mỏi mệt
Mà đôi tay em hãy khoác vai này.

Em nhiệt thành với tuổi trẻ xinh tươi
Anh với em chẳng dịu dàng, không thô lỗ
Nói cùng anh đã âu yếm với bao người?
Bao bàn tay, đôi môi em còn nhớ?

Anh vẫn biết đều qua như bóng tối
Chẳng mảy may phai nhạt bớt lửa tình
Đã bao người em ngồi lên đầu gối
Và bây giờ em ngồi vậy cùng anh.

Thôi cứ để đôi mắt kia hờ khép
Em nghĩ về người nào đó xa xôi
Anh bây giờ chẳng còn yêu tha thiết
Tình yêu xưa anh đã để mất rồi.

Đam mê này chẳng gọi là duyên số
Phút say sưa bột phát của một ngày
Khi tình cờ anh và em gặp gỡ
Cười với nhau rồi lặng lẽ chia tay.

Rồi em lại đi tiếp chặng đường em
Quên những ngày chẳng lấy gì vui vẻ
Chỉ xin đừng động đến kẻ chưa hôn
Người chưa cháy xin em đừng gọi nhé.

Nếu một ngày em dạo chơi trên phố
Với người tình em kể chuyện tình yêu
Và có thể ngay trong giờ phút đó
Cũng tình cờ hai ta lại gặp nhau.

Em ngả vào vai người ấy thật gần
Rồi em nói với anh lời nhỏ nhẹ,
Một chút hơi hơi cúi xuống: “Chào anh!”
Anh cũng đáp lại lời em: “Chào chị!”

Và trong lòng chẳng có gì lo sợ
Và trong lòng không một chút nôn nao
Người đã yêu, chẳng thể nào yêu nữa
Kẻ cháy rồi, đừng đốt lại lần sau.
4-12-1925.


KHÔNG CAM CHỊU 

Có thể sớm, cũng có thể muộn màng
Có một điều lâu nay chưa hề nghĩ:
Tôi đã trở thành một gã Đông-Gioăng
Với chút dại khờ, mộng mơ thi sĩ.

Có điều gì xảy đến với tôi chăng?
Cứ mỗi ngày lại ngồi bên người khác
Cứ mỗi ngày tôi đánh mất lòng thương
Không cam chịu cảnh người ta phụ bạc.

Tôi vẫn mong con tim này dần bớt
Đập nhẹ nhàng, rung những nhịp giản đơn
Tôi chỉ muốn tìm trong bao đôi mắt
Những điều vu vơ, gian dối, lạnh lùng.

Hãy giữ lấy tôi, điều tôi khinh bỉ
Tôi vẫn luôn để ý vẻ coi thường
Trong lòng tôi giờ lạnh lùng rên rỉ
Tiếng xạc xào của nhánh tử đinh hương.

Giữa hồn tôi - ánh hoàng hôn dần tắt
Tất cả bây giờ nghe thấu mù sương
Vì tự do tôi chịu điều trừng phạt
Thách thức này hãy nhận lấy Đông-Gioăng!

Và bình tĩnh tôi nhận lời thách thức
Nhưng nhìn ra cũng thế, chẳng gì hơn
Hoa mùa xuân với tôi là bão tuyết
Và tình yêu là những phút xao lòng.

Đấy là điều đã xảy đến với tôi
Nên từ đó cứ tìm bao người khác
Để muôn năm được hạnh phúc mỉm cười
Không cam chịu cảnh người ta phụ bạc.
13-12-1925. 




CHỈ LÀ NGƯỜI MƠ MỘNG

Anh là ai? Chỉ là người mơ mộng
Màu mắt xanh nhòa trong khói sương tan
Cuộc đời này anh như người ở tạm
Giữa mọi người đang sống ở trần gian.

Anh lại hôn em như một thói quen
Bởi vì anh đã hôn bao người khác
Chẳng khác gì như bật một que diêm
Rồi đi nói những lời yêu chân thật.

“ Em thân yêu”, “muôn đời”, “yêu dấu nhất”
Nhưng trong lòng cũng vẫn thế mà thôi
Và tất nhiên, chẳng còn đâu sự thật
Nếu say mê đã thui chột trong người.

Và bởi thế lòng anh không cứng rắn
Chẳng hề mong, không đòi hỏi lửa tình
Em của anh - cây bạch dương di động*
Trời sinh em cho thiên hạ và anh.

Nhưng trong khi đi tìm người thân thiết
Anh lại luôn mỏi mệt bởi thờ ơ
Giờ với em chẳng hề ghen một chút
Và với em không trách cứ bao giờ.

Anh là ai? Chỉ là người mơ mộng
Màu mắt xanh nhòa trong khói sương tan
Và anh đã yêu em nhưng mà cũng
Như mọi người đang sống ở trần gian.
1925.
--------------------
* “Cây bạch dương di động” ở đây là Sofia Tolstaya – cháu gái của Đại văn hào Lev Tolstoy – người phụ nữ cuối cùng đã cố gắng cứu vớt cuộc đời của Esenin đang khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng nhưng dường như đã muộn màng. Cuộc hôn nhân của họ đã không hạnh phúc. Cuối tháng 12-1925 Esenin đi từ Mạc Tư Khoa về Leningrad không cho vợ biết và đã tự kết thúc cuộc đời mình khi nhà thơ mới 30 tuổi. 




EM SẼ NHỚ VỀ ANH 

Những bông hoa bảo tôi rằng: vĩnh biệt
Những nụ hoa cúi xuống giọng đau buồn
Rằng mãi mãi tôi không còn được biết
Mặt hoa hồng và gương mặt quê hương.

Nhưng em ạ, dù sao thì anh đã
Thấy mặt đất này và đã thấy em
Nên giờ đây trước phận mình nghiệt ngã
Anh vui lòng nhận cái chết dịu êm.

Và bởi vì anh đã từng hiểu được
Đã đi qua cuộc sống với nụ cười
Anh vẫn nói rằng trong từng khoảnh khắc
Mọi thứ trên đời đều lặp lại thôi.

Đến một ngày rồi sẽ có một người
Chẳng xua đi nỗi đau người đi trước
Và người đó sẽ viết cho em tôi
Những bài ca đẹp hơn điều mong ước.

Rồi em yêu sẽ ngồi với người tình
Cùng lắng nghe bài ca trong đêm tối
Và biết đâu em sẽ nhớ về anh
Như bông hoa không bao giờ lặp lại.
27-10-1925.


http://thoeseninsongngu.blogspot.com/