Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Thơ Sergei Esenin. Phần IV - MỐI TÌNH CỦA TÊN DU ĐÃNG

Sergei Esenin. 201 bài thơ Thơ và Trường ca


THÚ VUI CÒN LẠI

Giờ còn lại một thú vui duy nhất
Cho ngón tay vào miệng húyt sáo vang
Một tin đồn xấu xa bay đi khắp
Rằng tôi kẻ hay gây sự, tục tằn.

Thật buồn cười nghe tin đồn như thế
Trong cuộc đời nhiều mất mát đắng cay .
Thật xấu hổ đã từng tin Thượng Đế
Lại đau lòng không tin nữa giờ đây.

Như khung cảnh nhìn từ xa vàng ánh
Ngọn lửa cuộc đời cháy sáng trong đêm.
Tôi thô lỗ và tôi hay sinh chuyện
Là để cho mình được cháy sáng lên.

Nhiệm vụ nhà thơ là xoa và đánh
Với quyền hành mà số phận ban cho.
Tôi muốn cóc đen và hoa hồng trắng
Được lên duyên chồng vợ ở trong thơ.

Dù ước mơ của một thời hoa đỏ
Đã không trở thành hiện thực như mong
Nhưng nếu quỷ trong hồn tôi lót ổ
Thì thần tiên cũng sống ở trong lòng.

Vì lẽ đó tháng ngày xanh sôi nổi
Đã lên đường bay về chốn xa xôi
Tôi chỉ muốn khi trong giờ phút cuối
Xin một điều ở người đến với tôi:

Vì tội lỗi của tôi là rất nặng
Vì không tin vào thần thánh thiêng liêng
Hãy đặt tôi vào áo quan màu trắng
Của nước Nga dưới tượng Thánh ngủ yên.
1923.
 

NGỌN LỬA MÀU XANH

Rạo rực trong lòng ngọn lửa màu xanh
Giờ anh đã quên ngôi nhà cha mẹ
Lần đầu tiên anh đi hát về tình
Lần đầu tiên thôi không còn gây sự .

Anh đã từng như vườn hoang bỏ phế
Đã từng thích uống rượu đến say mê.
Rồi bỗng nhiên chán chường không thích nữa
Đã chia tay không một chút chần chừ.

Anh chỉ muốn nhìn vào đôi mắt em
Ôi đôi mắt màu nâu như vực thẳm
Để em thôi yêu quá khứ của mình
Và để với người ta em quên hẳn.

Ơi gương mặt và thân hình duyên dáng
Giá mà em biết được hắn kiên tâm
Giá mà em biết rằng tim du đãng
Có thể trở thành dễ bảo và ngoan.

Thì muôn đời anh sẽ quên quán rượu
Thì muôn đời anh đi bỏ làm thơ
Để được vuốt ve bàn tay êm dịu
Và mái tóc em màu của mùa thu.

Thì muôn đời em sẽ bước theo anh
Đi về quê hay về nơi xa lạ
Lần đầu tiên anh đi hát về tình*
Lần đầu tiên thôi không còn gây sự.
1923.
___________________________
*
Tập thơ “Mối tình của tên du đãng” có bảy bài: “Ngọn lửa màu xanh”, “Hát về một thời du đãng”, “Em yêu ơi hãy ngồi lại kề bên”, “Anh buồn rầu ngồi ngắm nhìn em”, “Em đừng lạnh nhạt làm khổ anh”, “Buổi chiều bệnh viện”, “Em giản dị như là tất cả” Esenin đề tặng Avgusta Miklasevskaya – nữ diễn viên nhà hát Kamerny, người mà Esenin “một thời từng gọi người yêu”. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Esenin đi hát về tình nhưng lần nào cũng vậy, với nhà thơ, tình chợt ùa đến như có vẻ là lần đầu tiên (hoặc cuối cùng). Còn với Avgusta (tháng Tám – mùa thu) cũng vậy, nàng lớn tuổi hơn nhà thơ và đang yêu người khác nên có những câu: “em uống bằng người khác” hay “mỏi mệt ánh mắt nhìn…” là vì thế.

HÁT VỀ MỘT THỜI DU ĐÃNG 

Thôi cứ mặc em uống bằng người khác
Nhưng vẫn còn gì đấy để cho anh
Còn hương khói mùa thu trong mái tóc
Và còn đây mỏi mệt ánh mắt nhìn.

Tuổi mùa thu trưởng thành anh yêu quí
Hơn cả thời tuổi trẻ với mùa hè
Và nét buồn của em đầy quyến rũ
Gấp hai lần tưởng tượng của nhà thơ.

Tận đáy lòng anh không hề nói dối
Và cũng không hề ngạo mạn bao giờ.
Bằng thái độ chân thành anh muốn nói
Rằng đã quên thời du đãng ngày xưa.

Đã đến lúc chia tay trò ngổ ngáo
Với thói hung hăng, ương ngạnh, cứng đầu
Giờ con tim đập dồn lên trong máu
Đầy men tình nên men rượu qua mau.

Giờ mùa thu đã đến ngoài cửa sổ
Bằng những cành liễu đỏ, tía, hồng tươi
Và anh đã sẵn sàng ra gặp gỡ
Với mùa thu đến hẹn một câu mời.

Với nhiều người giờ đây anh hòa giảng
Chẳng ai bắt hay thua thiệt cho mình
Mà bởi vì nước Nga giờ khác hẳn
Khác cả từng nghĩa địa, mái nhà tranh.

Giờ anh đang nhìn bằng đôi mắt sáng
Nhìn đó đây cả bốn phía xung quanh
Chỉ còn em vừa là em, là bạn
Vừa có thể là người vợ của anh.

Rằng chỉ vì em mà anh cố gắng
Học cho mình lòng kiên định, thủy chung
Anh sẽ hát về một thời du đãng
Và những con đường vắng buổi hoàng hôn.
1923



EM YÊU ƠI HÃY NGỒI LẠI KỀ BÊN

Em yêu ơi hãy ngồi lại kề bên
Và đôi mắt hãy nhìn nhau em nhé
Anh muốn nhìn ánh mắt em thuỳ mị
Để nghe trong lòng cơn bão sôi lên.

Đây là màu vàng của mùa thu
Đây, màu sáng của làn tóc rối
Tất cả chúng như một niềm cứu rỗi
Cho tâm hồn lo ngại kẻ lãng du.

Anh từ lâu đã bỏ lại quê mình
Nơi đồng cỏ, những cánh rừng tươi tốt
Trong danh tiếng thị thành đắng cay, khó nhọc
Anh muốn sống đời một kẻ lang thang.

Anh chỉ muốn con tim thôi âm ỉ
Nhớ mùa hè và nhớ mảnh vườn xưa
Nơi đã nghe những chú ếch đồng ca
Rồi anh lớn lên trở thành thi sĩ.

Giờ ở đấy cũng mùa thu đó em
Những cây phong nghiêng mình bên cửa sổ
Đang thả xuống những bóng cành bóng lá
Tìm những người chúng còn nhớ chưa quên.

Họ từ lâu không còn nữa trên đời
Ánh trăng thanh ngoài nghĩa trang đơn giản
Lên những cây thập ác kia chiếu sáng
Rằng ta sẽ về với họ em ơi.

Rằng ta sẽ về khi trả hết nợ đời
Ta sẽ về ngủ yên trong im lặng
Và tất cả những con đường gợn sóng
Chỉ vui cho người còn ở lại mà thôi.

Nên em ơi, hãy ngồi lại kề bên
Và đôi mắt hãy nhìn nhau em nhé
Anh muốn nhìn ánh mắt em thuỳ mị
Để nghe trong lòng cơn bão sôi lên.
1923.


ANH BUỒN RẦU NGỒI NGẮM NHÌN EM

Anh buồn rầu ngồi ngắm nhìn em
Thật đau lòng và thật là đáng tiếc!
Chỉ còn lại sắc đồng, em có biết
Chỉ sắc đồng còn lại với hai ta.

Những bờ môi người khác đã mang xa
Thân thể em nồng nàn và hơi ấm
Tựa hồ như mưa phùn rơi lấm tấm
Cõi lòng anh một chút cứng đờ ra.

Nhưng dù sao anh không sợ điều này
Đối với anh có một niềm vui khác.
Bởi một điều có còn lại gì đâu
Ngoài vàng úa tàn phai và ẩm ướt.

Bởi một điều anh đâu có giữ mình
Cho nụ cười, cho cuộc đời yên lặng.
Thật đau lòng ngắn ngủi chặng đường anh
Thế mà sao sai lầm đã lắm.

Thật buồn cười cho cuộc đời trục trặc
Đã vậy từ xưa và vẫn thế sau này.
Như nghĩa trang, trong vườn đang rải khắp
Lá úa vàng, xương cốt bạch dương rơi.

Cũng như vầy, sẽ tàn úa hai ta
Thôi ồn ào, ta giống như người khách…
Nếu mùa đông trong vườn chẳng có hoa
Thì về nó ta chẳng cần thương tiếc.
1923.
 


EM ĐỪNG LẠNH NHẠT LÀM KHỔ ANH 

Em đừng lạnh nhạt làm khổ anh
Và đừng hỏi rằng anh bao nhiêu tuổi
Bị ám ảnh giống như người động kinh
Tâm hồn anh – khung xương vàng còm cõi.

Có một thời khi còn ở quê xa
Anh mơ ước, kiểu trẻ con – vào khói
Mơ nổi tiếng, giàu có và người ta
Anh yêu hết và được người yêu lại.

Vâng! Anh giàu, anh người giàu có lắm
Chiếc mũ xưa giờ đây đã không còn.
Chỉ còn lại chiếc áo che trước bụng
Và một đôi giày cao cổ đã sờn.

Sự nổi tiếng cũng không hề nói hết
Từ Mạc Tư Khoa cho tới Pa-ri
Cái tên anh làm người ta khủng khiếp
Tựa như lời chửi mắng kẻ vứt đi.

Và tình yêu có phải trò ngộ nghĩnh
Em hôn mà môi cứng tựa sắt tây.
Anh vẫn biết rằng tình anh nẫu chín
Còn tình em không biết gọi mê say.

Anh đau khổ lúc này còn quá sớm
Và cũng không tai họa nếu như buồn
Vàng hơn cả mái tóc em vàng rộm
Là tiếng đùa thiên nga trẻ trên nương.

Anh bây giờ giá mà được về nơi
Có tiếng kêu bầy thiên nga sôi nổi
Được đắm chìm trong quên lãng muôn đời
Và mơ ước, kiểu trẻ con – vào khói.

Nhưng ước mơ một điều khác mới hơn
Về hoa cỏ và miền không ai hiểu
Rằng bằng lời không nói được con tim
Và điều này con người không biết gọi.
1923.


BUỔI CHIỀU BỆNH VIỆN

Buổi chiều chau lông mày đen cau có
Những chú ngựa ai đứng dưới sân nhà
Có phải tôi đã chia tay tuổi trẻ
Và chia tay em trong buổi chiều qua?

Đừng sụt sịt bộ ba kia lười biếng
Cuộc đời trôi nhưng dấu vết không còn
Có thể lắm ngày mai giường bệnh viện
Sẽ ru tôi yên giấc ngủ ngàn năm.

Có thể lắm ngày mai rồi sẽ khác
Tôi ra đi chữa lành hẳn muôn đời
Nghe tiếng mưa rơi và nghe cây hát
Cũng như người sống khỏe mạnh đấy thôi.

Tôi sẽ quên thế lực đầy nguy hiểm
Đã bao phen hành hạ chẳng cho yên
Chỉ gương mặt dễ thương và âu yếm
Chỉ mình em tôi không thể nào quên.

Và dù cho tôi có yêu người khác
Với người ta tôi sẽ kể đôi điều
Về em đấy – người tôi yêu mến nhất
Rằng một thời tôi từng gọi người yêu.

Tôi đi kể về cuộc đời đã sống
Lững lờ trôi như nước chảy qua cầu...
Đầu óc tôi bây giờ đang điên loạn
Chẳng biết đầu tôi sẽ dẫn về đâu?
1923.



EM GIẢN DỊ NHƯ LÀ TẤT CẢ

Em giản dị như là tất cả
Như trăm nghìn người con gái nước Nga
Em thấu hiểu ánh bình minh đơn lẻ
Và nhận ra cơn giá lạnh mùa thu.

Thật buồn cười anh đem lòng thương mến
Thật dại khờ đem ý nghĩ tơ vương
Gương mặt em nghiêm khắc và thánh thiện
Như ảnh Thánh treo ở chốn nguyện đường.

Anh đã từng phớt lờ bao ảnh ấy
Tiếng hò reo, thô bạo vẫn tôn thờ
Nhưng bây giờ bỗng nhiên lời trỗi dậy
Thật dịu dàng, đằm thắm những vần thơ.

Anh chẳng muốn bay tận chốn mây mù
Lên đến đó cần quá nhiều thân thể.
Sao mà tên của em ngân vang thế
Tựa hồ như cơn gió lạnh mùa thu?

Anh không nghèo, không bé dại, đáng thương
Và biết nghe những tấm lòng nhiệt huyết
Từ ngày nhỏ đã biết làm cho thích
Những ngựa cái già ở chốn thảo nguyên.

Chính vì thế mà anh chẳng giữ mình
Để cho em, cho người này, người khác
Vật bảo đảm cho niềm vui hạnh phúc
Là trái tim cuồng thi sĩ của anh.

Chính vì thế mà anh buồn bã
Lác mắt nhìn như chiếc lá rơi ra…
Em giản dị như là tất cả
Như trăm nghìn người con gái nước Nga.
1923.



TƯỞNG NHỚ BRYUSOV

Chúng ta đều chết
Đều về cõi hư vô
Nhưng mà tôi biết
Nước Nga chẳng quên ta bao giờ.

Ta yêu nhiều cô gái
Nhiều phụ nữ ta yêu
Bánh mì ta ăn đấy
Từ cái túi rất nghèo.

Nhưng mà ta không yêu
Phường con buôn tráo trở
Hành tinh này mỹ miều
Hãy đi và gặp gỡ.

Ta những vần thơ cũ
Nhắc lại chừng bốn chục lần
Rồi ta biết thả
Khói và Gô-gôn.

Nhưng dù sao ta đã
Hai mà một luôn luôn
Ơi người bạn mến thương
Chớ than phiền, oán trách!

Bryusov chết rồi
Còn ta rồi sẽ chết
Nhưng không nài xin ngày
Từ túi nghèo xơ xác.

Nhưng mà ta giành giật
Giữ cái túi nghèo xơ.
Valery Yaklevich!
Hãy yên giấc ngàn thu!
1924.
 



BATUM

Những con tàu biển
Đi đến thành phố Constantinopol
Còn đi về Mạc Tư Khoa tàu hoả
Đi xa sự ồn ả
Hay là sự tập trung
Cứ mỗi ngày tôi cảm thấy
Một nỗi buồn.

Tôi ở miền xa
Xa lắm
Thậm chí tôi ngỡ rằng
Trăng còn ở gần hơn
Có vô vàn những hạt nước
Trong con sóng
Biển đen.

Cứ mỗi ngày
Tôi lại đi ra bến
Để mà đưa tiễn
Những kẻ không xót thương
Tôi nhìn trừng trừng
Tôi nhìn như dán mắt
Về miền quyến rũ xa xăm.

Có thể từ Lơ Ha-vrơ
Hay từ Mác-xây
Sẽ bơi về đây
Nàng Louisa hay Janet
Những người này
Tôi vẫn nhớ thương da diết
Nhưng họ là những người
Không tồn tại trên đời.

Mùi vị của biển
Khói và cay
Có thể lắm
Ngài Mitchell
Hay ngài Claud
Sẽ nhớ về tôi
Ở thành phố New York
Khi đọc bản dịch này.

Tất cả chúng ta đi tìm
Trong đời bằng những cái mũi khoan
Và gọi chúng ta có những
Dấu vết không thể nhìn.
Có phải vì thế chăng
Mà như ngọn đèn có tán
Những con sứa chiếu sáng từ nước lên?

Chính vì thế
Mà khi gặp cô gái người ngoại quốc
Trong tiếng kêu cót két
Của con tàu
Thì tôi nghe
Giọng lè nhè của cây đàn hộp
Hoặc là tiếng khóc
Của bầy sếu xa xăm.

Có phải cô ấy chăng?
Có phải là cô ấy?
Nhưng chẳng lẽ trong đời
Dễ dàng nhận thấy?
Nếu như bây giờ cô ấy
Đuổi kịp
Và vun vút mang đi
Cái quần rộng lai ngày trước.

Cứ mỗi ngày
Tôi lại đi ra bến
Để mà đưa tiễn
Những kẻ không xót thương
Tôi nhìn trừng trừng
Tôi nhìn như dán mắt
Về miền quyến rũ xa xăm.

Còn những người khác ở đây
Họ sống theo kiểu khác
Không tình cờ mà đêm đêm
Vang lên tiếng huýt –
Điều đó có nghĩa là
Sự thính nhạy của chó
Bị những kẻ buôn lậu vượt qua.

Nhưng lính biên phòng không sợ
Hãy nhanh lên.
Kẻ thù không thoát khỏi
Chúng ở trong tầm nhìn.
Chính vì thế mà thường xuyên
Vang lên tiếng súng
Trên những bờ
Biển mặn.

Nhưng vẫn sống kẻ thù
Dù người ta cố tình đuổi hết
Bởi thế mà trở nên xanh biếc
Cả thành phố Batum.
Thậm chí tôi cứ ngỡ
Biển có màu chàm
Trong tiếng cười và tiếng ồn
Đường phố.

Nhưng người ta cười là vì có
Một nguyên nhân.
Bởi vì trong đời đâu có
Nhiều lắm chuyện lạ thường.
Có một gã cuồng
Một gã điên
Đặt con gà trống vào bóng tối.

Tự mình cười lên.
Tôi lại đi ra bến
Để mà đưa tiễn
Những kẻ không xót thương
Tôi nhìn trừng trừng
Tôi nhìn như dán mắt
Về miền quyến rũ xa xăm.
1924.


HỒI TƯỞNG

Bây giờ tháng Mười đã khác
Tháng Mười đã khác bây giờ.
Đất nước buổi xấu trời
Tháng Mười như con thú
Gào thét không nguôi
Tháng Mười năm 1917.

Tôi nhớ một ngày
Nặng nề và tuyết
Tôi thấy nó bằng con mắt mờ mịt
Cái bóng thép
Lơ lửng treo trên
Thành phố Petrograd ưu phiền.

Tất cả đều linh cảm một điều
Một điều gì khủng khiếp
Tất cả đều đã biết
Không phải ngẫu nhiên một điều
Những người lính mang mũ thép.

Họ tản ra…
Rồi xếp vào hàng…
Quần chúng run chân…
Và ai đó bỗng nhiên xé tờ khẩu hiệu
Của một kẻ hèn nhát trên tường.

Thế là bắt đầu…
Những ánh mắt nhìn trước nhìn sau
Khổ đau vì nội chiến
Và khói lửa “Rạng Đông”
Bình minh thép xuất hiện.

Số phận đau khổ bắt đầu
Khắp đất nước người ta thét gào
Đến khản cả cổ
Được phất lên dòng chữ đề bằng lửa:
“Hội đồng Đại biểu công nhân”.
1924.


NHÀ XUẤT BẢN VINH QUANG!

Nhà xuất bản vinh quang! Trong sách này
Tôi đã say bằng cảm xúc mới lạ
Đã học nhận thức trong từng phút giây
Rằng nước Nga đứng lên thành công xã.

Dù trong sách còn nhiều chỗ vụng về
Cây bút chì thầm thì cùng trang giấy
Tâm hồn tôi còn nửa tỉnh nửa mê
Chưa hiểu hết ra ngày vui như vậy.

Nhưng các anh bằng nhận thức nhà thơ
Đọc không phải trong lời mà chỗ khác
Rằng chính quyền Xô Viết khắp đất nước
Không còn viết bằng ngôn ngữ ngày xưa.

Sự thử nghiệm bạo dạn đến nhường kia
Khi đọc xong xin đừng cười tôi đấy –
Chỉ bởi vì còn lắm chỗ vụng về
Cây bút chì thầm thì cùng trang giấy.
1924.


NỖI BUỒN NÀY

Nỗi buồn này bây giờ không xua được
Bằng tiếng cười lảnh lót tháng ngày xa.
Cây gia trắng của tôi giờ héo gục
Bình minh hồng đã vắng tiếng hoạ mi.

Đối với tôi bấy giờ tất cả mới
Biết bao tình chất chứa giữa tim tôi
Còn giờ đây dù một lời êm ái
Thành đắng cay rơi xuống khỏi bờ môi.

Miền đất rộng đã quen nhìn đôi mắt
Đã không còn thơ mộng nữa dưới trăng.
Mương xói nhỏ… gai dầu… sườn núi dốc
Chỉ làm cho đất Nga rộng thêm buồn.

Không khỏe mạnh, thấp gầy, còm cõi
Mặt nước gương màu xám, nhạt nhoà
Nhưng tất cả đều thân thương, gần gũi
Tôi ngậm ngùi, nước mắt muốn trào ra.

Căn nhà nhỏ đứng cô đơn, xiêu vẹo
Cừu khóc vang, và theo gió đằng xa
Đang vẫy chiếc đuôi gầy con ngựa cái
Ngó trân trân xuống mặt nước ao tù.

Đấy những gì ta gọi là Tổ Quốc
Là những gì mà tất cả mọi người
Ngày xấu trời ngồi uống say và khóc
Rồi bằng lòng chờ đợi những ngày vui.

Chính vì thế mà nỗi buồn ngày trước
Bằng tiếng cười không xua được chúng đi
Cây gia trắng của tôi giờ héo gục
Bình minh hồng đã vắng tiếng hoạ mi.
1924.



NHỮNG TIẾNG BUỒN THƯƠNG

Đem ra điều khuyên ngăn khu rừng úa
Bằng lời vui, bằng ngôn ngữ bạch dương
Và đàn sếu bay ngang qua buồn bã
Không bao giờ còn một chút tiếc thương.

Thương cho ai? Ta chỉ người du lịch
Đi qua cuộc đời, bỏ lại ngôi nhà.
Bụi gai dầu mơ những người đã chết
Với trăng tròn vành vạnh chốn đầm xa.

Tôi một mình giữa cánh đồng trơ trọi
Ngọn gió mang những đàn sếu bay xa
Tôi nghĩ về tuổi thanh xuân sôi nổi
Nhưng không hề thương tiếc những ngày qua.

Tôi chẳng tiếc những tháng năm uổng phí
Chẳng hề thương thời gian tím trong đời.
Lửa thanh lương trà trong vườn cháy đỏ
Nhưng lửa này không thể ấm cho ai.

Lửa thanh lương trà cháy không hết cả
Cỏ hoa không gục xuống bởi màu vàng
Cây mùa thu lặng im trút lá
Cũng như tôi tuôn những tiếng buồn thương.

Và nếu như thời gian bằng ngọn gió
Dồn tất cả vào một đống chẳng ai cần…
Xin hãy nói… làm sao cho rừng úa
Khuyên ngăn bằng ngôn ngữ thật dễ thương.
1924.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét